Xây nhà, vun đắp hy vọng: di sản vĩ đại của cố Tổng thống Jimmy Carter
Sau khi rời Nhà Trắng, cố Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã chọn một con đường phụng sự khác thường: xây dựng hàng nghìn ngôi nhà và thắp sáng hy vọng cho hàng triệu người trên khắp thế giới.
Trong những câu chuyện về các vị tổng thống Mỹ, có một di sản đặc biệt không được đo đếm bằng những chính sách hay quyết định chính trị, mà bằng những viên gạch, những mái nhà, và những giọt mồ hôi. Đó là câu chuyện về cố tổng thống Jimmy Carter, người đã chọn con đường phụng sự nhân loại theo cách riêng của mình sau khi rời Nhà Trắng.
Với 4.447 ngôi nhà được dựng qua bàn tay của ông cùng Habitat for Humanity – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp nhà ở giá rẻ, cố Tổng thống Carter đã vẽ nên bức tranh về lòng nhân ái không chỉ bằng tầm nhìn mà còn bằng chính hành động của mình. Không những vậy, ông Carter, người mới trút hơi thở cuối cùng vào ngày 29/12 ở tuổi 100, đã biến công việc tình nguyện xây dựng những ngôi nhà giá rẻ trở thành một nghĩa cử đầy cao quý.
“Khi rời Nhà Trắng, chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì”, cố Tổng thống Carter từng chia sẻ. “Nhưng chúng tôi đã lựa chọn làm tình nguyện viên cho Habitat, và đó là trải nghiệm làm thay đổi cuộc đời chúng tôi”.
Lòng trắc ẩn hóa hàng nghìn mái ấm
Trước khi có sự góp mặt của gia đình Carter, ý tưởng về những ngôi nhà được xây dựng bởi tình yêu thương và sự chung tay của cộng đồng đã được ấp ủ từ những năm 1965 tại Koinonia Farm, một cộng đồng nông dân Cơ đốc giáo nhỏ ở Quận Sumter, bang Georgia (Mỹ). Năm 1976, Habitat for Humanity chính thức ra đời từ đây, với sứ mệnh mang lại những mái ấm cho những người kém may mắn.
Gia đình cố Tổng thống Carter đã đồng hành cùng Habitat for Humanity ngay từ những ngày đầu thành lập. Nhưng phải sau một cơ duyên vào năm 1984, họ mới thực sự dành trọn tâm huyết cho tổ chức này.
Đó là khi vị tổng thống thứ 39 của nước Mỹ cùng các tình nguyện viên đảm nhận việc cải tạo một ngôi nhà đang xuống cấp ở quận Manhattan. Trong khi làm việc, ông tình cờ nhìn thấy một phụ nữ lớn tuổi nấu thức ăn trên đống bùi nhùi được đốt giữa hai viên gạch. Khoảnh khắc này khiến ông nhận ra nhà ở giá rẻ có ý nghĩa như thế nào đối với những hoàn cảnh khó khăn.
Kể từ đó, Habitat for Humanity đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cựu Tổng thống Jimmy Carter và phu nhân Rosalynn Carter. Thông qua tổ chức, họ đã gieo những hạt giống yêu thương và hy vọng qua Dự án công trình Jimmy và Rosalynn Carter. Hàng vạn đôi tay, trong đó có 104.000 tình nguyện viên, đã cùng nhau xây dựng những mái ấm, biến ước mơ về một nơi trú ngụ an toàn cho mọi mảnh đời bất hạnh thành hiện thực.
Lòng nhân đạo không biên giới, tuổi tác
Hình ảnh vợ chồng Jimmy, Rosalynn Carter miệt mài làm việc trên công trường đã trở thành một bức tranh đẹp về lòng nhân ái. Có thời điểm, dù phải khâu 14 mũi trên trán và một bên mắt thâm tím sau một cú ngã, ông Carter, khi đó đã 95 tuổi, vẫn kiên định với nhiệm vụ xây dựng mái ấm cho những người kém may mắn. Cổ tổng thống Mỹ quả quyết: "Tôi có ưu tiên số một là đến Nashville và xây nhà", câu nói đơn giản nhưng phản ánh một ý chí phi thường.
Jonathan T.M. Reckford, Giám đốc điều hành Habitat for Humanity, chia sẻ với báo The Washington Post rằng dù không phải là người sáng lập hay điều hành, cố Tổng thống Carter đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa tổ chức này đến tầm cao mới. Theo ông Reckford, thật khó để tách rời hình ảnh của cựu tổng thống khỏi sự phát triển vượt bậc của Habitat for Humanity, với số người được tổ chức hỗ trợ từ vài nghìn vào năm 1984 đến 7,1 triệu vào năm 2022.
Từ những con phố nghèo ở Quận Manhattan, vợ chồng Carter cùng các tình nguyện viên của Habitat for Humanity đã in dấu chân lên 14 quốc gia khác nhau. Bằng chính đôi tay và khối óc của mình, họ đã tạo dựng vô vàn tổ ấm cho những gia đình sống giữa bãi rác ở Campuchia, cho những ngư dân ngủ trên thuyền ở Việt Nam hay những người bị mất nhà cửa bởi trận động đất năm 2008 ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).
Tấm gương phục vụ của một vị nguyên thủ quốc gia đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cả thế giới đối với tổ chức và thúc đẩy nhiều nhà lãnh đạo tham gia vào hoạt động nhân đạo.
Cố Tổng thống Carter từng chia sẻ: "Sự hy sinh mà tôi nghĩ mình sẽ thực hiện hóa ra lại là một trong những phước lành lớn nhất trong cuộc đời tôi". Quả thật, trong hành trình phụng sự này, ông đã tìm thấy một chân lý sâu sắc: khi ta cho đi, ta nhận lại được nhiều hơn những gì ta tưởng tượng. Di sản của ông không chỉ là những ngôi nhà được dựng xây, mà còn là tấm gương về lòng nhân ái, về việc sống một cuộc đời có ý nghĩa ngay cả sau khi rời khỏi đỉnh cao quyền lực.
Và có lẽ, đó mới chính là di sản quý giá nhất mà một nhà lãnh đạo có thể để lại: không phải là những công trình đồ sộ hay những chính sách vĩ đại, mà là những hành động nhỏ bé được thực hiện với tình yêu thương lớn lao, những viên gạch được xếp với niềm tin vào nhân loại, và những mái nhà được dựng xây bằng hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn.