Xây 'đường băng' đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánhBài 1: Ðô thị động lực - Nền tảng thúc đẩy tăng trưởng

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hóa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hóa ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Bài 1: Ðô thị động lực - Nền tảng thúc đẩy tăng trưởng

Dựa trên đặc điểm phát triển đặc thù, Cà Mau theo đuổi mô hình đô thị đa trung tâm với 3 đầu tàu kinh tế: TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc. Mỗi đô thị không chỉ giữ vai trò kết nối mà còn được định hướng phát triển theo thế mạnh riêng. TP Cà Mau hướng đến trở thành trung tâm năng lượng, dịch vụ dầu khí, chế biến thủy sản và du lịch sinh thái. Sông Ðốc phát triển thành đô thị sông nước đặc trưng, trung tâm kinh tế biển Tây và dịch vụ du lịch biển. Năm Căn là cửa ngõ thương mại và dịch vụ phía Nam, kết hợp giữa bản sắc đô thị sông nước và hạ tầng logistics hiện đại.

Hạt nhân tăng trưởng từ tam giác đô thị động lực

Thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) là đô thị biển lớn nhất tỉnh, đang khẳng định vị thế trong lĩnh vực khai thác và chế biến thủy sản. Với hơn 1.300 tàu cá, sản lượng khai thác hằng năm trên 150 ngàn tấn, chiếm 50% tổng sản lượng thủy sản của tỉnh, thị trấn Sông Ðốc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hải sản và tạo công ăn việc làm cho khoảng 18 ngàn lao động.

Không chỉ mạnh về khai thác thủy sản, Sông Ðốc còn đẩy mạnh phát triển hạ tầng đô thị và giao thông. Tỷ lệ đường nội thị được nhựa hóa đạt 90%, tạo thuận lợi cho giao thương. Ðặc biệt, dự án mở rộng Cảng cá Sông Ðốc với tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026, sẽ giúp nâng cao năng lực logistics, thu hút doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô lớn.

Ông Lê Hoàng Quân, Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc, cho biết: “Kinh tế biển là lợi thế cạnh tranh cốt lõi của Sông Ðốc. Chúng tôi đang tập trung nguồn lực để nâng cấp hạ tầng cảng cá, phát triển các khu chế biến thủy sản hiện đại và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Mục tiêu là đưa Sông Ðốc trở thành trung tâm kinh tế biển năng động, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực”.

Trong khi Sông Ðốc dẫn đầu về kinh tế biển, thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) lại đang vươn lên trở thành trung tâm logistics của tỉnh. Với dân số trên 39 ngàn người, thị trấn này giữ vai trò kết nối thương mại giữa Cà Mau và các tỉnh lân cận, đồng thời là đầu mối trung chuyển hàng hóa chiến lược.

Lợi thế của Năm Căn là nằm ở vị trí đắc địa trên tuyến Quốc lộ 1, được quy hoạch gắn với cao tốc, mở ra tiềm năng phát triển cảng biển nước sâu, nâng cao năng lực xuất nhập khẩu các mặt hàng thủy sản và nông sản đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL).

Ông Trần Ðoàn Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn, cho biết: “Ðịa phương đang tập trung kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Năm Căn, đặt mục tiêu thu hút 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư đến năm 2030. Song song đó, huyện đẩy mạnh các dự án khả thi, bao gồm 200 ha nuôi thủy sản công nghệ cao, nạo vét cảng Năm Căn ra cửa Bồ Ðề, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền cập cảng. Việc đưa cầu Năm Căn vào sử dụng cũng là bước ngoặt lớn, giúp kết nối thông suốt với TP Cà Mau và các tỉnh lân cận. Nhờ đó, trong 5 năm qua, lưu lượng hàng hóa qua Năm Căn đã tăng hơn 60%, khẳng định vị thế ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực”.

Ông Lê Quốc Việt, Chủ nhiệm Hợp tác xã Cua biển Năm Căn - Cà Mau, chia sẻ: “Trước đây, việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn do giao thông cách trở. Từ khi có cầu Năm Căn, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa trở nên thuận tiện hơn rất nhiều, giúp chúng tôi mở rộng quy mô kinh doanh và tăng cường giao thương với các nơi khác”.

Khẩn trương triển khai các dự án chiến lược

Với chiến lược phát triển đô thị đa trung tâm, Cà Mau không chỉ tối ưu hóa tiềm năng của từng khu vực mà còn tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng kinh tế. Sự phát triển đồng bộ giữa TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong khu vực.

Bám sát Chương trình số 27-CT/TU ngày 20/7/2022 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, Cà Mau đang triển khai loạt chương trình phát triển đô thị đến năm 2025, định hướng đến 2030. Các đô thị Năm Căn, Sông Ðốc đã được phê duyệt quy hoạch, trong khi TP Cà Mau đang hoàn thiện điều chỉnh đến năm 2030 với tổng vốn đầu tư phát triển đô thị dự kiến 106.773,8 tỷ đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi nhấn mạnh, với sự đồng bộ trong quy hoạch, đầu tư hạ tầng và chuyển đổi số, Cà Mau đang từng bước xây dựng các đô thị hiện đại, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài. Hiện khu vực đô thị đóng góp khoảng 60% GRDP toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh đã lập và điều chỉnh 40 đồ án quy hoạch, đồng thời đang triển khai thực hiện lập 48 đồ án với tổng kinh phí thực hiện 143.570,6 triệu đồng, tạo nền tảng quan trọng để phát triển đô thị theo hướng bài bản và bền vững.

Song hành với quy hoạch bài bản, việc đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông được xem là động lực then chốt giúp kết nối các đô thị trong tỉnh với vùng ÐBSCL và cả nước. Nhờ sự hỗ trợ từ Trung ương, Cà Mau đang tập trung triển khai tuyến cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 63 và xây dựng tuyến đường trục Ðông - Tây cùng cầu sông Ông Ðốc dài 43,95 km. Những công trình này không chỉ đảm bảo giao thông thông suốt giữa các đô thị mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho logistics, giao thương và phát triển các khu kinh tế trọng điểm.

Điểm cuối tuyến đường Cao tốc nối đường Xuyên Á.

Điểm cuối tuyến đường Cao tốc nối đường Xuyên Á.

Không chỉ chú trọng đường bộ, Cà Mau còn đầu tư mạnh vào hàng không và cảng biển. Dự án nâng cấp Sân bay Cà Mau lên cấp 4C với tổng vốn 2.400 tỷ đồng sẽ giúp sân bay tiếp nhận Airbus A320, A321, nâng công suất từ 200 ngàn lên 500 ngàn hành khách/năm và mở rộng lên 1 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển tại Ông Ðốc, Năm Căn, Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi)... được quy hoạch đồng bộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, kinh tế đảo, nâng cao năng lực hậu cần đô thị và mở ra cơ hội mới trong chuỗi cung ứng khu vực.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn đến năm 2030, Cảng Hàng không Cà Mau là sân bay cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn đến năm 2030, Cảng Hàng không Cà Mau là sân bay cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm.

Không chạy theo số lượng, tỉnh ưu tiên chất lượng và tính bền vững. Là đô thị loại II từ năm 2010, TP Cà Mau đang hướng đến mục tiêu trở thành đô thị loại I vào năm 2030. Với dân số hơn 234 ngàn người (chiếm 22% dân số toàn tỉnh), thành phố đóng vai trò đầu tàu trong thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng.

Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư công cho hạ tầng giao thông và đô thị của tỉnh ước tính trên 5.000 tỷ đồng, với các công trình trọng điểm, như mở rộng đường Quản Lộ - Phụng Hiệp (4.800 tỷ đồng) giúp tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận; cầu Hòa Trung (250 tỷ đồng) mở rộng không gian đô thị, giảm áp lực giao thông.

Bên cạnh việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, Cà Mau cũng ghi dấu ấn với sự phát triển mạnh của các khu đô thị mới. Các dự án đã hoàn thiện, như Minh Thắng, Tài Lộc (A, B), Licogi, An Sinh, Happy Home... không chỉ làm thay đổi diện mạo thành phố mà còn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh tiếp tục mở rộng với các dự án trọng điểm, như Khu đô thị An Sinh V, Khu đô thị Trung tâm đô thị Sông Ðốc, Khu đô thị thị trấn Cái Nước...

Không chỉ tập trung vào hạ tầng cứng, Cà Mau còn hướng đến mô hình đô thị xanh, bền vững. Theo kế hoạch, đến năm 2030, khoảng 30% diện tích đô thị sẽ được phủ xanh, không chỉ nâng cao môi trường sống mà còn gia tăng sức hút đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn.

Ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Ðể đô thị hóa bền vững, cần quy hoạch đồng bộ, đầu tư hạ tầng hiện đại, đồng thời bảo vệ môi trường và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng. Quan trọng hơn, việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng sẽ là động lực thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - đô thị một cách bền vững”.

Theo ông Hùng, việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện theo chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính không chỉ mở ra cơ hội mà còn đặt ra những thách thức mới trong quản lý đô thị. Tương lai, các danh xưng, như “đô thị động lực”, “đô thị văn minh”... có thể không còn trong tiêu chí đánh giá chính thức, nhưng điều đó không làm thay đổi mục tiêu phát triển của Cà Mau.

Tỉnh vẫn kiên định xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, tạo “đường băng” để bứt phá, vươn tầm trở thành điểm sáng kinh tế khu vực và cả nước. Không chỉ tập trung vào các đô thị trung tâm, Cà Mau còn đẩy mạnh quy hoạch đô thị vệ tinh, hướng đến một bức tranh đô thị đồng bộ, hài hòa và bền vững trên toàn tỉnh./.

Loan Phương - Việt Mỹ

Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hóa nông thôn

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xay-duong-bang-dua-do-thi-vung-tay-nam-cat-canh-a38263.html
Zalo