Xây dựng vùng phát thải thấp trên địa bàn Hà Nội: Từng bước cải thiện môi trường cho người dân
Triển khai Điều 28 Luật Thủ đô năm 2024 về bảo vệ môi trường, tại kỳ họp lần thứ hai mươi, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội với tỷ lệ tán thành cao. Đây là tiền để cải thiện môi trường sống lành mạnh cho người dân, thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường.

Một trong những giải pháp giảm ô nhiễm không khí cho Hà Nội là giảm phát thải CO2 và ô nhiễm từ động cơ chạy xăng. Ảnh: Hải Nguyễn
Chất lượng không khí suy giảm
Hà Nội đang trên đà tăng trưởng kinh tế nhưng lại kéo theo các hệ lụy về sử dụng tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, chất lượng không khí đang có chiều hướng suy giảm trên diện rộng, tác động không nhỏ đến sức khỏe người dân. Riêng khí thải từ phương tiện giao thông đang chiếm 70% nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí. Số liệu thống kê cho thấy, thành phố hiện có lưu lượng khoảng 9,2 triệu chiếc xe cá nhân (bao gồm cả xe đăng ký ngoại tỉnh thường xuyên hoạt động trên địa bàn Thủ đô), trong đó, có khoảng 1,1 triệu ô tô, 6,9 triệu mô tô, xe máy. Số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 72,58%.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân, Điều 28, Luật Thủ đô năm 2024 đã có những cơ chế đặc thù về bảo vệ môi trường cho Hà Nội, bắt đầu từ việc xây dựng vùng phát thải thấp (khu vực hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường). Tiếp đó, tại kỳ họp lần thứ hai mươi, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 12-12-2024 để thể chế hóa nội dung trên với tỷ lệ tán thành cao.
Trong đó, điểm nhấn đáng lưu ý là khuyến khích sử dụng giao thông xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung; cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu Diesel trong vùng phát thải thấp; hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ những đối tượng sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch từ ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Triển khai nhiều giải pháp
Hiện nay, trên thế giới, khu vực phát thải thấp đã được triển khai tại 320 thành phố của châu Âu, châu Á và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Điều này cho thấy, việc triển khai vùng phát thải thấp cùng chính sách giảm ùn tắc đã mang lại các lợi ích to lớn về nâng cao chất lượng môi trường không khí và sức khỏe của người dân.
Thạc sĩ Phạm Đình Dũng, giảng viên chính Khoa Nhà nước - Pháp luật (Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội) cho rằng, Nghị quyết số 47/2024/NQ-HĐND của HĐND thành phố có hiệu lực thi hành không chỉ là nghị quyết đầu tiên của riêng Hà Nội mà còn là nghị quyết đầu tiên của cả nước xây dựng được các tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; phạm vi vùng phát thải thấp, các biện pháp dự kiến áp dụng.
Lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp gồm 2 giai đoạn. Từ năm 2025 đến 2030: Thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một số khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; khuyến khích các địa phương khác lập vùng phát thải thấp; từ năm 2031 trở đi, các khu vực trên địa bàn thành phố có một trong các tiêu chí quy định tại Điều 4 của Nghị quyết phải thực hiện vùng phát thải thấp.
Hàng loạt giải pháp bước đệm đã được thành phố Hà Nội triển khai như phát triển giao thông đô thị (các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Yên Nghĩa; Nhổn - Ga Hà Nội...), sử dụng hệ thống xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh cỡ lớn, trung, nhỏ của các đơn vị vận tải như Vinbus, Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần Vận tải Newway, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thực tế cho thấy, việc đầu tư cho vận tải hành khách công cộng thời gian qua đã được thành phố Hà Nội quan tâm, tập trung đầu tư nhiều nguồn lực nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng quy mô đô thị. Vì vậy, theo Thạc sĩ Phạm Đình Dũng, đa số người dân vẫn lựa chọn xe cá nhân là phương tiện chính, vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đi lại. Đặc biệt, hiện nay, Hà Nội chưa có những tuyến đường sắt đô thị kết nối rộng khắp đến 2 quận tổ chức thí điểm vùng phát thải thấp là Hoàn Kiếm, Ba Đình, nhất là kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đến khu vực Quảng trường Ba Đình, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, góp phần quan trọng đưa khách du lịch trong, ngoài nước đến với “trái tim” của Thủ đô và ngược lại đưa người dân, du khách đến sân bay thuận lợi, nhanh chóng nhất.
Do đó, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 47/NQ-HĐND của HĐND thành phố cần phát triển hơn nữa vận tải hành khách công cộng; tổ chức kiểm định khí thải đối với tất cả các loại phương tiện giao thông và dán tem nhận diện khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới, nhất là mô tô, xe máy… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nguồn khí thải từ phương tiện xe cơ giới, từng bước "lọc" bầu không khí trong lành cho người dân Thủ đô...