Xây dựng tòa án điện tử bằng hoạt động xét xử trực tuyến

Theo đánh giá của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến phù hợp với xu hướng hiện đại nhằm tiến tới xây dựng tòa án thông minh, tòa án điện tử mà TAND tối cao đang xây dựng.

Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đối với các vụ án có tính chất đơn giản. Ảnh: T.Tâm

Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đối với các vụ án có tính chất đơn giản. Ảnh: T.Tâm

Tại Đồng Nai, công tác xét xử trực tuyến thời gian qua được diễn ra đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tính tôn nghiêm của phiên tòa.

Xét xử trực tuyến nhiều vụ án có tính chất đơn giản

Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng. Việc xét xử này cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại các địa điểm ngoài phòng xử án do tòa án quyết định. Việc xét xử này vẫn đảm bảo người tham gia phiên tòa trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Theo đó, tại Đồng Nai, do điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ nên việc xét xử phiên tòa trực tuyến hiện nay chủ yếu đối với các vụ án hình sự có tính chất đơn giản. Điển hình như vào cuối năm 2024, TAND tỉnh đã tiến hành xét xử trực tuyến đối với bị cáo Quách Trần Khánh Duy (30 tuổi, ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc). Trong quá trình xét xử, bị cáo Duy được tham gia phiên tòa qua màn hình trực tuyến có tại Trại Tạm giam Công an tỉnh.

Nội dung vụ án xác định, vào ngày 1-9-2023, trong lúc ngồi nhậu tại nhà chị Nguyễn Ngọc Hân (ở ấp Bằng Lăng, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc), anh Nguyễn Công Thức (38 tuổi, ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) và Duy xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến xô xát. Được mọi người can ngăn, Duy lấy xe ô tô chở vợ con về thì anh Thức lấy xe ô tô bán tải đuổi theo, dẫn đến hai bên xô xát. Trong lúc đánh nhau, Duy đã dùng dao đâm anh Thức tử vong. Với hành vi đã rõ, tòa đã tuyên phạt bị cáo Duy 8 năm tù về tội giết người.

Bên cạnh đó, đối với các bị cáo phạm tội liên quan đến hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy mà bị bắt quả tang thường được chọn để xét xử trực tuyến. Bởi lẽ, chứng cứ trong vụ án đã đầy đủ và bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội trong suốt quá trình điều tra.

Điển hình như ngày 26-12-2024, TAND tỉnh đã tiến hành xét xử trực tuyến đối với bị cáo Trần Anh Tú (43 tuổi, ngụ huyện Long Thành). Bị cáo Tú trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến ngày 10-6-2024 đã mua 20 triệu đồng ma túy và bán lại cho nhiều người nghiện với giá 200 ngàn đồng/gói ma túy. Vào ngày 10-6-2024, khi đang mang gần 50g ma túy đến khu vực xã Bình Sơn (huyện Long Thành) để bán thì Tú bị Công an huyện Long Thành bắt quả tang. Với hành vi buôn lượng ma túy lớn, Tú đã bị xử phạt 18 năm tù.

Trong năm 2024, TAND 2 cấp của Đồng Nai đã tổ chức gần 370 phiên tòa trực tuyến (cấp tỉnh xét xử hơn 40 vụ và cấp huyện gần 330 vụ). Trong đó có 21 phiên tòa rút kinh nghiệm.

Đảm bảo tính an toàn, tiết kiệm

Chánh Văn phòng TAND tỉnh, thẩm phán Võ Thị Thanh Phượng cho biết, trong năm 2024, tòa án 2 cấp tại Đồng Nai đã thực hiện nhiều phiên tòa trực tuyến vượt chỉ tiêu đề ra. Việc xét xử trực tuyến được diễn ra đúng trình tự, thủ tục tố tụng, đảm bảo tính tôn nghiêm của phiên tòa; thiết bị hiển thị hình ảnh và hệ thống âm thanh tương đối đảm bảo; tín hiệu đường truyền, nhận từ điểm cầu trung tâm đến điểm cầu thành phần tương đối thông suốt. Trong suốt phiên tòa xét xử trực tuyến, người tham gia tố tụng đều cam kết việc nói, nghe, trả lời rõ ràng; tuân thủ quy định chung về an toàn thông tin, quản lý dữ liệu.

Theo thẩm phán Võ Thị Thanh Phượng, việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến không phải trích xuất bị cáo ra khỏi nơi giam giữ đến địa điểm tham gia phiên tòa sẽ đảm bảo an toàn, tiện lợi và tiết kiệm được thời gian, chi phí trích xuất, dẫn giải, bảo vệ phiên tòa. Đồng thời, bảo đảm được thời gian xét xử, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý.

Bên cạnh các ưu điểm, vẫn còn một số hạn chế trong công tác xét xử trực tuyến như: án dân sự và án hành chính chưa tổ chức được việc xét xử trực tuyến do chưa có kinh phí để lắp đặt các trang thiết bị cần thiết để tổ chức, kết nối được điểm cầu thành phần tại trụ sở các UBND, cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước. Đường truyền kết nối mạng yếu nên một số phiên tòa khi đang xét xử bị ngắt kết nối, không rõ tiếng, hình, dẫn đến một số phiên tòa phải hoãn, ngừng xét xử…

Hiểu được tầm quan trọng của hoạt động xét xử trực tuyến, các TAND cấp huyện cũng đã tự trang bị một số thiết bị kỹ thuật phù hợp và đề ra nhiều giải pháp nhằm đáp ứng được nhiệm vụ trong hoạt động xét xử.

Chánh án TAND huyện Long Thành Nguyễn Thị Phụng cho hay, hàng năm, Ban lãnh đạo TAND huyện Long Thành đều phát động thi đua giao chỉ tiêu mỗi thẩm phán xét xử từ 2 phiên tòa trực tuyến trở lên và xem đây là một trong những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao tỷ lệ và chất lượng giải quyết các loại án. Trong quá trình xét xử trực tuyến, các thẩm phán đã phối hợp tốt với các đơn vị có điểm cầu thành phần và chuẩn bị tốt kế hoạch xét xử, thông báo với các đơn vị cùng phối hợp thực hiện nên các phiên tòa đều được xét xử đúng thời gian quy định.

Để phiên tòa trực tuyến có thể diễn ra thuận lợi, hoạt động xét xử bảo đảm các nguyên tắc trong tố tụng, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, TAND huyện Long Thành kiến nghị TAND tối cao cấp bổ sung các thiết bị, máy móc chuyên dụng và xây dựng phần mềm xét xử trực tuyến có tính tương thích thống nhất nhằm tạo thuận lợi cho việc kết nối đường truyền. Cùng với đó, ban hành quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến; sớm ban hành biểu mẫu các văn bản tố tụng đối với vụ án được xét xử trực tuyến; cách lưu giữ, bảo quản file phiên tòa trực tuyến… Mặt khác, cần có chế độ chính sách bồi dưỡng đối với cán bộ công nghệ thông tin ở các điểm cầu thành phần khi thực hiện các phiên tòa xét xử trực tuyến.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202502/xay-dung-toa-an-dien-tu-bang-hoat-dong-xet-xu-truc-tuyen-3217856/
Zalo