Xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
BPO - Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) được triển khai đồng bộ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Qua đó có nhiều mô hình, cách làm hay gắn với thực tiễn, tạo điều kiện để người dân TCPL ngày càng tốt hơn.
Bài cuối
BẮT ĐẦU TỪ Ý THỨC
Những tuyên truyền viên đặc biệt
Hiện nay, tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã và đang duy trì hàng trăm mô hình tổ, nhóm, câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ hòa giải cộng đồng. Họ là những tuyên truyền viên đặc biệt, những người bám sát địa bàn dân cư, gần gũi với người dân, thực hiện vai trò là cầu nối góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Nhiều năm nay, ngoài công việc Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp, chị Thị Nhan ở ấp 2, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành còn đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tuyên truyền pháp luật. Định kỳ hằng quý hoặc khi có những chủ trương, chính sách mới, chị lại triệu tập hội viên họp, truyền đạt thông tin đến chị em trong ấp. Có thời gian chị lại cùng các thành viên trong Tổ phụ nữ đồng bào DTTS tuyên truyền pháp luật “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình... Qua đó, chị nắm thêm về tình hình đời sống gia đình các chị em và an ninh trật tự trên địa bàn.
“Tổ phụ nữ đồng bào DTTS tuyên truyền pháp luật là mô hình điển hình được thành lập khi địa phương thực hiện tiêu chí số 16 TCPL trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) nâng cao. Từ khi thành lập đến nay, tổ đã tuyên truyền pháp luật cho 1.150 lượt phụ nữ. Để việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân trong ấp đạt hiệu quả thì phải tuyên truyền bằng tiếng của người dân tộc, đồng thời kết hợp hình ảnh trực quan, người dân sẽ dễ hiểu, dễ nhớ hơn” - chị Thị Nhan cho hay.
Còn tại xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, địa phương đã phát huy hiệu quả tổ hòa giải cộng đồng. Thành viên trong tổ là những đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, những người có uy tín trong thôn… Các hòa giải viên cộng đồng đã phát huy tính tiên phong, gương mẫu tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân.
Ông Kiều Đình Nền, Bí thư Chi bộ thôn 2, xã Đa Kia chia sẻ: Mỗi khi có các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện trong thôn, thành viên tổ họp nhau lại, thảo luận biện pháp tháo gỡ. Nhiều trường hợp tranh chấp liên quan đến đất đai thì nhờ sự hỗ trợ của cán bộ địa chính, tư pháp xã để từ đó có phương án hòa giải thích hợp.
Tổ phụ nữ đồng bào DTTS tuyên truyền pháp luật và tổ hòa giải cộng đồng là 2 mô hình tiêu biểu trong thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 615 tổ, nhóm, câu lạc bộ pháp luật tại khu dân cư với 3.000 thành viên; có 843 tổ hòa giải với 5.259 hòa giải viên cơ sở. Trong năm 2023, các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận 1.114 vụ việc, trong đó hòa giải thành 705 vụ việc, đạt 63%.
Có thể thấy, thành viên các tổ, nhóm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ hòa giải cộng đồng đã phát huy hiệu quả vai trò, thực hiện tuyên truyền một cách có lý, có tình. Từ đó, góp phần tích cực giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở, giảm tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người.
Ða dạng hình thức tuyên truyền
Những ngày này, Sở Tư pháp phối hợp Hội Nông dân tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và phòng tư pháp cấp huyện trên địa bàn tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, người có uy tín ở khu dân cư và người dân. Bà Phan Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp) cho biết: Năm 2023, chúng tôi đã phối hợp các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý cho 3.683 lượt người tại 16 xã. Nội dung tập trung tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tư vấn bình đẳng giới; phòng, chống bạo hành gia đình, ma túy…
Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung là một trong những hình thức tuyên truyền được các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện những năm qua. Năm 2023, đã tổ chức khoảng 4.927 hội nghị tuyên truyền với 493.524 lượt người tham dự. Bà Phạm Thị Tâm ở thôn 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên được tham dự các hội nghị tuyên truyền pháp luật tại trụ sở UBND xã. Có một số đợt, cán bộ Công an tỉnh về tuyên truyền phòng, chống ma túy; không sử dụng pháo nổ... Đây là dịp để chúng tôi hiểu biết thêm những quy định mới của pháp luật để thực hiện đúng.
Bên cạnh các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác tuyên truyền tiếp tục được các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện và nhân rộng với hình thức, nội dung phong phú. Cụ thể như tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua mạng xã hội Facebook, Zalo, loa phóng thanh, tuyên truyền trực quan bằng hình ảnh... đã thu hút nhiều người theo dõi, quan tâm. Ông Đinh Quang Hanh, Trưởng thôn 2, xã Đa Kia chia sẻ, thôn có 4 cụm loa truyền thanh và đã phát huy hiệu quả tuyên truyền các việc mới, việc chung của xã để người dân chung tay thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao.
Từ việc thực hiện đồng bộ, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân. Và khi người dân am hiểu pháp luật, vướng mắc được giải đáp, quyền, lợi ích hợp pháp được đảm bảo sẽ góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chung tay cùng địa phương hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao tiến tới NTM kiểu mẫu.