Xây dựng 'thành lũy' vững chắc trên biên giới

Những năm qua, BĐBP Đồng Tháp đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, đồng thời thực hiện hiệu quả các chương trình, mô hình, phong trào với nhiều cách làm sáng tạo; qua đó, đã huy động được sức mạnh toàn dân và cả hệ thống chính trị tham gia phong trào 'Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới'.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thường Phước và ông Hà Văn Oai thường xuyên thăm, kiểm tra “Lũy tre biên giới” trên địa bàn. Ảnh: Lê Khoa

Cán bộ Đồn Biên phòng Thường Phước và ông Hà Văn Oai thường xuyên thăm, kiểm tra “Lũy tre biên giới” trên địa bàn. Ảnh: Lê Khoa

Đại tá Đậu Đức Mạnh, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Đồng Tháp cho biết: "Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới, thời gian qua, BĐBP Đồng Tháp đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, mô hình, phong trào với những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình “Lũy tre biên giới”, “Tiết học biên cương”, “Thắp sáng đường biên”, “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”..., qua đó, góp phần quan trọng giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao".

Theo Đại tá Đậu Đức Mạnh, BĐBP Đồng Tháp quản lý đoạn biên giới dài 50,066km, trong đó có 11,852km trên đất liền và 38,214km trên sông thuộc địa bàn 8 xã của huyện Tân Hồng, huyện Hồng Ngự và thành phố Hồng Ngự, tiếp giáp với 2 huyện Sa Đéc và Peam Chor, tỉnh Prey Veng, Vương quốc Campuchia; trên tuyến biên giới có 16 mốc chính, 101 mốc phụ, 30 cọc dấu và 5 điểm đặc trưng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, đến nay, các đơn vị thuộc BĐBP Đồng Tháp đã tham mưu cho chính quyền địa phương ra quyết định thành lập 21 “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới”, có 395 thành viên tham gia. Để động viên và hỗ trợ các thành viên Tổ tự quản hoạt động hiệu quả, UBND huyện, thành phố biên giới hỗ trợ 500.000 đồng/thành viên/tháng; các đồn Biên phòng tùy vào điều kiện, hỗ trợ thêm 300.000 đồng/thành viên/tháng.

Định kỳ hàng tháng, các đơn vị đều tổ chức sinh hoạt, trao đổi thông tin và triển khai nhiệm vụ cho các Tổ tự quản, qua đó, các thành viên luôn tích cực tham gia cùng BĐBP và các lực lượng tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới; đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các thành viên Tổ tự quản còn tích cực tuyên truyền, vận động người thân và nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy chế khu vực biên giới, không sang Campuchia thuê, mướn đất sản xuất; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép; không tham gia các tệ nạn xã hội, nâng cao cảnh giác, kịp thời tố giác tội phạm...

Cùng với đó, hiện nay, 125 cán bộ, đảng viên BĐBP được phân công phụ trách 568 hộ gia đình trên khu vực biên giới luôn phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, thường xuyên đến gặp gỡ, trao đổi với các hộ gia đình được phân công phụ trách để tuyên truyền, vận động chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên, hỗ trợ sinh kế, định hướng việc làm, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, qua đó, đã vận động được nhiều hộ dân từ bỏ hoạt động buôn lậu hàng hóa qua biên giới. Từ các nguồn tin tố giác của nhân dân, BĐBP đã kịp thời bắt giữ hàng trăm vụ buôn lậu và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Chúng tôi theo chân Đội công tác, Đồn Biên phòng Thường Phước đến thăm gia đình ông Hà Văn Oai, Tổ trưởng Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới số 2, xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự. Được biết, ông Oai là người gắn bó với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thường Phước và thông thuộc đoạn biên giới xã Thường Phước gần 40 năm qua. Ông Oai cũng là một trong những công dân địa phương tiêu biểu được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Kỷ niệm chương "Vì chủ quyền an ninh biên giới" năm 2013.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cầu Muống kiểm tra cột mốc. Ảnh: Lê Khoa

Cán bộ Đồn Biên phòng Cầu Muống kiểm tra cột mốc. Ảnh: Lê Khoa

Đưa tay chỉ về hướng cột mốc, ông Oai chia sẻ: “Gia đình tôi làm rẫy và sinh sống ở ngay đường tuần tra, sát biên giới nên hàng ngày, mọi diễn biến tình hình trên khu vực, tôi đều nắm được. Với trách nhiệm của công dân và được cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, tôi và mọi thành viên trong gia đình đều ý thức được giá trị của chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Mỗi ngày tôi đều ra đường biên, cột mốc vài lần. Nằm trong nhà, nếu nghe tiếng máy nổ cày xới đất là tôi chạy ra nhắc nhở chủ máy không được cày xới gần cột mốc; thấy trâu bò của dân thả gần cột mốc, cọc dấu, tôi cũng vận động họ dẫn ra chỗ khác, không để trâu, bò húc làm hư hỏng, dịch chuyển cột mốc, dấu mốc. Vào mùa nước nổi (mùa mưa), tôi bơi xuồng đến từng cột mốc, dấu mốc cắm cây làm dấu để anh em tuần tra dễ nhận biết, nhất là ban đêm...”.

Thiếu tá Võ Văn Trung, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thường Phước thông tin thêm: "Vào mùa mưa, nhiều vị trí cột mốc, dấu mốc bị ngập sâu dưới nước, công tác tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới của cán bộ, chiến sĩ rất gian nan, vất vả. Có đợt mưa kéo dài cả tuần lễ, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn phải dầm mình trong mưa gió, bảo vệ hệ thống đường biên, cột mốc, đảm bảo không bị xê dịch, hư hỏng. Vào mùa mưa, nhiều đối tượng lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, vì vậy, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều phải căng mình bám biên, tăng cường các hoạt động tuần tra, mật phục cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của các Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; các cá nhân tích cực như ông Oai mà đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn đơn vị phụ trách".

Ngoài xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”, từ năm 2016, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đường tuần tra biên giới trên bộ, BĐBP Đồng Tháp đã tham mưu và được UBND tỉnh Đồng Tháp giao thực hiện Dự án “Lũy tre biên giới” và Chương trình “Thắp sáng đường biên”. Đến nay, BĐBP Đồng Tháp đã phối hợp các địa phương trồng hơn 22.900 cây tre dọc đường tuần tra biên giới (30,6km), tổng kinh phí khoảng 1,8 tỷ đồng và lắp đặt 1.416 trụ đèn năng lượng mặt trời (39,5/47km), tổng kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng. Hiện nay, tre đã phát triển cao từ 4m trở lên và phủ xanh, kín toàn bộ đường tuần tra biên giới. Mô hình “Lũy tre biên giới” góp phần chống sạt lở, sói mòn đường tuần tra biên giới, kết hợp quốc phòng - an ninh và mô hình “Thắp sáng đường biên” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các mô hình, chương trình đã giúp cho BĐBP Đồng Tháp hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên khu vực biên giới.

Đăng Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-thanh-luy-vung-chac-tren-bien-gioi-post489367.html
Zalo