Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về cơ sở hạ tầng

Đảng, Nhà nước ta những năm gần đây đã có những chỉ đạo về việc có cơ chế đặc thù để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT đã đề xuất một số chính sách đặc thù để xây dựng, vận hành được TTTCQT tại Việt Nam, trong đó có chính sách về cơ sở hạ tầng.

TP Hồ Chí Minh sẽ được phát triển thành Trung tâm tài chính quốc tế. (Ảnh minh họa: TTXVN).

TP Hồ Chí Minh sẽ được phát triển thành Trung tâm tài chính quốc tế. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Về chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 (Mục V.5) được Đại hội XIII của Đảng thông qua đã giao nhiệm vụ: “Thúc đẩy phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành TTTCQT”; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 (Mục IV.3) xác định nhiệm vụ: “Nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành TTTCQT”. Nghị quyết số 31-NQ/TW đặt ra nhiệm vụ, giải pháp: “Có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công TTTCQT TP Hồ Chí Minh”. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị (Mục III.3) lại đặt ra nhiệm vụ xây dựng Đà Nẵng trở thành TTTCQT.

Để có thể triển khai nhiệm vụ đặt ra, chúng ta rất cần có những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội nhằm xây dựng TTTCQT tại Việt Nam. Trong đó, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT đã đưa ra một số cơ chế, chính sách đặc thù về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật.

Cụ thể, về chính sách đất đai, dự thảo Nghị quyết quy định dự án đầu tư trong TTTCQT thuộc ngành, lĩnh vực ưu tiên hoặc có quy mô lớn được giao đất, cho thuê đất với thời hạn tối đa 70 năm. Đối với dự án thuộc lĩnh vực khác, thời hạn sử dụng đất tối đa là 50 năm.

Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài để vay vốn đầu tư. Người nước ngoài làm việc, đầu tư tại TTTCQT được phép mua, nhận chuyển nhượng, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng bất động sản thuộc phạm vi TTTCQT theo quy định của pháp luật nhà ở.

Về chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, dự thảo Nghị quyết thiết kế theo hướng quy định cơ chế, chính sách vượt trội so với quy định hiện hành nhằm đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, tập trung thu hút các nguồn lực tư nhân. Theo đó, bên cạnh việc đơn giản hóa tối đa trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai, phòng cháy, chữa cháy; áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư vượt trội, dự thảo Nghị quyết đề xuất dự án đầu tư theo hình thức PPP tại TTTCQT: áp dụng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đến mức 70% tổng mức đầu tư của dự án; cơ chế chia sẻ doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư được thiết kế linh hoạt hơn quy định chung; được chỉ định nhà đầu tư thực hiện Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M); Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT); bảo đảm cân đối ngoại tệ cao hơn quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Đối với vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo Nghị quyết đề xuất: Cho phép để lại toàn bộ số thu nội địa phát sinh trên địa bàn TTTCQT trong thời gian không quá 10 năm kể từ khi TTTCQT được thành lập để đầu tư hệ thống hạ tầng của TTTCQT và hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với TTTCQT; Cho phép địa phương tăng thêm bội chi so với mức bội chi ngân sách địa phương hàng năm đã được Quốc hội quyết định nhưng không vượt quá tổng mức dư nợ vay theo phân cấp của từng địa phương để đầu tư hệ thống hạ tầng của TTTCQT và hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với TTTCQT.

Nhà đầu tư cũng được phép ứng trước vốn đầu tư để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu tái định cư và các công trình khác có liên quan thuộc phạm vi ranh giới của TTTCQT. Các dự án hạ tầng thuộc TTTCQT được đơn giản hóa thủ tục đầu tư công như không phải quyết định chủ trương đầu tư, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công; cho áp dụng trình tự thiết kế 1 bước theo quy định của Luật Xây dựng.

Bên cạnh đó là các chính sách đặc thù về xuất nhập cảnh, cư trú đối với chuyên gia và nhà đầu tư. Cụ thể, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, đầu tư, lao động, kinh doanh tại TTTCQT và thân nhân được hưởng chính sách thuận lợi về thủ tục cấp thị thực, thẻ tạm trú so với quy định chung. Người nước ngoài đầu tư vốn lớn hoặc có đóng góp quan trọng tại TTTCQT hoặc chuyên gia, nhà quản lý cấp cao làm việc lâu dài tại TTTCQT được xét cấp thẻ thường trú để cư trú lâu dài tại Việt Nam; được hưởng chính sách thuận lợi về thủ tục cấp thẻ thường trú so với quy định chung.

Việc xuất nhập cảnh cũng được tạo thuận lợi nhờ vào việc thiết lập cơ chế “một cửa” hỗ trợ nhanh chóng thủ tục xuất nhập cảnh cho nhà đầu tư, chuyên gia, khách hàng quốc tế đến làm việc, giao dịch tại TTTCQT. Người nước ngoài làm việc tại TTTCQT được miễn giấy phép lao động hoặc được cấp theo thủ tục đơn giản nếu đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn theo quy định.

U.San

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-viet-nam-de-xuat-co-che-chinh-sach-dac-thu-ve-co-so-ha-tang-post544901.html
Zalo