Xây dựng nông thôn mới - Quyết liệt từ đầu năm

Năm 2023, Hà Nội phấn đấu có thêm 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao… Ngay trong những ngày đầu, tháng đầu, các địa phương đã khẩn trương bắt tay vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tạo chuyển biến cho nông nghiệp, nông thôn Thủ đô.

Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Viên An (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Đỗ Tâm

Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Viên An (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Đỗ Tâm

Vượt thách thức đạt kết quả cao

Huyện Đông Anh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu xây dựng huyện Đông Anh thành quận giai đoạn 2020-2025”.

Với sự vào cuộc quyết liệt cùng nhiều giải pháp cụ thể, năm 2022, Đông Anh có thêm 8 xã Kim Chung, Đông Hội, Dục Tú, Cổ Loa, Vân Nội, Uy Nỗ, Việt Hùng, Nam Hồng hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện lên 12 xã và xã Liên Hà đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Kết quả xây dựng nông thôn mới đã tạo khí thế mới cho nhiều địa phương nỗ lực đạt thành tích cao hơn. Theo Chủ tịch UBND xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) Phan Trung Kiên, Lệ Chi là xã thuần nông, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các loại cây, hoa như hoa ly, quất cảnh, chuối, củ đậu..., mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, sản phẩm "Củ đậu Lệ Chi" đã được cơ quan chức năng chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đến nay, Lệ Chi có thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/ người/năm; xã không có hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,5%.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, khép lại năm 2022, huyện Gia Lâm có 8 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao là: Kiêu Kỵ, Dương Hà, Ninh Hiệp, Kim Lan, Văn Đức, Đa Tốn, Lệ Chi, Phú Thị; 3 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là: Phù Đổng, Cổ Bi, Dương Xá…

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đối mặt với không ít thách thức, điển hình như: Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí mới, yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước. Tuy vậy, kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố vẫn đạt rất cao, vượt mục tiêu đề ra. Dự kiến, Hà Nội sẽ có trên 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Chăm sóc hoa lan tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu (huyện Đan Phượng). Ảnh: Đỗ Tâm

Chăm sóc hoa lan tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu (huyện Đan Phượng). Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều dự định cho năm mới

Năm 2023, thành phố tiếp tục đặt mục tiêu có thêm 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, năm 2023, huyện tập trung chỉ đạo các xã duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu 4 xã còn lại là: Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, Đan Phượng sẽ có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Đan Phượng đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, năm 2023, Đông Anh tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị. Huyện sẽ mở các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm nông thôn mới từ huyện đến xã, thôn... Đông Anh phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Là huyện chưa có nhiều tuyến đường giao thông kết nối phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023, huyện Phúc Thọ sẽ tập trung triển khai các dự án giao thông chuyển tiếp, các dự án đã được thành phố bố trí kinh phí thực hiện. Huyện lập hồ sơ đề xuất thành phố cho phép chuẩn bị đầu tư các dự án xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông quan trọng, có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Đường quốc lộ 32 đi đền Hát Môn, đường nối tỉnh lộ 416 với tỉnh lộ 419 (đường vành đai thị trấn); đường liên xã Tam Hiệp, Hiệp Thuận, Liên Hiệp đi tỉnh lộ 420...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung lấy nước đổ ải để hoàn thành cấy lúa xuân trong khung thời vụ; mở đợt tiêu độc, khử trùng chuồng trại để tái đàn vật nuôi; xây dựng và mở rộng các chuỗi liên kết, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp...; đồng thời, đề nghị UBND thành phố sớm bố trí kinh phí cho các huyện xây dựng nông thôn mới, các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 để triển khai sớm các nội dung.

Sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương sẽ tạo bứt phá cho Chương trình xây dựng nông thôn mới của Thủ đô ngay trong những ngày đầu năm mới.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1053935/xay-dung-nong-thon-moi---quyet-liet-tu-dau-nam
Zalo