Xây dựng thị xã Mộc Châu trở thành đô thị du lịch xanh, bền vững

Mộc Châu có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và được xác định là một trong 3 cực tăng trưởng chính của tỉnh Sơn La; là trung tâm kết nối tiểu vùng Tây Bắc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng Bắc Bộ, cả nước và quốc tế.

Trần Dân Khôi

Bí thư Huyện ủy,

Chủ tịch HĐND huyện Mộc Châu

Họp Ban chỉ đạo xây dựng huyện Mộc Châu thành thị xã và Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được công nhận vào năm 2025.

Họp Ban chỉ đạo xây dựng huyện Mộc Châu thành thị xã và Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được công nhận vào năm 2025.

Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, vượt qua khó khăn, khai thác tiềm năng lợi thế, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, vững bước trở thành đô thị phát triển du lịch xanh, bền vững.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, dù trong kháng chiến đầy gian khổ hay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ Mộc Châu kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Trung ương và tỉnh vào thực tiễn địa phương. Đảng bộ huyện Mộc Châu qua 22 kỳ đại hội, mỗi kỳ đại hội đều quyết định những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương; đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, tăng cường trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ; sử dụng nguồn lực linh hoạt, hiệu quả, khả thi; huy động các nguồn lực của cả hệ thống chính trị để đưa Mộc Châu luôn phát triển, xứng đáng với niềm tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Lãnh đạo 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ nhận quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu của Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch.

Lãnh đạo 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ nhận quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu của Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch.

Thực hiện Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 10/6/2013 của Chính phủ về điều chỉnh địa giới, huyện Mộc Châu còn 15 đơn vị hành chính gồm thị trấn Mộc Châu, thị Nông trường Mộc Châu và 13 xã. Điểm nhấn là từ nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tập trung vào các đột phá chiến lược như: Đầu tư xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch đặc thù để phát huy lợi thế, xây dựng thương hiệu Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy đề ra 17 nhiệm vụ trọng tâm, 4 khâu đột phá, ban hành và tập trung triển khai thực hiện 10 đề án, các kết luận, chỉ thị, thông báo, kế hoạch...

Trong đó, các khâu đột phá gồm: Phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, tạo động lực thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo bồi dưỡng cán bộ ở các lĩnh vực quản lý đô thị, quản lý đất đai, quản lý phát triển du lịch; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị; phát triển du lịch trên cơ sở các tiềm năng lợi thế. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các nhiệm vụ với tinh thần 5 rõ “Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.

Các đại biểu tham quan sa bàn quy hoạch chung đô thị Mộc Châu.

Các đại biểu tham quan sa bàn quy hoạch chung đô thị Mộc Châu.

Từ một huyện có xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, công nghiệp, du lịch - dịch vụ chưa phát triển, kinh tế thuần nông là chủ yếu, Mộc Châu chủ động nắm bắt thời cơ, phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác mọi nguồn lực, tạo những bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2024, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 355 tỷ đồng, tăng gấp 6,1 lần so với năm 2015.

Cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ có bước phát triển vượt bậc. Cây chè Shan sau 60 năm bén rễ, ươm mầm trải rộng khắp cao nguyên, khẳng định vị thế, trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Năm 2024, diện tích trồng chè tập trung của huyện đạt hơn 2.000 ha, sản lượng 25.500 tấn/năm. Công nghiệp chú trọng vào chế biến nông sản. Đến nay, Mộc Châu có 3 nhà máy chế biến sữa, 13 công ty, cơ sở chế biến chè. Đàn bò sữa, đến năm 2024 có trên 27.000 con, sản lượng trên 30.000 tấn. Với nhà máy công nghệ chế biến hiện đại khép kín, tạo ra nhiều sản phẩm sữa cung cấp cho thị trường.

Các đại biểu cắt băng khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng.

Các đại biểu cắt băng khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm được đẩy mạnh, chuyển dần từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp số. Năm 2024, diện tích cây ăn quả đạt 11.481ha; toàn huyện có 55 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, 2 vùng sản xuất lớn ứng dụng công nghệ cao, 24 mã số vùng trồng xuất khẩu. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đến nay đạt gần 80 triệu đồng/ha/năm.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sau 15 năm thực hiện, toàn huyện đầu tư xây dựng gần 300 km đường giao thông nông thôn; hoàn thành hơn 200 km đường điện chiếu sáng bản, tiểu khu... Đến nay, huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Mộc Châu cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới, với 194 tiêu chí, bình quân đạt 14,92/xã. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần phát triển và nâng cao thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp Mộc Châu. Đến nay toàn huyện có 39 sản phẩm, chiếm 20% đứng đầu các huyện thành phố trong tỉnh (202 sản phẩm), trong đó 18 sản phẩm 4 sao và 21 sản phẩm 3 sao.

Dây chuyền sản xuất sữa của Mộc Châu Milk.

Dây chuyền sản xuất sữa của Mộc Châu Milk.

Phát triển du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Nhiều dự án du lịch trị giá hàng trăm tỷ đồng được triển khai. Năm 2024, khu du lịch Mộc Châu được công nhận là Khu du lịch Quốc gia. Ba năm liên tiếp (2022 - 2024), Mộc Châu được công nhận là “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”. Từ năm 2020 - 2024 đón hơn 8 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước.

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Đến năm 2024, toàn huyện có 40/49 trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế phát triển, 15 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 2 bệnh viện đa khoa với nhiều kỹ thuật hiện đại đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” được nhân dân hưởng ứng tích cực. Năm 2024, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85%; tỷ lệ bản tiểu khu văn hóa đạt 78,3%.

Mộc Châu có 14 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó, 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, 11 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. An sinh xã hội được quan tâm, phong trào “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được chỉ đạo thực hiện đồng bộ. Đến năm 2023, Mộc Châu hoàn thành 100% xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 2,73%.

Trung tâm thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Trung tâm thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị được chú trọng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đến nay, Đảng bộ Mộc Châu có trên 7.700 đảng viên, sinh hoạt tại 63 chi bộ, đảng bộ cơ sở; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu được tăng cường.

Quốc phòng được củng cố, tổ chức tốt cuộc Diễn tập phòng thủ, phòng chống bão lũ, cháy rừng. Năm 2024 Diễn tập khu vực phòng thủ huyện Mộc Châu năm 2024 đạt loại xuất sắc. An ninh, trật tự xã hội được tăng cường; đảm bảo an ninh nông thôn, an ninh du lịch. Phòng chống, kiểm soát ma túy được đẩy mạnh. Mộc Châu là huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử với tỷ lệ cao. Quan hệ đối ngoại với huyện Sốp Bâu (tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào) duy trì, củng cố và phát triển. Công tác cải cách hành chính đạt được kết quả vượt bậc, nhiều năm liền, huyện Mộc Châu đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính, về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện.

Đặc biệt, việc xây dựng Mộc Châu trở thành thị xã được triển khai quyết liệt. Huyện ủy tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 13/5/2022 về xây dựng và phát triển huyện Mộc Châu trở thành thị xã vào năm 2025. Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện đảm bảo cân đối bố trí nguồn lực; đôn đốc, “truy kích” công việc. Mộc Châu đã linh hoạt thực hiện song song các công việc quy hoạch chung đô thị. Trong thời gian ngắn, nhiều đồ án, đề án được tổ chức lập và triển khai, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhiệm vụ khó khăn nhất để xây dựng Mộc Châu trở thành thị xã là quy hoạch chung đô thị và công nhận đô thị loại IV đối với phạm vi toàn bộ địa giới hành chính huyện Mộc Châu. Phố Mộc được hình thành hơn 95 năm, đến năm 2019, được Bộ Xây dựng Công nhận đô thị loại IV phạm vi của 2 thị trấn, tháng 10/2024, Mộc Châu được công nhận là đô thị loại IV với tổng số điểm đạt 86,6/100 điểm. Ngày 14/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1280/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025, thị xã Mộc Châu được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 1.072,09 km2 và quy mô dân số 148.259 người của huyện Mộc Châu, đơn vị hành chính có 8 phường, 7 xã. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, là cơ hội thuận lợi để thị xã Mộc Châu phát huy lợi thế, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Khu du lịch Mộc Châu Island.

Khu du lịch Mộc Châu Island.

Phát huy thành quả đạt được, huyện Mộc Châu xác định mục tiêu, nhiệm vụ bao trùm thời gian tới là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, kiến tạo; phát huy lợi thế, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, xây dựng Mộc Châu trở thành đô thị du lịch xanh, phát triển bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh; là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trung tâm chế biến nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng tuần hoàn thân thiện với môi trường; là động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và vùng trung du, miền núi phía Bắc, với sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và khí hậu đặc trưng cao nguyên.

Đẩy mạnh các hoạt động thương mại qua cửa khẩu quốc tế gắn bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền an ninh, biên giới quốc gia. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao tiêu chí đô thị loại IV, tiêu chí cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị khu vực thành lập phường, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hướng tới là trung tâm du lịch của quốc gia và khu vực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Mộc Châu quyết tâm xây dựng đô thị du lịch xanh, bền vững; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, để Mộc Châu cùng tỉnh và cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/xay-dung-thi-xa-moc-chau-tro-thanh-do-thi-du-lich-xanh-ben-vung-a5qCLXDNg.html
Zalo