Ngẫm về đích đến của 'siêu đô thị' TP.HCM
Đích đến cuối cùng của siêu đô thị là gia tăng tiện ích, thu nhập, chất lượng cuộc sống... hướng tới hạnh phúc thực chất của người dân, phồn vinh bền vững của DN.
TP.HCM sau 50 năm phát triển, từ những ngày thống nhất đến giai đoạn đổi mới, hội nhập, đến nay đã hội tụ đủ những điều kiện và nền tảng để tiến vào kỷ nguyên vươn mình, hướng tới vị thế TP toàn cầu.

PGS-TS PHẠM THỊ THANH XUÂN
Nhìn nhận được vai trò và tiềm năng của TP.HCM, suốt 50 năm qua, TP luôn là nơi được Trung ương chọn lựa để tiến hành những sáng kiến, cách làm hay trước khi lan tỏa những mô hình tiên tiến cho cả nước. Trong 40 năm từ năm 1982, Bộ Chính trị đã bốn lần ban hành các nghị quyết quan trọng để TP thụ hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Giống như truyền thuyết Thánh Gióng, khi triều đình ban “giáp sắt”, “ngựa sắt”, “roi sắt”, còn dân làng thì góp vải may áo, góp gạo nấu cơm để Gióng vươn mình, TP.HCM hiện cũng được Trung ương và các tỉnh, TP khác trong cả nước cung cấp nhiều điều kiện, không gian đặc biệt để vươn tầm trong kỷ nguyên giàu mạnh.
Cụ thể, Trung ương đã thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù như Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội, mở đường cho TP dám nghĩ những việc chưa từng nghĩ, dám làm những việc chưa từng làm, mang lại hiệu quả vượt trội chưa từng có. Trong khi đó, các địa phương khác, đặc biệt là các tỉnh sắp sáp nhập, hợp nhất với TP.HCM như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương cũng góp phần lớn vào tăng trưởng GRDP của TP ở mức cao; chia sẻ các áp lực về hạ tầng, giao thông, công nghiệp, dịch vụ; đóng góp vào chuỗi giá trị cung ứng mà TP đã và đang xây dựng cho đất nước, khu vực…

Đo lường hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM bằng tiện ích, thu nhập của người dân và sự thành công của DN. Trong ảnh: Người dân vui chơi ở Công viên bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) dịp cuối tuần. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đó là lý do vì sao khi Trung ương quyết định sáp nhập, đúng hơn là hợp nhất hai địa phương trên với TP, không chỉ các nhà hoạch định chính sách mà giới quan sát cũng rất kỳ vọng: TP.HCM có thể trở thành một siêu đô thị (megacity) hay thậm chí là một vùng đô thị (metropolitan area) trong tương lai không xa, đúng nghĩa là “TP toàn cầu, phát triển thông minh, hiện đại, năng động, kết tinh các giá trị tiên tiến của châu Á và thế giới” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Những nền tảng và tiềm năng hiện có, nếu song hành cùng tư duy đột phá cùng chiến lược phát triển mạch lạc, chúng ta có quyền kỳ vọng và sẽ tự hào về một siêu đô thị TP.HCM có thể sớm sánh vai cùng Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia) hoặc thậm chí trong tương lai xa sẽ vươn lên không thua gì Thượng Hải của Trung Quốc, không kém gì Seoul của Hàn Quốc hay Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Muốn như vậy, TP.HCM trong kỷ nguyên mới cần tận dụng được yếu tố “hội tụ đa tầng” giữa không gian đất, biển, hạ tầng sau khi hợp nhất. Xây dựng TP cần dựa vào tư duy đột phá về quy hoạch không gian kinh tế lẫn không gian an ninh, trong đó không gian kinh tế là vùng hoạt động, còn không gian an ninh là vùng bảo vệ. Hai không gian này như “răng” với “môi”, “môi hở thì răng lạnh”.
Đặt trong tư duy phát triển đó, siêu đô thị TP.HCM tương lai phải vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế mạnh, vừa đảm bảo sự an tâm, khó bị tổn thương trước các tác động nội sinh hoặc ngoại sinh. Ví dụ, khi các nước lớn gia tăng rào cản thuế quan, xuất hiện xung đột, chiến tranh, thiên tai địch họa, hay các biến động khác thì người dân, doanh nghiệp (DN) ở TP có thể nhanh chóng thích ứng với mức tổn thương tối thiểu.
Như vậy, đích đến cuối cùng của siêu đô thị TP.HCM không đơn thuần là tăng trưởng hai con số, hay việc chạy đua trên các bảng xếp hạng quốc tế về TP thông minh, trung tâm tài chính quốc tế... mà là gia tăng tiện ích, thu nhập, chất lượng cuộc sống; mở rộng và hiện đại hóa không gian sinh sống, học tập, làm việc, vui chơi giải trí… của người dân cùng với cơ hội phát triển của DN. Nói cách khác, TP.HCM trong kỷ nguyên mới hướng tới hạnh phúc thực chất của người dân, phồn vinh bền vững của DN.