Xây khát vọng về ngành tôm Việt Nam
Nuôi tôm là một lĩnh vực trọng điểm của ngành thủy sản Việt Nam, đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. Thế nhưng, có những thời điểm, nghề nuôi tôm đối mặt rất nhiều khó khăn, nhất là khi tôm gặp dịch bệnh không rõ nguyên nhân. Cứu tôm, đổi mới chiến lược phát triển nghề tôm giúp nông dân có thể làm giàu, để sản phẩm này của Việt Nam đủ sức cạnh tranh với bất kỳ nước nào trên thế giới - đó luôn là ước mơ của Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, người thường được gọi là 'bác sĩ' của tôm.

Các chuyên gia thủy sản trao đổi kinh nghiệm tại trang trại nghiên cứu tôm, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: THỤC KHUÊ)
Gặp Trần Hữu Lộc, tôi không khỏi bất ngờ trước phong cách mà theo cách nói của người Nam Bộ là “rặt nông dân”, dù anh sinh ra, lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh và còn là một nhà khoa học trẻ. Sau tròn nửa thế kỷ miền nam hoàn toàn giải phóng, giới trẻ của thành phố mang tên Bác hôm nay luôn tiếp bước cha ông, đóng góp trí tuệ, công sức để dựng xây quê hương.
Từ cậu bé yêu tôm, cá đến tiến sĩ Đại học Arizona
Khi được hỏi vì sao gắn bó với lĩnh vực này, Trần Hữu Lộc cười xuề xòa: “Tôi lớn lên ở vùng ngoại thành, nên được sống với thiên nhiên từ nhỏ, được thừa hưởng niềm say mê từ chính cha tôi, vốn cũng là một giảng viên ngành thủy sản. Khi còn nhỏ, cha thường cho tôi đi cùng, chỉ và phân tích cho tôi về các loài tôm, cá. Từ đó, tôi thích quan sát, nghiền ngẫm, tìm hiểu về các loài thủy sản và thế giới của chúng”.
Từ yêu thích đến gắn bó với một lĩnh vực là một hành trình không đơn giản. Song theo Trần Hữu Lộc, bí quyết để anh vượt qua những khó khăn là luôn phải có ước mơ và đặt ra mục tiêu để chinh phục cho từng giai đoạn, cái sau phải cao hơn cái trước. “Những thách thức đó gần giống như một gia vị trong cuộc sống khiến tôi có thêm động lực. Mỗi khi đạt được một mục tiêu, nó giúp tôi có thêm dopamine (hormone hạnh phúc) để vui vẻ tiếp tục con đường của mình”, anh Lộc chia sẻ.
Cũng bởi vậy, sau khi tốt nghiệp đại học năm 2006, không chỉ dừng lại ở vị trí một kỹ sư nông nghiệp, anh quyết tâm xin học bổng tiến sĩ tại Đại học Arizona (Mỹ), chuyên ngành vi sinh và bệnh học trên tôm. Khi các giáo sư tại Mỹ đặt câu hỏi tại sao lại muốn sang đây học về ngành thủy sản, anh thẳng thắn chia sẻ: Xuất khẩu thủy sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Anh mong muốn được học những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới trong lĩnh vực thủy sản, trước hết để bổ sung kiến thức, sau đó làm giàu cho bản thân và người dân, đất nước...
Trùng hợp, năm 2010, đúng lúc Trần Hữu Lộc bắt đầu học tại Mỹ, một dịch bệnh lạ trên tôm xuất hiện, tạm được đặt tên là hội chứng tôm chết sớm (EMS). Sản lượng tôm toàn cầu giảm, thậm chí nước đứng đầu thế giới thời điểm đó là Thái Lan cũng thiệt hại hàng tỷ USD.
Trước thông tin người nuôi tôm tại quê nhà lao đao, thậm chí có nhiều người mất trắng sản nghiệp, anh chọn chính căn bệnh này làm đề tài luận án tiến sĩ của mình - một quyết định mạo hiểm bởi dù có thể có những chẩn đoán ban đầu phù hợp, nhưng việc tìm ra nguyên nhân là một nhiệm vụ phức tạp hơn nhiều; nhà nghiên cứu có thể đi theo các dấu vết sai hoặc không tìm ra cách khắc phục.
Trong trường hợp đó, luận án của anh có thể mất nhiều năm và vượt xa hơn so với thời gian học bổng mà anh được cấp, đồng nghĩa với thất bại. Dù vậy, anh vẫn lao vào nghiên cứu.
Sau 3 năm ròng rã với nhiều chuyến đi, về giữa Việt Nam và Mỹ để lấy mẫu, thực hiện các thí nghiệm; đồng thời, phỏng vấn hàng trăm nông dân để tìm hiểu các giai đoạn diễn tiến của căn bệnh thông qua sự quan sát hằng ngày của họ, anh xác định được chính xác bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm (AHPNS) do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus.
“Khi đại dịch hội chứng tôm chết sớm tấn công vào những khu vực nuôi tôm tại châu Á, có nhiều lý thuyết và giả thuyết về nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Các cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra trong khi thiệt hại kinh tế lên tới hàng tỷ USD. Thông qua nhiều thí nghiệm tỉ mỉ, cuối cùng Trần Hữu Lộc đã giải quyết được vấn đề, giúp người nông dân học cách kiểm soát mầm bệnh và phát triển nhiều đàn tôm kháng bệnh hoặc không có bệnh. Việc áp dụng các kết quả nghiên cứu đã được sử dụng gần như ngay lập tức với những lợi ích mà hàng nghìn người nuôi tôm nhận được” - Giáo sư, tiến sĩ Kevin Fitzsimmons, nguyên Chủ tịch Trường Nông nghiệp, Khoa học sự sống và Môi trường, Đại học Arizona (Mỹ) cho biết.

Tiến sĩ Trần Hữu Lộc (bên phải) trao đổi với cộng sự về kết quả phân tích thí nghiệm. (Ảnh THỤC KHUÊ)
Với phát kiến đột phá này, Trần Hữu Lộc thành công trong việc áp dụng phương pháp phòng ngừa bệnh bằng cách kiểm soát chặt khâu chọn tôm giống, xử lý nguồn nước và quy hoạch vùng nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nghiên cứu của anh được Đại học Arizona nhanh chóng công nhận và chọn là 1 trong 20 sự kiện của trường năm 2013, đồng thời giúp anh hoàn thành chương trình tiến sĩ.
Bệnh viện cho tôm đầu tiên ở Việt Nam
Năm 2024, sản lượng nuôi tôm của Việt Nam đạt 1.246,5 nghìn tấn, tăng 5,3%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4 tỷ USD, tiếp tục là chủ lực của ngành thủy sản. Dự kiến, năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ sẽ đạt 750.00ha. Quy mô mở rộng hằng năm đặt ra nhiều thử thách cho cả người nuôi tôm và những nhà khoa học như tiến sĩ Lộc.
“Chúng ta thường có suy nghĩ là làm cho nước ngoài. Tôi suy nghĩ khác. Tôi muốn chúng ta làm cùng với nước ngoài và tiến tới, chuyên gia người nước ngoài phải làm cho chúng ta”, tiến sĩ Lộc nhấn mạnh. Từ chối các lời mời làm việc tại Mỹ, anh về nước, tiếp tục giảng dạy tại Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.
“Chúng tôi đánh giá cao khi tiến sĩ Lộc đã từ chối nhiều lời mời làm việc ở nước ngoài có thể cho anh điều kiện làm việc cũng như thu nhập tốt hơn để về dành tâm huyết, kiến thức, kinh nghiệm, cống hiến cho nhà trường, cho đất nước. Cùng với nhiều chuyên gia khác, tiến sĩ Lộc đang hỗ trợ rất nhiệt thành cho Dự án Tiếp thị nông sản Việt của Hội Marketing Việt Nam với mong muốn phát triển, nâng tầm 5 lĩnh vực nông sản Việt Nam, trong đó có thủy hải sản”, tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Không chỉ là một giảng viên nhiệt huyết, năm 2014, tiến sĩ Lộc tiên phong tham gia thành lập Phòng Nghiên cứu bệnh học thủy sản (Shrimpvet). Định hướng của anh về Shrimpvet là hoạt động phi lợi nhuận; là nơi cung ứng được kiến thức cập nhật, các dịch vụ xét nghiệm, quy trình để ngừa bệnh cho tôm và các loài thủy sản khác; đồng thời, nghiên cứu các công nghệ hiện đại phục vụ cho nuôi trồng thủy sản; trên tinh thần sẵn sàng chia sẻ.
Anh mong muốn, kể cả khi chuyển giao cho thế hệ khác thì Shrimpvet vẫn đứng vững một cách độc lập và là tài sản của ngành tôm Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là nơi để các học trò của anh nói riêng, sinh viên ngành thủy sản nói chung có cơ hội thực hành, ứng dụng ngay kiến thức vào thực tế.
Đặng Tuấn Ngọc, hiện là sinh viên năm cuối chuyên ngành Bệnh học thủy sản, Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, song đã là Quản lý kỹ thuật, bộ phận Thí nghiệm-thực nghiệm thuộc Shrimpvet. “Làm việc trong môi trường nghiên cứu nên tính sáng tạo luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, đối tượng làm việc của chúng em ở đây là tôm, cá và động vật thủy sản, bởi vậy sự nhạy cảm và nhạy bén trong nắm bắt công việc rất cần thiết. Thầy Lộc đã truyền cho chúng em những yếu tố đó và nhất là nhiệt huyết của thầy cho chúng em cảm nhận, chúng em không phải là học trò mà là cộng sự của thầy”, Ngọc chia sẻ.
Mô hình hoạt động của Shrimpvet cho đến nay là duy nhất tại Việt Nam với hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO-17025 và đã nhanh chóng chứng minh hiệu quả như một “bệnh viện” dành cho tôm.
Từ cơ sở đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh, giờ Shrimpvet đã có các chi nhánh tại Ninh Thuận, Bạc Liêu…, trở thành địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp, nông hộ nuôi tôm khi cần các dịch vụ phân tích bệnh học, tư vấn về thức ăn chăn nuôi, vi sinh... Làm việc tại đây ngoài người Việt còn có nhiều chuyên gia đến từ Myanmar, Kenya…
Chị Yin Min Thant, người Myanmar, Quản lý truyền thông, bộ phận Quản trị nghiên cứu và phát triển thuộc Shrimpvet cho biết: “Ở đất nước tôi không có đơn vị nào tương tự Shrimpvet. Tôi cảm thấy rất may mắn khi được làm việc tại một đơn vị nghiên cứu bài bản trong lĩnh vực bệnh học thủy sản, cụ thể là tôm, với rất nhiều dự án hằng năm, giúp tôi có thêm những kinh nghiệm quý báu. Tôi tin rằng những điều này sẽ tạo điều kiện để tôi có thể trở về giúp quê hương mình trong tương lai”.
Năm 2022, khi bệnh mờ đục hậu ấu trùng (TPD) hay còn gọi là “tôm thủy tinh” có dấu hiệu xuất hiện tại nước ta, Shrimpvet nhanh chóng vào cuộc, nghiên cứu, phân lập các chủng vi khuẩn, xác định mầm bệnh. Đến tháng 9/2023 Shrimpvet có kết luận và gửi báo cáo cho Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm kịp thời khuyến cáo và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa cho nông dân, giảm nguy cơ thiệt hại.
Đau đáu với ngành tôm Việt Nam, mong sao cho người nông dân làm giàu và đứng vững với nghề, để tôm Việt Nam có thể vươn lên vị trí dẫn dầu thế giới vẫn luôn là nỗi niềm của tiến sĩ Lộc.
Sát cánh cùng nông dân bao năm trời, anh hiểu có những người đặt toàn bộ sinh kế của gia đình vào một lứa tôm. Bởi vậy, anh nỗ lực tìm hướng phát triển chiến lược mới cho ngành tôm để làm sao tối ưu được hệ thống và quy trình sản xuất đơn giản, bền vững, chi phí thấp nhất song vẫn đạt độ ổn định cao nhất.
“Vừa rồi, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương để đưa vào hoạt động thí điểm một mô-đun quy mô 30ha cho phép sản xuất được 2.000 tấn tôm/năm ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Kỳ vọng đây sẽ là mô hình chuẩn để nhân rộng, với quy trình bài bản, được tính toán kỹ lưỡng từ quy mô sản xuất, mật độ thả nuôi, sức tải của môi trường, hệ thống xử lý chất thải theo hướng phát triển bền vững, và nhất là chi phí đầu tư hợp lý. Ước mơ của tôi là ngành thủy sản của chúng ta có một vị thế vững chắc, đủ sức mạnh cạnh tranh với bất kỳ nước nào trên thế giới”, tiến sĩ Trần Hữu Lộc khẳng định.
Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, sinh năm 1984, hiện là giảng viên Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh; cố vấn quốc tế của Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Nuôi trồng thủy sản châu Á, Liên minh Nuôi thủy sản thế giới; chuyên gia tham vấn cho Bộ Nông nghiệp nhiều quốc gia; Giám đốc Phòng Nghiên cứu bệnh học thủy sản Shrimpvet. Anh đã được tuyên dương là Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014.