Xây dựng ý thức, văn hóa giao thông: Cư xử văn minh khi tham gia giao thông
LTS: Xây dựng ý thức, văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức và là biểu hiện văn minh của con người khi tham gia giao thông. Diễn đàn 'Xây dựng ý thức, văn hóa giao thông' xin tạm khép lại bằng ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.
Ông BÙI HOÀI SƠN -Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Giải pháp phải mạnh mẽ và toàn diện
Hiện tượng ứng xử côn đồ trên đường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân đan xen, từ việc thiếu kiểm soát cảm xúc, suy giảm ý thức chấp hành pháp luật, đến sự xuống cấp của văn hóa giao thông. Những hành vi côn đồ này để lại những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với nạn nhân mà còn cho toàn xã hội. Bên cạnh đó, việc ứng xử côn đồ cũng làm tổn hại đến hình ảnh của một xã hội văn minh, khi những giá trị văn hóa tốt đẹp bị lu mờ bởi những hành vi thiếu kiểm soát.
Để đối phó với tình trạng này, chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ, toàn diện từ phía cơ quan chức năng, cộng đồng và mỗi cá nhân. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật qua các chương trình tuyên truyền và giáo dục là điều cần thiết. Các chiến dịch này không chỉ dừng lại ở việc phổ biến luật giao thông mà còn cần hướng đến xây dựng văn hóa ứng xử văn minh.
Lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường hiện diện trên các tuyến đường để ngăn chặn kịp thời các hành vi bạo lực, đồng thời xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nhằm tạo tính răn đe. Cùng với đó, những hành động đẹp như nhường đường, giúp đỡ người bị tai nạn cần được lan tỏa để xây dựng một môi trường giao thông tích cực hơn.
Sự tham gia của mạng xã hội trong việc lan tỏa những giá trị tích cực cũng đóng vai trò không nhỏ. Thay vì để những hình ảnh bạo lực được chia sẻ một cách không kiểm soát, các nền tảng này cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn và khuyến khích lan truyền những câu chuyện nhân văn.
Mỗi cá nhân cần tự rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc, hành xử bình tĩnh trong mọi tình huống. Một môi trường giao thông an toàn và văn minh không thể xây dựng nếu mỗi người không tự ý thức được trách nhiệm của mình.
Chuyên gia tâm lý, TS PHẠM THỊ THÚY - Phân hiệu Học viện Hành chính quốc gia TPHCM:
Quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe tâm lý
Cuộc sống hiện nay vốn dĩ rất nhiều áp lực, và một trong những nơi dễ dàng làm bùng nổ các áp lực đó chính là đường phố, nơi bản chất cũng góp một phần không nhỏ tạo nên các áp lực. Leo lề, luồn lách, bấm còi vô tội vạ, gây lộn khi xảy ra va chạm, mâu thuẫn giao thông dù rất nhỏ…, tất cả đều thể hiện những vấn đề về tâm lý trong một xã hội hiện đại, nơi cuộc sống luôn vội vã, cuốn chúng ta theo những nhịp sống căng thẳng.
Câu chuyện người đàn ông đánh một phụ nữ chỉ vì một sự cố nhỏ trong giao thông vừa qua là một minh chứng. Và còn đó rất nhiều những câu chuyện như vậy, như việc một người đàn ông để xe chắn ngang đường, khi bị nhắc nhở thì lao vào đánh người nhắc, hay vụ tài xế bán tải hung hăng dùng hơi cay tấn công tài xế xe tải chỉ vì không nhường nhau vượt…
Những câu chuyện như trên đã không còn xa lạ, hiện có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra cũng từ vấn đề tâm lý. Có không ít trường hợp người mẹ rơi vào trầm cảm sau sinh nhưng không được phát hiện, điều trị kịp thời đã tự hủy hoại cuộc đời, thậm chí tước đi mạng sống của con mình. Tất cả các vụ việc đó chính là những hồi chuông báo động chúng ta cần phải quan tâm hơn vấn đề sức khỏe tâm lý của chính mình và những người xung quanh.
Có những bất ổn, tổn thương kéo dài nhiều năm tháng từ thuở ấu thơ, có những dồn nén của cuộc sống, công việc gây ra tình trạng trầm cảm, rối loạn cảm xúc hành vi, rối loạn lưỡng cực… Các trường hợp này rất cần được điều trị chuyên sâu với các bác sĩ tâm lý, chứ không thể chỉ là một vài buổi tập huấn kỹ năng, vài lời chỉ dạy hời hợt.
Những người có các vấn đề liên quan đến tâm lý, bị trầm cảm, rối loạn lo âu… nếu tham gia giao thông thường khó kiểm soát cảm xúc, hành vi… khi gặp một số tình huống “khó chịu” trên đường. Ông bà ta có câu “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, do đó nếu chúng ta ra đường gặp phải những người mà qua quan sát có thể gặp vấn đề về tâm lý thì nên chọn hành vi ứng xử phù hợp, cân nhắc, lựa lời mà nói… để tránh gặp phải những sự cố, vụ việc đáng tiếc, giảm rủi ro, thiệt hại.
Bên cạnh đó, cần phải chú ý rằng không phải vấn đề tâm lý nào cũng được miễn trừ trách nhiệm. Việc đổ lỗi cho áp lực đôi khi cũng chính là một vấn đề tâm lý. Đổ lỗi là một cơ chế tự vệ của tâm lý, cũng có thể là một chiến thuật tránh né sự phê bình bằng cách hướng sự tập trung hay quy trách nhiệm vào một thứ, một điều gì đó để mong thoát khỏi những cảm xúc khó chịu, lo âu, tội lỗi. Tham gia giao thông một cách có ý thức, trách nhiệm, giữ bình tĩnh khi có sự cố xảy ra cũng là một cách để có được một cuộc sống bình yên, văn minh.