Xe đạp Thống Nhất: Từ hào quang lụi tàn đến màn trở lại bùng nổ
Quyết tâm trẻ hóa thương hiệu đã đưa Thống Nhất từ một hãng xe đạp vắng bóng nhiều năm trên thị trường, dần trở lại mạnh mẽ, từng bước lấy lại niềm tin và tăng sự hiện diện trong từng ngôi nhà Việt.
![Ông Đinh Vũ Minh Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Thống Nhất Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_358_51418010/36137ef947b7aee9f7a6.jpg)
Ông Đinh Vũ Minh Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Thống Nhất Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh
Trò chuyện đầu Xuân với TheLEADER, ông Đinh Vũ Minh Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Thống Nhất Hà Nội cho biết, chính tình yêu đối với một thương hiệu "đi cùng năm tháng" đã tạo nên sức mạnh, giúp ban lãnh đạo công ty luôn không ngừng nỗ lực, đưa Thống Nhất chuyển mình mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn thử thách để tiến về phía trước.
Vang bóng một thời
Trong hành trình từ một nhà máy xe đạp nhỏ bé năm 1960 đến thương hiệu nổi tiếng những năm 80, 90, sau đó là khoảng thời gian gần như không còn hiện diện trên thị trường. Điều gì đã tạo nên sức mạnh khiến xe đạp Thống Nhất có thể giữ vững thương hiệu và ngày càng phát triển như hiện nay?
Ông Đinh Vũ Minh Việt: Nhìn lại chiều dài lịch sử, xe đạp Thống Nhất ra đời từ những năm tháng đất nước còn chiến tranh chia cắt. Chính vì vậy mà ngay từ tên gọi, "Thống Nhất" đã gắn liền với ước mong thống nhất hai miền Nam - Bắc của cả dân tộc.
Trong suốt những năm tháng ấy, các sản phẩm của Thống Nhất đã "đi cùng năm tháng". Trong chiến tranh, xe đạp Thống Nhất phục vụ cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm của người dân và phục vụ cho chiến trường.
Khi hòa bình lập lại, hòa chung với sự phát triển của cả đất nước, xe đạp Thống Nhất cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Đã từng có những thời điểm, xe đạp Thống Nhất được coi là tài sản có giá trị cao đối với mỗi gia đình người Việt.
Và trên hết, xe đạp Thống Nhất chính là giá trị tinh thần, gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Đến tận bây giờ, xe đạp Thống Nhất vẫn là hoài niệm, kỷ niệm đẹp trong lòng mỗi người dân. Đó chính là nội lực mạnh mẽ giúp Thống Nhất không ngừng cố gắng, vượt qua mọi khó khăn thử thách của thị trường.
Có những thời điểm, công ty vô cùng khó khăn, nhất là từ sau Đổi mới, khi đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm xe đạp ngoại nhập, Thống Nhất dần đánh mất thị phần, thậm chí là biến mất khỏi thị trường.
Thống Nhất gần như chỉ còn là cái tên trong lòng người dân Việt. Nhưng chính sức mạnh của thương hiệu đã giúp ban lãnh đạo công ty thực sự quyết tâm gìn giữ và phát triển doanh nghiệp.
Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, ngày 27/2/2017, công ty chính thức cổ phần hóa. Đây có thể coi là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của Thống Nhất. Sau cổ phần hóa, công ty đã có một định hướng chiến lược mới từ quản trị, nhân sự, dây chuyển sản xuất đến sản phẩm, để có được bước phát triển như hiện tại.
Vắng bóng trên thị trường một thời gian khá dài, khi quay trở lại, Thống Nhất đã gặp những khó khăn, thách thức như thế nào? Điều gì khiến ông ấn tượng nhất?
Ông Đinh Vũ Minh Việt: Sau cổ phần hóa năm 2017, khó khăn đầu tiên mà ban lãnh đạo mới của Thống Nhất gặp phải chính là câu chuyện làm thế nào để chiếm lĩnh lại thị phần đã mất.
Với một công ty sản xuất, doanh số bán hàng chính là yếu tố quyết định đến mọi hoạt động. Bởi không có doanh số, đồng nghĩa với việc không có sản lượng, không có sản xuất.
!["Sau cổ phần hóa Công ty Thống Nhất, chúng tôi đã xác định là cực kỳ khó khăn, nan giải", ông Đinh Vũ Minh Việt chia sẻ. Ảnh: Hoàng Anh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_358_51418010/fa78bc9285dc6c8235cd.jpg)
"Sau cổ phần hóa Công ty Thống Nhất, chúng tôi đã xác định là cực kỳ khó khăn, nan giải", ông Đinh Vũ Minh Việt chia sẻ. Ảnh: Hoàng Anh.
Kênh phân phối của Thống Nhất khi đó cực kỳ nghèo nàn, gần như đã đứt gãy hoàn toàn. Cả nước chỉ có khoảng 33 điểm bán hàng phủ trên khoảng 11 tỉnh, thành phố.
Trong 11 tỉnh đó, thị trường trọng điểm nhất của Thống Nhất lúc bấy giờ là Hà Nội và Thanh Hóa. Tuy nhiên, khi đi khảo sát cửa hàng, điều chính chúng tôi cũng bất ngờ là chỉ có đúng một mẫu xe nữ rất cũ, từ rất lâu.
Ngoài ra, ở các tỉnh thành khác hầu như không có sự hiện diện của Thống Nhất. Các cửa hàng chủ yếu nhập hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) về bán.
Ngay tại Hà Nội, thời điểm năm 2017 cũng gần như rất ít cửa hàng bán xe đạp Thống Nhất, trừ một số điểm bán như số 2 Thái Hà, số 180 Tây Sơn và cửa hàng ở 70 Tràng Thi.
Tại một chợ xe đạp truyền thống nổi tiếng ở Bà Triệu, khi chúng tôi khảo sát, điều đáng buồn là không có một chiếc xe đạp Thống Nhất nào.
Nhiều tiểu thương đã nói với chúng tôi rằng: "Xe đạp Thống Nhất hồi xưa nổi tiếng lắm, nhưng giờ không thấy nữa"; "thương hiệu đó giờ đã chết rồi, không còn sống, nhà máy đã dừng sản xuất, dừng cung cấp sản phẩm ra thị trường".
Còn nhớ, ban lãnh đạo công ty lúc đó còn rất ít nhân sự và hầu hết là những người trẻ. Bản thân tôi khi đó mới 28 tuổi, được giao nhiệm vụ phụ trách toàn bộ hệ thống kinh doanh.
Sau khi thực hiện khảo sát theo đúng nghĩa là "gõ cửa từng nhà, từng điểm bán hàng" để tìm hiểu thực trạng, chúng tôi đã xác định là cực kỳ khó khăn, nan giải. Nếu không giải quyết được bài toán thị trường, doanh nghiệp sẽ mãi mãi không thể vực dậy.
Thế nhưng chỉ sau khoảng bảy tháng đầu tiên sau cổ phần hóa, công ty đã đạt doanh thu cao gấp đôi so với năm trước đó. Từ 33 điểm bán, công ty đã có hơn 100 điểm bán trên phạm vi cả nước.
Đến thời điểm hiện tại, trên cả nước đã có khoảng 1.000 điểm bán hàng có mặt sản phẩm của Thống Nhất. Từ một nhà máy sản xuất cũ kỹ suốt nhiều năm liền, hiện tăng trưởng sản lượng sản xuất của Thống Nhất mỗi năm luôn duy trì mức tăng hai con số, khoảng 20 - 30%/năm.
![Nhà máy xe đạp Thống Nhất được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Hoàng Anh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_358_51418010/e038bcd2859c6cc2358d.jpg)
Nhà máy xe đạp Thống Nhất được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Hoàng Anh.
Hành trình trẻ hóa thương hiệu - lấy lại thị phần đã mất
Làm thế nào Thống Nhất có được sự thay đổi nhanh chóng như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, thưa ông?
Ông Đinh Vũ Minh Việt: Xác định được thực trạng của doanh nghiệp và những thách thức cần đối diện, việc đầu tiên chúng tôi bắt tay vào chính là làm thế nào để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, lấy lại thị phần đã mất, hay nói một cách đơn giản nhất, chính là "làm thế nào để có doanh số".
Từng bước một, chúng tôi đã xác lập lại một mức giá phù hợp cho sản phẩm của mình, điều chỉnh chính sách bán hàng mới để phủ rộng thị trường và thay đổi mạnh mẽ sản phẩm để đáp ứng được thị hiếu của khách hàng hiện đại.
Song song với đó, Thống Nhất đã thực hiện mạnh mẽ việc tái cấu trúc, từ nhân sự, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đến khâu bán hàng và hậu mãi dành cho khách hàng...
Đơn cử như về sản phẩm, chúng tôi đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Sau những chuyến đi khảo sát về các địa phương, đến từng điểm bán, chúng tôi hiểu phần nào lý do khiến Thống Nhất có kết quả kinh doanh đi xuống trong những năm trước cổ phần hóa.
Dù được coi là biểu tượng của sự bền bỉ và chất lượng trong lòng người Việt, song có thể thấy, mẫu mã của xe đạp Thống Nhất từ rất lâu rồi đã không còn theo kịp với thị hiếu của người tiêu dùng trẻ.
Trước cổ phần hóa, Thống Nhất chỉ có không quá 10 mẫu xe đạp. Các mẫu xe này gần như không có sự cạnh tranh trên thị trường do đã quá lạc hậu, không còn phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Các mẫu xe theo đúng nghĩa đen là "đi cùng năm tháng", khi suốt một thời gian dài không được nghiên cứu để cải tiến, thay đổi về mẫu mã sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm của Thống Nhất đều được phát triển mới từ nhiều năm trước.
Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, để phát triển các mẫu sản phẩm mới là rất thách thức đối với doanh nghiệp.
Ngay sau khi vừa cổ phần hóa đầu năm 2017, thì tháng 7 năm đó, ban lãnh đạo công ty nhận được thông tin về một triển lãm quốc tế về xe hai bánh. Quyết định tham gia triển lãm khi ấy với Thống Nhất là một quyết định đầy táo bạo và thách thức, khi doanh nghiệp chưa có mẫu xe mới nào để tham dự và chỉ còn 5 tháng để phát triển các sản phẩm.
Nhưng cuối cùng chúng tôi đã làm được. Ban lãnh đạo trẻ đầy quyết tâm, nhiệt huyết vùng với những con người nhiều kinh nghiệm, đã gắn bó cả đời người với Thống Nhất đã cùng ngồi lại, cùng tìm ra hướng phát triển mới cho các sản phẩm.
Tất cả những mẫu xe cũ được thay thế bằng những sản phẩm mới, đi theo hướng hiện đại, với thiết kế mới màu sắc, trẻ trung hơn.
Thành công của triển lãm năm đó gần như đã trở thành tiếng vang rất lớn với sự trở lại thị trường của Thống Nhất.
Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về sản phẩm, Thống Nhất đã có sự thay đổi như thế nào?
Ông Đinh Vũ Minh Việt: Trẻ hóa thương hiệu là định hướng lớn của cả ban lãnh đạo, cũng là quyết tâm của Thống Nhất ngay từ những ngày đầu tiếp nhận doanh nghiệp.
Trong quá trình trẻ hóa thương hiệu, mấu chốt chính là ở sản phẩm. Chúng tôi hiểu rằng, một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến trong suốt một thời gian dài, Thống Nhất gần như vắng bóng trên thị trường là do sản phẩm đã quá "cũ kỹ" không còn phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của khách hàng.
Thống Nhất giống như một hãng xe dành cho thế hệ đi trước, cho các ông bà, bố mẹ... chứ không phải dành cho đại chúng, nhất là với nhóm tuổi học sinh, sinh viên, các em nhỏ - vốn là đối tượng có nhu cầu sử dụng rất lớn trên thị trường hiện nay.
Do đó, chúng tôi quyết tâm thay đổi sản phẩm để hướng tới những khách hàng mục tiêu mới. Rất nhiều những mẫu thiết kế mới, những gam màu tươi trẻ, theo xu hướng mới của thế giới được Thống Nhất nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa vào các sản phẩm của mình.
Chúng tôi tập trung rất nhiều nguồn lực vào khâu thiết kế, nghiên cứu sản phẩm, để các mẫu sản phẩm mới bắt nhịp được với xu hướng của thị trường và được khách hàng đón nhận.
Gian nan tái cấu trúc sản xuất
Sự thay đổi rất lớn về sản phẩm đòi hỏi một quy trình sản xuất mới, hiện đại, trong khi Thống Nhất vốn là một doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp đã làm như thế nào, thưa ông?
Ông Đinh Vũ Minh Việt: Song song với quá trình đổi mới, trẻ hóa sản phẩm, công ty đã có sự tái cấu trúc mạnh mẽ trong công tác sản xuất để đáp ứng được nhu cầu sản xuất mới.
Nền kinh tế thị trường không cho phép doanh nghiệp đứng im, lùi lại, mà buộc phải tiến về phía trước. Trong quá trình đó, chúng tôi đã xác định rất rõ ngay từ đầu rằng, muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, bắt buộc yếu tố con người và sự đầu tư về máy móc, công nghệ, quy trình sản xuất phải theo kịp. Nếu không, chính bộ máy nhân sự sẽ là yếu tố gây trở ngại rất lớn.
Khác với các doanh nghiệp khác, Thống Nhất có một đội ngũ người lao động từ trước cổ phần hóa với cách làm cũ, hệ thống máy móc cũ kỹ, lạc hậu, suốt hàng chục năm chưa được đổi mới. Đây có thể coi là rào cản rất lớn đối với việc bắt nhịp với nền sản xuất hiện đại.
Tuy nhiên, công ty có chủ trương không loại bỏ những nhóm lao động cũ, mà giữ họ lại và sắp xếp các vị trí khác nhau để phù hợp với công việc. Cùng với đó là tuyển mới và đào tạo, đào tạo lại cho các lao động của doanh nghiệp.
Chúng tôi kết hợp những tri thức mới, hiện đại với kinh nghiệm của những nhân sự cũ để tìm ra hướng phát triển tốt nhất cho sản xuất.
Mặt khác, Thống Nhất cũng từng bước đưa ra một quy trình sản xuất mới, cụ thể vào từng công đoạn, như sản xuất khung, tạo hình, hàn, sơn, lắp ráp... từ khâu đầu tiên đến bước cuối cùng để tạo ra một chiếc xe đạp hoàn chỉnh.
![Chính tình yêu đối với một thương hiệu "đi cùng năm tháng" đã tạo nên sức mạnh, giúp ban lãnh đạo công ty luôn không ngừng nỗ lực, đưa Thống Nhất chuyển mình mạnh mẽ. Ảnh: Hoàng Anh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_358_51418010/26d6783c4172a82cf163.jpg)
Chính tình yêu đối với một thương hiệu "đi cùng năm tháng" đã tạo nên sức mạnh, giúp ban lãnh đạo công ty luôn không ngừng nỗ lực, đưa Thống Nhất chuyển mình mạnh mẽ. Ảnh: Hoàng Anh
Về cơ chế làm việc, Thống Nhất trước đó là doanh nghiệp nhà nước, người lao động làm việc theo cơ chế tiền lương hưởng theo nhu cầu như thời kinh tế bao cấp. Tức họ làm được bao nhiêu sản phẩm thì sẽ nhận bấy nhiêu tiền lương.
Với cơ chế cũ này, năng suất lao động có sự biến động rất lớn, không phù hợp với bối cảnh thị trường mới.
Chính vì vậy, sau cổ phần hóa, doanh nghiệp đã thực hiện theo cơ chế khoán sản phẩm. Người lao động phải thực hiện theo định mức và nhận về số tiền lương tương ứng.
Cơ chế mới giúp sức lao động của nhân sự được phát huy hết khả năng, đáp ứng được quy mô sản xuất lớn, ổn định. Trong một thời gian ngắn, sau khi thay đổi cơ chế sản xuất, rất may mắn là người lao động đã thích ứng rất nhanh.
Đối với hệ thống máy móc, nhà máy sản xuất của Thống Nhất đã từ rất lâu không được thay thế. Nhiều chiếc máy của Đức, Hungary từ thế hệ trước, có tuổi đời nhiều hơn cả nhân sự lâu nhất của công ty.
Sau khi tiếp quản công ty, để đáp ứng được quy trình sản xuất mơiz, chúng tôi đã dần dần đầu tư, thay thế bằng các thiết bị máy móc hiện đại.
Đơn cử như trước đây, nhà máy Thống Nhất sử dụng các thiết bị hàn tay toàn bộ, nhưng hiện nay, công ty đã đầu tư hệ thống hàn robot, đưa tự động hóa vào các khâu sản xuất sản phẩm để nâng cao chất lượng, tăng năng suất hoạt động.
Kỷ niệm nào ông nhớ nhất trong suốt những ngày tháng "chuyển mình" gian nan đó?
Ông Đinh Vũ Minh Việt: Thời điểm bắt đầu cổ phần hóa, một trong những đơn hàng lớn đầu tiên chúng tôi nhận được là hợp đồng cung cấp 1.700 xe đạp cho công an TP. Hà Nội.
Đây là một dự án rất lớn của chúng tôi ở thời điểm đó, khi doanh thu mỗi tháng chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng. Cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ, khi thời gian thực hiện ngắn, yêu cầu bàn giao xe nhanh, trong khi sức ì của cả bộ máy là rất lớn sau một thời gian dài vốn sản xuất cầm chừng vì không có đơn hàng, không có sản lượng, không có cái cải tiến.
Tại công ty lúc đấy đã xảy ra làn sóng tranh cãi gay gắt giữa một bên bảo vệ quan điểm "không làm được đâu" và một bên quyết tâm "sẽ làm được".
Cuối cùng, chúng tôi đã chọn nỗ lực hết mình, để thực hiện. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Thống Nhất đã bàn giao thành công lô xe đạp cho công an TP. Hà Nội. Các công ty lúc đó ngập tràn niềm vui và niềm tin hướng về tương lai.
![Thống Nhất đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt để "trẻ hóa" thương hiệu. Ảnh: Hoàng Anh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_358_51418010/de6f8985b0cb599500da.jpg)
Thống Nhất đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt để "trẻ hóa" thương hiệu. Ảnh: Hoàng Anh.
Ông có sợ rằng, việc "trẻ hóa" sẽ khiến Thống Nhất đánh mất những cái giá trị cốt lõi vốn đã được xây dựng trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của thương hiệu?
Ông Đinh Vũ Minh Việt: Giá trị cốt lõi mà suốt 60 năm qua Thống Nhất luôn gìn giữ chính là chất lượng sản phẩm. Trước đây, thương hiệu Thống Nhất luôn được coi là biểu tượng của sự bền bỉ và chất lượng trong lòng người Việt và hiện nay vẫn vậy.
Với tất cả các sản phẩm của Thống Nhất, chất lượng và an toàn luôn là yếu tố được đưa lên hàng đầu.
Từ việc nghiên cứu kỹ các xu hướng thiết kế, màu sắc sản phẩm đến phụ tùng, chất liệu, màu sơn... tất cả đều được chọn lựa kỹ càng, nghiêm ngặt. Sản phẩm sau khi sản xuất cũng được kiểm tra, đánh giá đảm bảo yêu cầu mới đưa ra thị trường.
Dù thương hiệu được trẻ hóa, nhưng chất lượng luôn là yếu tố chúng tôi gìn giữ theo từng năm tháng và nỗ lực phát huy.
Trong khâu bán hàng, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến yếu tố trải nghiệm khách hàng, đặc biệt là các chính sách hậu mãi dành cho người tiêu dùng.
Phát triển thương hiệu theo hướng bền vững cũng chính là yếu tố giúp chúng tôi cạnh tranh được với các sản phẩm xe đạp ngoại nhập. Thay vì cạnh tranh bằng cách hạ giá bán, lao vào cuộc đua về giá, chúng tôi tập trung vào chất lượng sản phẩm và đưa ra chính sách bảo hành cao hơn thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng.
Như ông vừa chia sẻ, chiến lược phát triển sản phẩm của Thống Nhất không nằm ở giá, mà hướng tới chất lượng sản phẩm. Vậy, có khó khăn không khi Thống Nhất phải cạnh tranh với rất nhiều các sản phẩm giá rẻ hiện nay?
Ông Đinh Vũ Minh Việt: Chắc chắn là không!
Ngược lại, đây còn là động lực để chúng tôi không ngừng phát triển và chiếm được lòng tin của khách hàng.
Cần hiểu rằng, nếu theo đuổi cuộc đua về giá, sẽ đến lúc giá không thể giảm thêm, trong khi đó chất lượng sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí là chất lượng kém, không đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Về lâu dài, sẽ đến lúc người tiêu dùng quay lưng với các sản phẩm giá rẻ không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Và đây chính là cơ hội rất lớn để chúng tôi phát triển.
Sức sống mới nhờ "tình yêu" với thương hiệu
Là một lãnh đạo trẻ, điều gì đã khiến ông có một quyết tâm mạnh mẽ để vực dậy một thương hiệu "đã già" và nuôi dưỡng tình yêu lớn với Thống Nhất như vậy?
Ông Đinh Vũ Minh Việt: Ngay từ rất nhỏ, tôi đã biết đến xe đạp Thống Nhất. Cả gia đình thời đó đều yêu quý hãng xe đạp này. Hồi đó, tôi đã từng đánh mất một chiếc xe đạp Thống Nhất và đã buồn mất mấy ngày liền.
Bẵng đi nhiều năm, khi nhận được lời đề nghị về Thống Nhất trong bối cảnh thương hiệu này đã gần như không còn xuất hiện trên thị trường, lúc đó tôi vừa tò mò, vừa hoang mang khi gánh trên vai trọng trách rất lớn.
Nhưng tình yêu đối với một thương hiệu của Việt Nam đã khiến tôi luôn nỗ lực, quyết tâm cùng với ban lãnh đạo, vực dậy một thương hiệu lớn trong lòng người dân Việt.
Thay vì sợ hãi trước quá khứ, chúng tôi chọn nhìn về phía trước và luôn nuôi dưỡng khát khao trẻ hóa thương hiệu này. Phát triển Thống Nhất là khát vọng lớn, cũng là mục tiêu chung của cả doanh nghiệp.
Đó chính là động lực để chúng tôi không ngừng phát triển hoàn thiện sản phẩm mỗi ngày, đưa xe đạp Thống Nhất phủ rộng trên toàn quốc và trở lại trở thành một thương hiệu xe đạp "quốc dân" đúng nghĩa trong lòng nhiều người dân Việt.
Hiện nay, Thống Nhất đang tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa để chiếm lĩnh thị phần trên chính "sân nhà".
Nếu như trước cổ phần hóa, có thể nói Thống Nhất chưa bao giờ đặt chân vào thị trường phía Nam, thì hai năm vừa qua, chúng tôi đã bắt đầu đẩy mạnh phát triển thị trường này và xác định, đây sẽ là khu vực trọng điểm của công ty trong vòng ba năm tới.
Tiếp sau đó, chúng tôi sẽ từng bước hướng đến xuất khẩu, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.
Mặt khác, chúng tôi cũng hướng tới việc hợp tác với các thương hiệu nước ngoài để bước vào chuỗi cung ứng sản xuất xe đạp, xe đạp điện và từng bước phát triển sản phẩm xe đạp điện của riêng mình.
Xin cảm ơn ông!