Tạp chí hải quân hàng đầu đánh giá tổ hợp tên lửa chống hạm VCS-01 Việt Nam

Tổ hợp chống hạm VCS-01 với tên lửa VSM-01A đã thu hút sự quan tâm lớn từ Tạp chí Naval News.

"Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel của Việt Nam lần đầu tiên giới thiệu tên lửa chống hạm VSM-01A cũng như tổ hợp phòng thủ bờ biển VCS-01 Trường Sơn. Các mẫu vũ khí mới được trưng bày tại Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024 diễn ra ở Hà Nội", tờ Naval News đưa tin .

Theo tờ Naval News, tên lửa VSM-01 có vẻ là phiên bản xuất khẩu của tên lửa chống hạm Kh-35E, được lắp ráp theo giấy phép tại doanh nghiệp quốc phòng địa phương Z189. Hiện chưa rõ mức độ nội địa hóa của sản phẩm này.

Tuy vậy Tạp chí cũng nhấn mạnh, VSM-01A được các nhà phát triển định vị là một "tên lửa hoàn toàn mới" được trang bị các bộ phận sản xuất trong nước. Chiều dài tổng thể của tên lửa VSM-01A là 5 mét, đường kính 315 mm và trọng lượng khoảng 600 kg.

Tên lửa hành trình chống hạm VSM-01A do Việt Nam chế tạo.

Tên lửa hành trình VSM-01A đã trở thành nền tảng để Tập đoàn Viettel hoàn thiện tổ hợp VCS-01, hệ thống bao gồm 5 thành phần.

Xe phóng tự hành VLV-01 trên khung gầm KamAZ-6560 8x8, me mang theo 4 thùng phóng kiêm vận chuyển tên lửa.
Xe nạp đạn VTRV-01 trên khung gầm KamAZ-6560 8x8. Mỗi chiếc mang theo 8 container phóng - vận chuyển và được trang bị một cần cẩu thủy lực để chất hàng.
Xe kiểm tra kỹ thuật VTIV-01 trên khung xe KamAZ-5350 6×6. Được thiết kế để kiểm tra tình trạng kỹ thuật và tính sẵn sàng của tên lửa.
Tổ hợp radar VTAR-1 trên khung gầm KamAZ-6560 8×8. Tìm kiếm và theo dõi các mục tiêu trên bề mặt cũng như truyền dữ liệu về phạm vi, tốc độ và hướng di chuyển của chúng.
Trạm điều khiển di động VCPV-01 trên khung xe KamAZ-5350 6x6. Được trang bị các thiết bị liên lạc cần thiết và hệ thống C4ISR nhằm điều khiển khẩu đội phòng thủ bờ biển.

 Xe mang phóng tự hành VLV-01 trên khung gầm KamAZ-6560 8x8.

Xe mang phóng tự hành VLV-01 trên khung gầm KamAZ-6560 8x8.

 Xe nạp đạn VTRV-01 trên khung gầm KamAZ-6560 8x8.

Xe nạp đạn VTRV-01 trên khung gầm KamAZ-6560 8x8.

 Xe kiểm tra kỹ thuật VTIV-01 trên khung gầm KamAZ-5350 6×6.

Xe kiểm tra kỹ thuật VTIV-01 trên khung gầm KamAZ-5350 6×6.

 Tổ hợp radar VTAR-1 trên khung gầm KamAZ-6560 8×8.

Tổ hợp radar VTAR-1 trên khung gầm KamAZ-6560 8×8.

 Trạm điều khiển di động VCPV-01 trên khung gầm KamAZ-5350 6x6.

Trạm điều khiển di động VCPV-01 trên khung gầm KamAZ-5350 6x6.

Toàn bộ tổ hợp đều đặt trên xe tải do Nga sản xuất. Một khẩu đội có thể chứa tối đa 8 bệ phóng tự hành, cũng như một số xe nạp đạn có bổ sung tên lửa.

Khẩu đội có thể được triển khai ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong 10 phút. Tuy nhiên, radar giám sát phải mất 25 phút mới bắt đầu hoạt động. Quá trình nạp lại một xe chiến đấu mất khoảng 40 phút.

Khẩu đội đầu tiên của tổ hợp chính thức được đưa vào biên chế cùng Lữ đoàn 679 của Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân vào tháng 4 năm 2024. Đơn vị này hoạt động gần Vịnh Bắc Bộ ở phía Bắc đất nước.

Tạp chí này đánh giá, đối với Việt Nam, việc sản xuất và triển khai tổ hợp chống hạm là một thành tựu vì nước này có đường bờ biển dài 3.260 km. Hiện nay, nền tảng của lực lượng phòng thủ bờ biển Việt Nam là hệ thống Bastion-P và Redut-M của Nga.

Theo Naval News

Bạch Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tap-chi-hai-quan-hang-dau-danh-gia-to-hop-ten-lua-chong-ham-vcs-01-viet-nam-post713330.html
Zalo