Xây dựng trường đại học đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: Những thành tố quan trọng cần phải có

Để xây dựng trường đại học đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, một trong những giải pháp quan trọng là trường đại học phải thực sự đầu tư vào con người, có chiến lược thu hút, phát triển nhân tài, bồi dưỡng giảng viên hướng dẫn thực thi khởi nghiệp.

Đổi mới sáng tạo, theo OECD và Eurostat (2005) được định nghĩa bao gồm triển khai sản phẩm mới, cải tiến phương pháp tiếp thị và tổ chức nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Làn sóng này đại diện cho sự chuyển đổi nhanh chóng và toàn diện, tạo nền tảng cho xã hội phát triển bền vững trong tương lai.

Đồng hành với các làn sóng đổi mới sáng tạo, các trường đại học cũng trải qua một tiến trình lịch sử chuyển đổi vai trò từ đơn thuần là nơi truyền đạt kiến thức sang một hệ sinh thái năng động, nơi thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp và kết nối chặt chẽ với thực tiễn xã hội.

6 làn sóng đổi mới sáng tạo thế giới đã trải qua

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế tri thức tiếp tục phát triển với các yếu tố cạnh tranh ngày càng cao. Nền sản xuất chuyển từ mô hình quy mô lớn với giá trị nhỏ (More for Less) sang mô hình quy mô nhỏ giá trị cao (Less is More). Phát triển công nghiệp (Industry) chuyển thành phát triển công nghệ (Technology), kinh doanh hàng hóa (Commodities) phát triển thành kinh doanh ý tưởng đổi mới sáng tạo (Innovation). Trong đó, kinh doanh các ý tưởng đổi mới sáng tạo sẽ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp mới, góp phần gia tăng giá trị xã hội.

Thế giới đã trải qua 6 làn sóng đổi mới sáng tạo. Làn sóng thứ nhất là cơ giới hóa (1760 - 1830) làm xuất hiện tầng lớp siêu giàu đầu tiên sở hữu, kiểm soát các nhà máy, xưởng kéo sợi, các nhà máy dệt và cơ khí, làm thay đổi toàn bộ cấu trúc nền kinh tế. Trước đó, tầng lớp quý tộc cũ chủ yếu sở hữu đất đai, nông nô và tiền thuê đất từ việc buôn bán các sản phẩm nông nghiệp.

Làn sóng đổi mới sáng tạo thứ hai gắn liền với thép, hơi nước và đường sắt (1830 - 1900). Tất cả giúp cho việc vận chuyển đường xa, giá rẻ hiện thực hóa, không chỉ làm thay đổi trong lĩnh vực thương mại mà còn lan sang thay đổi diện mạo các thành phố, bờ biển, khu định cư và sản xuất nông nghiệp. Những ông trùm thép, trùm đường sắt như Rockefellers, Vanderbilts và Carnegies trở thành những người giàu nhất hành tinh nhờ làn sóng đổi mới sáng tạo này.

Làn sóng đổi mới sáng tạo thứ ba gắn công nghiệp hóa (1900 - 1970). Cùng với điện khí hóa và sản xuất hàng loạt, chúng ta đã tạo ra khối lượng hàng tiêu dùng đáng kinh ngạc với chi phí thấp hơn bao giờ hết vì tài nguyên dồi dào và rẻ. Sự kết hợp giữa ô tô, xe tải, đường cao tốc, hóa dầu và vô số sản phẩm mới đã khởi đầu cuộc sống hiện đại. Một lần nữa, những doanh nghiệp và chủ sở hữu kiểm soát những cải tiến mới như Fords, Mellons, sau đó là Walton, với sự ra đời của Walmart đã vươn lên dẫn đầu về sự giàu có nhờ sản xuất hàng loạt và bán lẻ hàng loạt ở giai đoạn cuối của làn sóng này.

 PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Làn sóng đổi mới sáng tạo thứ tư là điện tử, truyền hình và hàng không (1945 - 1990), cùng với phát minh ra bóng bán dẫn trở thành nền tảng cho mọi thiết bị điện tử. ĐIều này tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp truyền hình, mạng viễn thông và mạng phát sóng tin tức. Bóng bán dẫn cũng làm cho ngành công nghiệp máy tính trở nên khả thi. Các doanh nghiệp như IBM đến năm 1980 đã vươn lên vị trí hàng đầu trong số các doanh nghiệp có giá trị nhất thế giới. Năm 1985, giá trị của IBM tăng gần gấp 3 lần so với doanh nghiệp có giá trị đứng thứ thứ hai là “gã khổng lồ” dầu mỏ Exxon được hình thành từ làn sóng đổi mới sáng tạo trước đó.

Làn sóng đổi mới sáng tạo thứ năm là làn sóng kỹ thuật số và internet (1985 - 2015), đánh dấu sự bùng nổ của kỹ thuật số và internet, định hình lại cách con người giao tiếp, làm việc và tạo ra giá trị kinh tế. Tương tự các làn sóng trước, làn sóng này mang đến ngôn ngữ mới và thay đổi hành vi xã hội. Các khái niệm như “Google đi” để tìm kiếm thông tin hay “hỏi ChatGPT” trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống, mở rộng khả năng sáng tạo và phát triển của con người. Các công ty như Apple, Nvidia, Google, Microsoft, Amazon và Meta trở thành vị trí thống trị, là đại diện cho giá trị cốt lõi của nền kinh tế kỹ thuật số thay cho những ExxonMobil, Ford hay Kodak đã từng thống trị.

Làn sóng đổi mới sáng tạo thứ sáu tập trung vào công nghệ xanh (2015 - 2060), tối ưu hóa năng suất tài nguyên để giải quyết những hạn chế về nguyên liệu thô, đất, nước và khả năng hấp thụ ô nhiễm của trái đất. Đổi mới trong công nghệ xanh như bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng đang định hình lại các lĩnh vực từ xây dựng, thực phẩm, giao thông đến công nghiệp.

 PGS.TS Trần Thành Nam cùng các đại biểu dự Hội thảo "Thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên: Thực trạng và giải pháp chính sách", vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

PGS.TS Trần Thành Nam cùng các đại biểu dự Hội thảo "Thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên: Thực trạng và giải pháp chính sách", vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Các trường đại học đã trải qua tiến trình lịch sử chuyển đổi vai trò

Tiến trình lịch sử chuyển đổi vai trò của trường đại học bắt đầu từ những manh nha cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi các trường đại học như MIT và Stanford đặt nền móng cho mối liên kết giữa học viện và ngành công nghiệp, tạo ra những tiền đề đổi mới đầu tiên.

Đến giai đoạn giữa thế kỷ 20, cuộc chiến tranh lạnh đã thúc đẩy các Chính phủ đầu tư vào khoa học và công nghệ, dẫn đến sự phát triển của các trường đại học nghiên cứu, tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và nền công nghiệp.

Cuối thế kỷ 20, nền kinh tế dựa trên tri thức và sự cạnh tranh toàn cầu khiến các trường đại học nhận ra tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, sự sáng tạo đổi mới và chuyển giao công nghệ. Đạo luật Bayh-Dole ra đời năm 1980 ở Mỹ cho phép các trường đại học giữ quyền sở hữu trí tuệ đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.

Giai đoạn cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21, khái niệm đại học khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được phổ biến rộng rãi. Văn hóa khởi nghiệp được khuyến khích trong các trường đại học, các khu công nghệ và trung tâm đổi mới sáng tạo được thành lập.

Giáo dục đại học hiện đang phải đối diện với một tương lai bất định. Với xu thế thay đổi việc làm và thị trường lao động diễn ra nhanh chóng, các công việc đang tồn tại có thể sẽ lỗi thời trong tương lai và các loại công việc mới sẽ xuất hiện; các mẫu hình công việc, dự án ngắn hạn hoặc bán thời gian trở nên phổ biến. Năng lực học tập suốt đời trở nên cần thiết.

Xu thế phát triển công nghệ khiến tuổi thọ của các công nghệ giảm theo cấp số nhân. Các công nghệ mới lại xuất hiện nhanh, đòi hỏi phải luôn có sự dự đoán và chuẩn bị các kỹ năng và kiến thức mới, đặc biệt là kiến thức và kỹ năng số. Nền tảng và hạ tầng công nghệ có tính phổ cập và toàn cầu hóa cao đã tạo thuận lợi cho cơ hội khởi nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với số vốn đầu tư ban đầu không lớn, không cần tư liệu sản xuất và lực lượng lao động nhưng lợi nhuận thu về cao, chỉ cần có kiến thức chuyên môn và kỹ năng khởi nghiệp.

Xu thế về cách con người sống, làm việc và quan hệ với nhau cũng thay đổi, dẫn đến cần thiết phải thay đổi các mô hình trong việc giải quyết các yêu cầu mới. Học tập theo đam mê và đào tạo cá thể hóa trở thành một đặc trưng chủ đạo.

Bên cạnh đó, các cuộc cách mạng công nghiệp chỉ tập trung vào những cải tiến khoa học, dẫn đến sự phá vỡ hệ thống giá trị tinh thần. Các năng lực nhân văn như trí thông minh xúc cảm, quan tâm, thấu cảm và trách nhiệm xã hội cần được nuôi dưỡng ở mọi giai đoạn học tập. Giáo dục định hướng và thúc đẩy giá trị xã hội là yếu tố quan trọng để tạo ra những sinh viên tốt nghiệp cân bằng, những người sau này sẽ trở thành thành viên đạo đức của xã hội.

Chính vì vậy, các trường đại học hiện nay phải trở thành nơi cung cấp tri thức của tương lai; trở thành nơi dẫn dắt sự phát triển công nghiệp công nghệ cao và thực thi việc vốn hóa nguồn tài sản tri thức, công nghệ của mình. Những trường đại học được gọi là trường đại học thế hệ thứ 3 phải định hướng đổi mới sáng tạo, mang tinh thần khởi nghiệp, được trang bị và thích ứng với công nghệ thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số mạnh.

Xây dựng trường đại học đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp phải kết hợp nhiều thành tố

Để xây dựng trường đại học đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cần có sự kết hợp của các thành tố.

Trước hết là quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo, quản lý của nhà trường. Hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp phải được lồng ghép phối hợp trong tất cả các cấp lãnh đạo, tuyên bố trong kế hoạch chiến lược, mục tiêu giáo dục, giá trị cốt lõi và chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo trong nhà trường.

Trường đại học phải thực sự đầu tư vào con người, có chiến lược thu hút, phát triển nhân tài, bồi dưỡng giảng viên hướng dẫn thực thi khởi nghiệp; lôi kéo các doanh nghiệp bên ngoài vào quá trình đổi mới sáng tạo của nhà trường, phá bỏ các rào cản cát cứ về chuyên môn.

Bên cạnh đó, phải xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn thiện. Ngoài việc hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và cơ sở vật chất phục vụ cho hệ sinh thái khởi nghiệp, cần có các bộ phận chức năng (như trung tâm chuyển giao tri thức; không gian sáng tạo khởi nghiệp; vườn ươm doanh nghiệp; trung tâm phát triển Tài sản trí tuệ) để hỗ trợ và thúc đẩy cho tiến trình này.

Chuyển đổi số được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Cần phát triển tài nguyên số, học liệu truy cập mở, môi trường học tập ảo, giáo dục cá thể hóa, học tập có tương tác và nền tảng kỹ thuật số. Các thành tố này kết hợp với nhau trong ba trụ cột là số hóa, mô hình học tập kỹ thuật số và quá trình chuyển đổi số toàn diện cơ sở giáo dục.

Song song với việc đưa thêm các học phần về sáng tạo khởi nghiệp, về kỹ năng mềm như tư duy tài chính; thiết kế tư duy và trải nghiệm người dùng, vấn đề quan trọng hơn là các trường đại học phải đổi mới cả phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tương thích với triết lý giáo dục mới, chứa đựng tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Đồng thời, nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo. Các nghiên cứu trong nhà trường phải định hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các dự án STEM, STEAM… hướng sinh viên tới việc tích cực tạo ra các doanh nghiệp mới dựa trên công nghệ của riêng họ.

Tất nhiên, đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn không chỉ phụ thuộc bởi việc nắm bắt các quy luật tự nhiên, các nguyên lý khoa học mà còn phụ thuộc vào khả năng thiết kế ý tưởng công nghệ, phát triển thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm ở quy mô nhỏ, chế tạo và kiểm tra trong môi trường thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm và vận hành trong môi trường thực. Nhà trường phải kiến tạo môi trường để tăng khả năng ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xay-dung-truong-dai-hoc-doi-moi-sang-tao-va-khoi-nghiep-nhung-thanh-to-quan-trong-can-phai-co-post400157.html
Zalo