Xây dựng trường học hạnh phúc thông qua giáo dục STEM

Dạy học thông qua giáo dục STEM giúp cô và trò trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và Tiểu học Trần Văn Ơn tiến gần hơn với mục tiêu trường học hạnh phúc.

Chiều 29/4, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng phối hợp với Trường Tiểu học Trần Văn Ơn tổ chức chuyên đề “Xây dựng trường học hạnh phúc thông qua giáo dục STEM”.

Tới dự chương trình có ông Vũ Văn Trà - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; bà Lâm Tuyết Trinh - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hải Phòng, bà Hoàng Thị Minh Hương - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng cùng nhiều cán bộ, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.

Phương pháp dạy học hướng tới trường học hạnh phúc

Đổi mới giáo dục là vấn đề được cả xã hội quan tâm, đòi hỏi ngành giáo dục phải luôn mạnh dạn nghiên cứu, thử nghiệm để tìm ra hướng đi đúng đắn, chắc chắn và phù hợp với xu thế phát triển thời đại.

Trong những năm học vừa qua, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và Trường Tiểu học Trần Văn Ơn đã mạnh dạn áp dụng những phương pháp, hình thức dạy học mới vào giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh.

Tổ chức dạy học Stem hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc (Ảnh: Phương Linh)

Tổ chức dạy học Stem hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc (Ảnh: Phương Linh)

Bà Hoàng Thị Minh Hương – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng cho biết: “Chuyên đề "Xây dựng trường học hạnh phúc thông qua giáo dục STEM" được thực hiện với mục đích định hướng, thống nhất nội dung chương trình kế hoạch giáo dục đổi mới phương pháp và hình thức dạy học các nội dung mới và khó trong chương trình các môn học.

Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ các khó khăn về chuyên môn và có giải pháp phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện của nhà trường.

Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý trong chỉ đạo chuyên môn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trong hoạt động dạy học.

Tạo mối quan hệ chia sẻ, học tập và giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ quản lý và giáo viên, giữa giáo viên với giáo viên, giữa các tổ khối chuyên môn của các trường tiểu học.

Tạo cơ hội để mỗi cán bộ, giáo viên phát huy được khả năng sáng tạo, đóng góp sáng kiến, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Qua chuyên đề ngày hôm nay, các giáo viên sẽ cùng trao đổi tập trung vào tổ chuyên môn đã triển khai sinh hoạt chuyên môn theo hướng đổi mới như thế nào; các tổ chuyên môn đã có những giải pháp gì góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.

Giáo viên đã tổ chức việc dạy học thông qua giáo dục STEM như thế nào và các trường khác đã có những giải pháp nào đã áp dụng có hiệu quả”.

Cô và trò cùng nhau tìm hiểu về âm thanh

Tại chuyên đề, cô giáo Bùi Thị Tuấn cùng học sinh lớp 4A7 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và lớp 4D2 Trường Tiểu học Trần Văn Ơn mang đến tiết học minh họa môn Khoa học với chủ đề “Âm thanh trong cuộc sống”.

Tiết học minh họa của cô Bùi Thị Tuấn và học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và Tiểu học Trần Văn Ơn (Ảnh: Phương Linh)

Tiết học minh họa của cô Bùi Thị Tuấn và học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và Tiểu học Trần Văn Ơn (Ảnh: Phương Linh)

Mở đầu tiết học, cô giáo Tuấn cùng học sinh hát vang ca khúc có chủ đề liên quan đến âm thanh của các loại nhạc cụ để tạo bầu không khí vui tươi, sôi nổi.

Đồng thời, thông qua bài hát, cô giáo khơi gợi cho học sinh những kiến thức cơ bản về âm thanh trong tiết học trước đó.

Phần tiếp theo của tiết học, học sinh được chia được 5 nhóm với các tên gọi: nhóm sáo, nhóm chuông gió, nhóm đàn bầu, nhóm trống và nhóm nhạc cốc.

Tương ứng với tên gọi của nhóm là sản phẩm do chính các em cùng nhau nghiên cứu và thực hiện.

Các nhóm học sinh lần lượt lên thuyết trình, giới thiệu về sự lựa chọn nguyên liệu, quá trình hoàn thiện và những ưu điểm, sự khác biệt của sản phẩm nhóm mình.

Sản phẩm của học sinh được đánh giá dựa trên các tiêu chí: về kĩ thuật, yếu tố thẩm mỹ, khả năng hoạt động và tính an toàn của sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tham quan các sản phẩm do các nhóm học sinh thực hiện (Ảnh: Lã Tiến)

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tham quan các sản phẩm do các nhóm học sinh thực hiện (Ảnh: Lã Tiến)

Thông qua phần thuyết trình, các em học sinh đã thể hiện được sự tự tin của bản thân. Mỗi bạn trong nhóm được phân công nhiệm vụ như trình bày, mô tả sản phẩm và trả lời các câu hỏi liên quan đến sản phẩm.

Điển hình như nhóm Chuông gió, các em đã dày công tìm nguyên vật liệu đảm bảo vừa tiết kiệm lại vừa thân thiện với môi trường. Quá trình thực hiện, các em đã sáng tạo chuông gió với nhiều hình dạng, đặc điểm riêng biệt.

Hay như nhóm Nhạc cốc, mặc dù nguyên liệu rất đơn giản chỉ gồm cốc thủy tinh và nước màu nhưng các em dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu mực nước tương ứng với nốt nhạc khác nhau và biểu diễn thành một bài hát hoàn chỉnh, sinh động.

Song song với phần thuyết trình của các nhóm, học sinh còn trao đổi và đặt ra những câu hỏi cho sản phẩm của nhóm bạn. Qua đó, các em hiểu hơn những đặc điểm riêng của nhạc cụ, những kiến thức về âm thanh.

Các em học sinh thể hiện sự tự tin, tích cực trong tiết học (Ảnh: Lã Tiến)

Các em học sinh thể hiện sự tự tin, tích cực trong tiết học (Ảnh: Lã Tiến)

Cô giáo Tuấn cũng đưa ra những góp ý về sản phẩm, định hướng cho học sinh để trong những tiết học tiếp theo các em có thể làm ra nhiều sản phẩm sáng tạo, tốt hơn.

Có mặt tại chuyên đề, một phụ huynh chia sẻ rằng tiết học minh họa của cô Tuấn và học trò rất bổ ích và sau những tiết học như thế này học sinh sẽ ngày càng yêu thích môn khoa học hơn.

Cô Bùi Thị Tuấn chia sẻ: “Tiết học minh họa đã cung cấp cho học sinh kiến thức đa dạng, nâng cao kỹ năng mềm, tư duy phản biện, kĩ năng làm việc nhóm và kĩ năng giao tiếp.

Qua đó, khơi gợi hứng thú trong học tập, làm tiền đề cho các bậc học cao hơn và giúp cho học sinh yêu thích đến trường, hạnh phúc khi đến trường.

Khi thực hiện tiết dạy này, học sinh rất là vui, có nhiều ý tưởng sáng tạo khi làm các sản phẩm, nhiều em tích cực tham gia, làm được nhiều sản phẩm đẹp, có hiệu quả sử dụng.

Đối với các sản phẩm đòi hỏi cách thực hiện khó hơn, các em học sinh sẽ có sự hỗ trợ của phụ huynh và giáo viên”.

Các thầy, cô giáo cùng thăm quan Khu trưng bày các sản phẩm sáng tạo của học sinh (Ảnh: Lã Tiến)

Các thầy, cô giáo cùng thăm quan Khu trưng bày các sản phẩm sáng tạo của học sinh (Ảnh: Lã Tiến)

Kết thúc chuyên đề, nhiều giáo viên đại diện các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã đưa ra nhiều nhận xét tốt đối với tiết học của cô Bùi Thị Tuấn và học sinh.

Nhiều giáo viên bày tỏ, qua tiết học trên, học sinh được trải nghiệm hết khả năng vốn có của mình dưới sự hướng dẫn của giáo viên và phụ huynh.

Theo đại diện Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Ngô Quyền), chuyên đề giúp học sinh chủ động, tích cực và tự tin hơn khi sáng tạo những sản phẩm đa dạng.

Đồng thời, có được sự tương tác tốt với giáo viên và phụ huynh. Qua đó, các em học sinh sẽ thực sự cảm thấy hạnh phúc và xây dựng một trường học hạnh phúc.

Đại diện lãnh đạo một trường tiểu học thuộc huyện An Dương chia sẻ: “Công tác chuẩn bị, sự nhiệt tình của thầy cô giáo rất đáng để chúng tôi học hỏi.

Học sinh trong tiết học của nhà trường thực sự tự tin và hướng tới năng lực mà chúng ta đang triển khai trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 là tư duy phản biện, năng lực tự học phát hiện rất rõ, năng lực ngôn ngữ, giao tiếp rất tốt.

Đây là những điều chúng tôi cần học hỏi từ nhà trường!”.

LÃ TIẾN - PHẠM LINH

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-thong-qua-giao-duc-stem-post217416.gd
Zalo