Dư địa hợp tác Việt Nam-Tân Cương rất lớn
Ngày 25/11 tại Hà Nội, trong sự kiện xúc tiến thương mại 'Tân Cương là vùng đất tuyệt đẹp', đại diện phía Trung Quốc khẳng định, Tân Cương nắm giữ nhiều kỷ lục của Trung Quốc cũng như thế giới; dư địa hợp tác với Việt Nam là rất lớn, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch…
Khu tự trị Tân Cương có diện tích hơn 1,66 triệu km2, chiếm gần 1/6 tổng diện tích Trung Quốc, là khu vực hành chính cấp tỉnh lớn nhất nước, tiếp giáp với 8 quốc gia (Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ). Tân Cương là 1 trong 6 vành đai trái cây của thế giới, là vựa trái cây lớn nhất Trung Quốc, đặc biệt nổi tiếng với nho, táo đỏ, lựu, dưa hấu… (nho khô chiếm khoảng 85% tổng sản lượng nho khô của Trung Quốc). Trữ lượng 13 loại khoáng sản ở khu tự trị này thuộc hàng đầu Trung Quốc, bao gồm dầu mỏ, khí tự nhiên, than đá, vàng, uranium, bô-xít… Tân Cương đang trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Trung Quốc, đặc biệt là quang năng và phong điện; khu vực này có lượng ánh nắng lớn, giúp sản xuất 20% sản lượng điện mặt trời của cả nước.
Năm 2023, Tân Cương đón hơn 200 triệu lượt khách du lịch, góp phần đưa Trung Quốc trở thành một trong những điểm đến du lịch lớn nhất thế giới. Nơi đây có 369 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, trong đó hồ Thiên Trì, dãy Thiên Sơn (nơi có Hỏa Diệm Sơn xuất hiện trong phim kinh điển “Tây Du Ký”), sa mạc Taklamakan, hành lang Tân Cương trên Con đường Tơ lụa cổ là những điểm đến nổi bật.
“Hợp tác giữa Tân Cương và Việt Nam đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, khoa học nhân văn, du lịch, phát triển xanh, sản xuất thông minh… Xuất khẩu từ Tân Cương sang Việt Nam năm 2023 đạt 1,425 tỷ nhân dân tệ. Con số năm 2024 và những năm tiếp theo chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều”, ông Trương Trụ (Zhang Zhu), Phó Bí thư Đảng bộ, Trưởng Ban Tổ chức Khu tự trị Tân Cương, nói. Theo ông Trương, Tân Cương chủ yếu xuất khẩu sản phẩm cơ điện, dệt may, hóa chất hữu cơ, lốp cao su, chế phẩm nhựa, trong khi nông sản Việt Nam như sầu riêng, thanh long… rất được người dân Tân Cương ưa chuộng.
Ông Hà Vĩ, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, cũng cho biết, đặc sản Việt Nam như cà phê, thanh long, sầu riêng… đang được tiêu thụ mạnh ở Trung Quốc nói chung, Tân Cương nói riêng. “Năm 2025 sẽ là Năm Giao lưu nhân văn Việt - Trung, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2025). Hy vọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước nói chung, giữa Tân Cương và Việt Nam nói riêng sẽ đạt được những dấu mốc mới, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai”, Đại sứ nói.
Đại diện các sở ban ngành của Tân Cương cũng chung nhận định, tiềm năng hợp tác giữa khu vực này và Việt Nam không chỉ rất lớn trong lĩnh vực kinh tế, cơ sở hạ tầng như đẩy mạnh khai thác khu thí điểm thương mại tự do, tuyến đường sắt cao tốc mà còn trong lĩnh vực xã hội nhân văn như biểu diễn văn hóa, giao lưu thanh niên, du lịch xuyên biên giới, bảo vệ quyền con người và môi trường… Lãnh đạo Sở Thủy lợi Khu tự trị Tân Cương nói: “Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên mỹ lệ, Tân Cương còn đẹp ở việc không ngừng cải thiện môi trường sinh thái, sử dụng nguồn tài nguyên nước hiệu quả và tiết kiệm, người dân có cảm giác an toàn, hạnh phúc hơn”.