Vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh vào nền kinh tế
Một phần ba thời gian năm 2025 đã đi qua, theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu 8% trở lên, chắc chắn giải ngân vốn đầu tư công sẽ được tăng tốc. Nhiều địa phương đang nỗ lực thúc đẩy đầu tư công với quyết tâm cao nhất hoàn thành mục tiêu giải ngân.
Cú hích từ 875.000 tỷ đồng vốn đầu tư công
Thống kê của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/3 là 78.712 tỷ đồng, đạt 8,98% kế hoạch, đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong 3 tháng đầu năm, nhiều bộ, cơ quan T.Ư và địa phương chưa giải ngân. Cụ thể có 17 bộ, cơ quan T.Ư chưa giải ngân, có 16 bộ, cơ quan T.Ư và 6 địa phương giải ngân dưới 5%...
Quý I/2025, nền kinh tế phục hồi tích cực với mức tăng trưởng GDP so với cùng kỳ đạt 6,93%. Dù vậy, con số này thấp hơn mục tiêu tăng trưởng của kịch bản GDP cả năm đạt 8%. Điều này đã tạo sức ép rất lớn lên các quý tiếp theo, nhất là trong bối cảnh toàn cầu biến động, thương mại căng thẳng bởi chính sách thuế quan của Mỹ.
Năm 2025, tổng lượng vốn đầu tư công được phê duyệt lên tới 875.000 tỷ đồng, tăng 37,7% so với vốn đầu tư công giải ngân trong năm 2024. Cũng theo Bộ Tài chính, con số 875.000 tỷ đồng nói trên sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Cùng đó, Chính phủ tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, với các quy hoạch tổng thể chi tiết về sân bay, cảng biển, đường sắt, đường bộ và đường cao tốc cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hiện nay, Chính phủ đang rất quyết liệt. Thủ tướng liên tục chỉ đạo các bộ, địa phương xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, tập trung nguồn vốn đối với các dự án quan trọng để bảo đảm tiến độ của các dự án này vì nó có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển của các thành phần khác trong nền kinh tế. Trong những Chỉ thị gần đây, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính đẩy mạnh thanh tra, kiểm toán đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; gắn tiến độ với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân.
Đôn đốc thúc đẩy giải ngân
Bộ Tài chính cho biết, sau ngày 31/3, nếu bộ, ngành, địa phương nào chưa phân bổ hết vốn, bộ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền cắt giảm để điều chuyển cho các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2025 để bố trí cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược có khả năng giải ngân. Điều này buộc các địa phương phải chạy đua, nếu không muốn bị cắt vốn.
Các đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng tới từng địa phương, xuống từng dự án, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ, qua đó “thúc” tăng trưởng kinh tế.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã tới Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và đầu tư công, thị sát 4 dự án trong hơn 90 dự án có vướng mắc, đang chờ xin cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 170/2024-NQ/QH15 của Quốc hội; đồng thời tới Đồng Nai để làm việc về tình hình triển khai các dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác của Chính phủ đã đi thị sát, rà soát công tác thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đường bộ cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng (Hà Tĩnh), Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ. Đây là các dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã đi kiểm tra một loạt dự án như Hòa Liên - Túy Loan, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng Ban Chỉ đạo 1568 cũng rốt ráo chỉ đạo việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.
Trong số các dự án trên, đã có 309 dự án, bao gồm 74 dự án đầu tư công, đang được các bộ, ngành, địa phương tìm phương án giải quyết. Theo tính toán, chỉ cần số dự án này được tháo gỡ, sẽ giúp giải phóng được ngay 58.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Khi nguồn lực được giải phóng, sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Cắt giảm thủ tục để các dự án được “phá rào”
Theo Chứng khoán MB (MBS), giải ngân đầu tư công sẽ tăng mạnh trong năm 2025. Năm 2025 là giai đoạn cuối của chu kỳ đầu tư công trung hạn và giải ngân đầu tư công. Theo đánh giá của MBS, vốn đầu tư công có khả năng sẽ được đẩy mạnh trong những năm cuối của chu kỳ đầu tư công trung hạn. Trong chu kỳ 2016 - 2020, năm 2020 đạt mức tăng trưởng thực tế mạnh mẽ nhất với mức tăng 22% so với cùng kỳ và đạt 90% kế hoạch (cao hơn so với mức 80% trong 4 năm trước đó).
Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 1/2025 có thể tạo điều kiện nhằm đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn đầu tư công.
Những thay đổi này dự kiến có thể góp phần rút ngắn thời gian triển khai các dự án đầu tư khi phân quyền cho các địa phương và bộ, ngành có thể giải quyết các bước quan trọng trong việc xây dựng dự án như Chủ trương đầu tư, thu xếp vốn…
Thêm vào đó, việc cho phép tách quá trình đền bù và giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập có thể giảm bớt áp lực về vốn cho chủ đầu tư, bên cạnh đó rút ngắn thời gian triển khai GPMB cho dự án.
“Hiện nay trong các quy định đã nêu rõ thẩm quyền trong xử lý thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền. Nếu cắt giảm được những thủ tục hành chính không cần thiết thì sẽ hỗ trợ được cho dự án rất nhiều, trực tiếp mang lại hiệu quả đầu tư cả về tiến độ, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội” - GS.TS Hoàng Văn Cường bày tỏ.
Tại Hà Nội, lãnh đạo TP đang thúc các đơn vị sớm khởi công 3 cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi vốn là 3 trong số 12 dự án chiến lược của TP bắt đầu xây dựng trong năm nay. “Hà Nội năm nay phấn đấu giải ngân 87.000 tỷ đồng vốn kế hoạch, trong đó tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu, đường sắt đô thị; đồng thời, tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhiều dự án trọng điểm như đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TP Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TP Đông Triều (giai đoạn 1), hay tuyến đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh đã có đủ nguồn vật liệu để bảo đảm tiến độ triển khai. Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung vào công tác điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ vướng mắc trong từng dự án. Những khó khăn về thủ tục đầu tư, vật liệu san lấp, GPMB sẽ được tỉnh ưu tiên giải quyết triệt để, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Trong khi đó, theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, TP đang chủ động tháo gỡ khó khăn để có thể khơi thông nguồn lực. Dự kiến, trong 2 quý đầu năm 2025, Đà Nẵng sẽ khởi công một số dự án với tổng vốn đầu tư trên 100.000 tỷ đồng.
Không chỉ các địa phương này, mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, qua đó thúc tăng trưởng kinh tế.
Các nỗ lực trên được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm, tạo nền tảng để mở rộng không gian phát triển, góp phần đưa nền kinh tế tăng trưởng.