Kỷ nguyên vươn minh của con tàu Việt Nam

Trong bài thơ Mũi Cà Mau, viết năm 1960, nhà thơ Xuân Diệu có hình tượng rất độc đáo: 'Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau'. Về hình dáng, đất nước ta trông giống như một con tàu nằm cạnh Biển Đông, dù chịu nhiều bão dông nhưng sẵn sàng vươn mình ra để tiến về đại dương. Con tàu Việt Nam và Biển Đông trở thành hình tượng thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của đất nước ta.

Đô thị Biên Hòa ngày nay. Ảnh: Ngô Phước

Đô thị Biên Hòa ngày nay. Ảnh: Ngô Phước

Con tàu Việt Nam: Biểu tượng của khát vọng vươn ra biển lớn

Trong suốt chiều dài lịch sử, biển luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và tồn tại của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, khát vọng vươn ra biển lớn là chiến lược, định hướng phát triển bền vững, khẳng định vị thế của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260km, với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Biển không chỉ mang lại nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà còn là con đường giao thương quan trọng, kết nối Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Con tàu sẽ không chỉ là phương tiện đưa đất nước vươn xa mà còn là biểu tượng cho sức mạnh, tinh thần đoàn kết và khát vọng phồn vinh của toàn dân tộc.

Hình ảnh con tàu Việt Nam không chỉ gợi nhớ đến truyền thống hàng hải của tổ tiên mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc xây dựng tương lai. Tàu thuyền không chỉ là phương tiện vận chuyển phổ biến ở nước ta từ ngàn đời qua mà còn là biểu tượng của sự khám phá, giao thương và hội nhập.

Hiện nay, con tàu Việt Nam đại diện cho tinh thần đổi mới, sáng tạo và quyết tâm vươn lên. Tàu Việt Nam đang ra khơi, vượt qua mọi sóng gió để chinh phục những vùng biển mới, mở rộng giao thương, hội nhập quốc tế và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Đặc biệt hiện nay, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, đó không chỉ là khái niệm mà còn là lộ trình, mục tiêu rõ ràng, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng.

Khát vọng vươn ra biển lớn: Những cơ hội và thách thức

Chúng ta hiện có nhiều cơ hội để vươn ra biển lớn, bắt đầu từ bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quá trình toàn cầu hóa. Các quốc gia ngày càng “cần có nhau”, rất gần với tinh thần “buôn có bạn, bán có phường” của người Việt Nam. Một quốc gia hiện gần như rất khó phát triển độc lập, đơn lẻ mà cần gắn kết với các quốc gia khác trên tinh thần “cùng thắng” (win - win), cũng như một đoàn tàu cùng ra khơi thì hải trình sẽ an toàn hơn, hoạt động hiệu quả hơn, dù là đánh bắt hay buôn bán.

Hay việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện chúng ta có gần 20 FTA với nhiều nước và khu vực, trong đó bao gồm nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới, là một bạn hàng có uy tín với nhiều nước.

Nhưng bên cạnh cơ hội, khát vọng vươn ra biển lớn cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Con tàu Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình

Để con tàu Việt Nam có thể mạnh mẽ vươn mình ra biển lớn trong kỷ nguyên mới, bối cảnh mới, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đó là không ngừng đổi mới tư duy và cải cách thể chế. Đó là gia tăng đầu tư vào giáo dục và khoa học công nghệ. Đó là tăng cường hợp tác quốc tế. Hình ảnh con tàu cũng gợi nhắc đến việc mở rộng cánh cửa giao lưu và hợp tác, trên tinh thần cùng có lợi với mọi đối tác. Việt Nam cần tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và giáo dục; đồng thời, chú trọng xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững thông qua việc đẩy mạnh hợp tác và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao và mang lại giá trị gia tăng lớn.

Đó là không ngừng đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ. Trong bối cảnh chuyển đổi số, Chính phủ và các doanh nghiệp cần hỗ trợ các sáng kiến đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy sản xuất, cải thiện năng suất lao động và tối ưu hóa các quy trình kinh doanh; đồng thời, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh.

Đó là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng giao thông lớn, như các tuyến đường cao tốc, cảng biển, sân bay và cơ sở hạ tầng logistics, giúp kết nối các khu vực trong nước và với thế giới. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ.

Đó là cải cách thể chế và môi trường đầu tư. Trước hết, phải cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Việt Nam. Hay việc tinh gọn bộ máy cũng góp phần nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính, góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Đó còn là bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việt Nam cần có định hướng và giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió và thủy triều để bảo vệ môi trường và giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Ngoài ra, phải ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu với các kịch bản cụ thể cho tình huống nước biển dâng cao, hạn hán, xâm nhập mặn…, cũng như tích cực bảo vệ hệ sinh thái và phát triển nông nghiệp bền vững.

Cũng trong bài thơ Mũi Cà Mau, Xuân Diệu còn viết: “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền xé sóng - Mũi Cà Mau”. Hình ảnh con tàu Việt Nam với “mũi thuyền xé sóng” hiện có thể gắn liền với “kỷ nguyên vươn mình”, thể hiện khát vọng vươn tới tương lai, khẳng định vị thế và bản sắc dân tộc. Để thực hiện ước mơ ấy, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới và sáng tạo.

Nguyễn Minh Hải

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/ky-nguyen-vuon-minh-cua-con-tau-viet-nam-e9c360c/
Zalo