Xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở Bá Thước
Đến xã Kỳ Tân, ấn tượng đầu tiên để lại trong tôi là bộ phận 'một cửa' được xây dựng khang trang nằm ngay trong khuôn viên trụ sở UBND xã, thuận lợi cho người dân đến giao dịch. Bà Phạm Thu Nhàn, công chức tư pháp - hộ tịch xã cho biết: Cùng với việc nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí NTM, công tác xây dựng xã chuẩn tiếp cận pháp luật (CTCPL) là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà địa phương đang triển khai thực hiện.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trong 5 tiêu chí CTCPL, xã đã giao cho công chức tư pháp - hộ tịch tham mưu thực hiện từng chỉ tiêu, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); kiện toàn tổ hòa giải, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên. Đến nay, xã có 6 tổ hòa giải ở cơ sở với 36 hòa giải viên. Các tổ hòa giải đã kịp thời giải quyết các tranh chấp, xích mích ngay từ cơ sở. Nhờ đó, từ đầu năm 2024 đến nay, xã không có tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước ở địa phương.
Trưởng Phòng Tư pháp huyện Bá Thước Lê Thị Tâm cho biết: Thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt CTCPL, Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản triển khai thực hiện quyết định; đồng thời, phòng ban hành công văn hướng dẫn và trực tiếp hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu TCPL của xã, thị trấn. Theo đó, các xã, thị trấn tổ chức đánh giá kết quả đạt CTCPL theo 5 tiêu chí thành phần với 25 chỉ tiêu. Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên. Theo thống kê, năm 2023 phần lớn các xã đều đạt từ 90 - 97 điểm, có địa phương gần đạt điểm tuyệt đối, như: Thị trấn đạt 96 điểm, xã Lũng Niêm đạt 95 điểm, xã Thành Sơn đạt 94 điểm, xã Kỳ Tân đạt 92 điểm...
Ngoài ra, trên cơ sở đánh giá thực hiện các tiêu chí xã đạt CTCPL, nhất là một số tồn tại trong quá trình thực hiện, Phòng Tư pháp đã kịp thời triển khai một số giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí TCPL; bảo đảm xây dựng cấp xã đạt CTCPL bền vững. Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền PBGDPL đến cơ sở, với các nội dung, hình thức đa dạng. Từ năm đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện lồng ghép tổ chức tuyên truyền được 170 cuộc, với 13.606 lượt người tham gia, phát trên đài phát thanh huyện và truyền thanh cơ sở được 1.100 lượt. Năm 2023, huyện Bá Thước đã công nhận 20/21 xã, thị trấn đạt CTCPL.
Thời gian tới, huyện Bá Thước tiếp tục tăng cường quản lý cán bộ, công chức cấp xã không để xảy ra vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra khi thi hành công vụ. Chú trọng triển khai thực hiện đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính phục vụ cho công tác đánh giá xã, thị trấn đạt CTCPL theo quy định. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở, tăng cường tiếp cận thông tin về pháp luật cho người dân. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và bảo đảm việc đánh giá xã đạt CTCPL thực chất, không chạy theo thành tích, phát huy ý nghĩa, vai trò và mục đích trong XDNTM; phấn đấu hằng năm 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt CTCPL.