Chọn nhân sự cấp ủy đúng và trúng - Bài 3: Cán bộ phải có khả năng đổi mới
Khẳng định cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề 'rất trọng yếu', 'quyết định mọi việc', 'cán bộ là cái gốc của mọi công việc', Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong đó, cán bộ phải có khả năng đổi mới, có năng lực cụ thể trong việc triển khai các chiến lược lớn của Đảng vào thực tiễn. Thực hiện yêu cầu trên của Tổng Bí thư, Thành ủy TPHCM đã có định hướng rất kỹ trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 ở từng địa phương, đơn vị.
Kỳ vọng sự chuyển mình của đội ngũ cán bộ
Có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về công tác cán bộ, TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TPHCM, cho rằng, điều người dân kỳ vọng ở nhiệm kỳ tới là có đội ngũ cán bộ đủ sức tạo ra những đột phá trong tư duy, hành động, vận hành được các chính sách, cơ chế đặc thù, góp phần quan trọng, quyết định đối với sự phát triển của thành phố và cả nước.
TPHCM đang trong giai đoạn tương đối đặc biệt với rất nhiều áp lực, từ vai trò, vị trí trung tâm trong sự phát triển chung của vùng, của cả nước; từ những nhiệm vụ, trách nhiệm thành phố đang phải thực hiện “cùng cả nước, vì cả nước”. Đó còn là từ những đòi hỏi, kỳ vọng vào sự vươn mình, phát triển của thành phố xứng đáng với tiềm năng, vị thế và mong đợi của cư dân thành phố, cả nước. Những mong đợi và kỳ vọng này được đặt lên vai đội ngũ lãnh đạo các cấp của thành phố trong nhiệm kỳ mới.
Dõi theo khá sát các hoạt động của TPHCM khi thực hiện các khâu chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, TS Nguyễn Thị Trâm, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Khu vực II, đề xuất, khi thực hiện những quy định chặt chẽ của Trung ương và TPHCM trong công tác nhân sự cho đại hội, cần đặc biệt chú trọng đến yếu tố dân chủ, thực hiện thật tốt yếu tố minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực thi nhiệm vụ; xem minh bạch và giải trình là điểm nhấn trong công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 2025-2030 của Đảng bộ TPHCM. Theo TS Nguyễn Thị Trâm, khi thực sự dân chủ, thực sự minh bạch và yêu cầu nghiêm khắc với trách nhiệm giải trình của mỗi nhân sự, chúng ta sẽ không “bỏ sót” những người có đức, có tài, không “để lọt” những người né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm… vào cấp ủy.
Đánh giá sát từng cán bộ
Để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu và sự kỳ vọng trên, theo TS Bùi Ngọc Hiền, công tác cán bộ cần đổi mới mạnh mẽ hơn. Trước hết, trong công tác quy hoạch, các cơ quan có thẩm quyền xác định rõ hơn các tiêu chí cụ thể đối với từng vị trí, chức danh trong hệ thống chính trị. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí về tư duy, tầm nhìn chiến lược, năng lực dự báo, quản trị trong bối cảnh chuyển đổi.
Bên cạnh đó, công tâm, khách quan trong “cân tài, trao chức, giao nhiệm vụ” để bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, cũng như trong bầu cử cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở nắm bắt, dự báo nhu cầu kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công tác trong hiện tại và tương lai của từng vị trí, chức danh lãnh đạo, quản lý; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo từng vị trí chức danh trước khi bổ nhiệm và bồi dưỡng thường xuyên kết hợp với tự học tập, tự bồi dưỡng của cán bộ trong thời gian giữ chức vụ.
Trước những mong mỏi, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố về Đại hội Đảng các cấp, ngay khi Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị được ban hành, TPHCM đã tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên. Ban Thường vụ Thành ủy cũng ban hành Kế hoạch 377 để hướng dẫn, triển khai công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp; đồng thời tổ chức khảo sát công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp và có định hướng rất kỹ trong công tác cán bộ ở từng địa phương, đơn vị. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên từng nhấn mạnh, một trong những mục tiêu của Đại hội Đảng các cấp là chọn người xứng đáng, tiêu biểu đại diện cho địa phương, cơ quan, đơn vị vào cấp ủy.
Bên cạnh việc bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TPHCM để đảm bảo cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì phải đánh giá sát từng người, không để người cơ hội “lọt” vào đội hình. Tuyệt đối không chủ quan, phiến diện, không cảm tính cá nhân, để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân thấy và đồng thuận, ủng hộ đội ngũ được lựa chọn. Muốn vậy, việc tổ chức kiểm điểm, đánh giá cán bộ phải thật khách quan, minh bạch; công tác xử lý các đơn thư tố cáo, khiếu nại liên quan đến cán bộ phải khẩn trương, rốt ráo, chặt chẽ, đúng quy định.
Nội dung trên cũng nhiều lần được đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, quán triệt đến các địa phương, đơn vị. Theo đồng chí, việc chuẩn bị nhân sự còn phải bám sát kết quả nhiệm kỳ qua để có đánh giá xác đáng. Bởi thực tế, năng lực của cán bộ được thể hiện qua kết quả thực thi nhiệm vụ. Đó cũng là căn cứ rõ nét nhất giúp chúng ta quy hoạch nhân sự vào các vị trí quan trọng để tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc trong giai đoạn tiếp theo, nhất là giai đoạn đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ có trình độ chuyên môn cao mà còn phải có khả năng đổi mới, có tầm nhìn quốc tế, ứng dụng thật tốt khoa học - công nghệ để góp phần đưa thành phố, đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
* Ông DANNY VÕ, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM:
Chọn đội ngũ cán bộ có năng lực, đạo đức, sống cần kiệm và liêm chính
Trong bối cảnh phát triển của TPHCM, chúng tôi - cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài kỳ vọng sẽ có những cán bộ lãnh đạo có tài năng và phẩm hạnh, đủ năng lực để lãnh đạo, điều hành hiệu quả các hoạt động, nhất là trong việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của thành phố, từ nguồn nhân lực đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đồng thời, thúc đẩy việc huy động cũng như sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong, ngoài nước, từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các nhà đầu tư, để góp phần vào sự phát triển bền vững của TPHCM. Chúng tôi cũng mong muốn đại hội sẽ chọn được đội ngũ cán bộ không chỉ có năng lực chuyên môn mà còn giữ gìn đạo đức, sống cần kiệm và liêm chính để tạo dựng niềm tin trong nhân dân.
* Anh NGUYỄN TRẦN ANH VŨ, Phó trưởng Phòng Tổ chức - Cán bộ, Bí thư Đoàn Sở Xây dựng TPHCM:
Lựa chọn đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực, được rèn luyện từ cơ sở
Tôi mong việc chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 quan tâm hơn đến đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, được rèn luyện từ thực tiễn cơ sở; quy trình giới thiệu, lựa chọn, giao nhiệm vụ phải công tâm, khách quan, trách nhiệm. Đặc biệt, nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm người giới thiệu nhân sự, thể hiện sự kỳ vọng của người đứng đầu và người được giới thiệu, đảm bảo sự kế thừa, đồng thời thể hiện trách nhiệm trước Đảng, nhân dân để có đội ngũ cán bộ thực sự bản lĩnh, có tinh thần vì dân, vì nước, vì lợi ích chung; gạt bỏ lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân.
* Bà ĐẶNG THỊ LỸ, người dân quận 4, TPHCM:
Cần lựa chọn đội ngũ cán bộ gần dân
Vị trí, vai trò của cán bộ được Bác Hồ chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(*). Từ lời dạy của Bác Hồ, để chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tôi mong đại hội tìm được những đồng chí đủ phẩm chất, năng lực để lãnh đạo Đảng, đất nước và TPHCM trong nhiệm kỳ tới. Trong đó có xét đến yếu tố gần dân, sát dân, được rèn luyện từ thực tiễn cơ sở.
Người cán bộ tốt là người gần dân, hiểu dân và có nhiều sáng kiến hỗ trợ người dân thuận tiện hơn khi đến với nền hành chính công; có thái độ nhã nhặn giúp người dân khi người dân đến cơ quan công quyền. Do đó, tôi cho rằng việc lấy ý kiến góp ý của quần chúng nhân dân nơi cán bộ cư trú và công tác sẽ giúp cấp ủy đánh giá đúng hơn, khách quan hơn về người cán bộ được lựa chọn.
------------------
(*) Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5 (1947-1949), NXB Chính trị Quốc gia, H, 1995.