Xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới
Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về 'Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới', hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng và phát triển lĩnh vực văn học, nghệ thuật, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển văn hóa, con người Sơn La tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật được tăng cường. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, khuyến khích đội ngũ văn, nghệ sĩ nghiên cứu, sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật, nhiều tác phẩm đã giành giải cao trong nước và quốc tế. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp, góp phần cổ vũ các phong trào thi đua lao động, sản xuất, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, tỉnh ta đã đóng góp tích cực trong việc đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật. Cơ chế, chính sách, công tác xã hội hóa hỗ trợ sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và tạo điều kiện phát huy tài năng, nhất là tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống còn bất cập…
Để tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể trong toàn tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Tập trung đổi mới tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu đối với công tác văn học, nghệ thuật. Phát triển văn học, nghệ thuật đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, bảo đảm dân chủ, khơi dậy khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Tăng cường nguồn lực xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật; đẩy mạnh quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật; quan tâm văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số; khuyến khích gắn kết giữa phát triển văn học, nghệ thuật với du lịch; đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa. Chú trọng bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật, lễ hội, nghi lễ truyền thống, di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật các dân tộc đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các loại hình văn học, nghệ thuật phục vụ nhân dân các dân tộc trong tỉnh, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, bảo đảm có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, uy tín, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan, đơn vị văn hóa, văn học, nghệ thuật và phát triển đảng viên trong đội ngũ văn, nghệ sĩ.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Điều chỉnh hành vi ứng xử, chuẩn mực của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền tác giả và các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Tập trung thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, gắn với triển khai hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người, giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.