Xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL: Khó giữ tiêu chí

Tại một số nơi ở ĐBSCL, việc xây dựng NTM chưa mang lại hiệu quả, thậm chí lãng phí do tồn tại nhiều bất cập.

Nông thôn mới (NTM) là chương trình mục tiêu quốc gia, với mục đích từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn hiện đại; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Tại một số nơi ở ĐBSCL, việc xây dựng NTM chưa mang lại hiệu quả, thậm chí lãng phí do tồn tại nhiều bất cập.

Rớt chuẩn

Xã Hữu Định (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2014 và NTM nâng cao vào năm 2022, tuy nhiên đối sánh với thực tế, hiện rất nhiều tiêu chí không đạt. Đơn cử như tiêu chí môi trường, theo quy định, khi được công nhận xã NTM nâng cao, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn phải được thu gom, xử lý từ 95% trở lên.

Thực tế thời gian qua, tại xã Hữu Định, lượng rác thải tồn đọng rất nhiều. Tính đến cuối năm 2022, đầu năm 2023, lượng rác thải tồn, chờ xử lý lên đến 100.000 tấn. Chưa kể, nước rỉ rác tại Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre không được được xử lý, thường xuyên chảy ra khu vực xung quanh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân.

Trước thực tế này, nhiều người dân cho rằng, chính quyền địa phương cần rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các tiêu chí NTM. “Cần thiết, có thể đề xuất thu hồi lại các tiêu chí trước đây đạt chuẩn nhưng đến nay không đạt, để có phương án, kế hoạch đầu tư, xây dựng, nâng chất hợp lý, không chạy theo thành tích”, ông Hà Cường, ở huyện Châu Thành (Bến Tre) nêu ý kiến.

Còn tại Cà Mau, xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước) được công nhận xã đạt chuẩn NTM từ năm 2020, nhưng đến nay Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Học tập cộng đồng của xã vẫn chưa được đầu tư đúng tầm. Các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa của trẻ em, người dân địa phương lâu nay chưa được đáp ứng đầy đủ. Bên trong trung tâm, phòng truyền thống - thư viện luôn trong tình trạng kín cửa. Phía trước, mặt sân hư hỏng, bong tróc, chậm được nâng cấp, duy tu; trong sân, các dụng cụ, thiết bị thể dục thể thao ngoài trời… không được lắp đặt. Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Học tập cộng đồng xã Thạnh Phú kiêm nhiệm nhiều việc khác, ít khi có mặt tại trung tâm để hỗ trợ, hướng dẫn người dân tham gia các hoạt động tại đây.

 Các phòng chức năng của Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Học tập cộng đồng xã Hòa Thành (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) thường xuyên đóng cửa. Ảnh: TẤN THÁI

Các phòng chức năng của Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Học tập cộng đồng xã Hòa Thành (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) thường xuyên đóng cửa. Ảnh: TẤN THÁI

Ngoài Bến Tre, Cà Mau, nhiều địa phương khác ở ĐBSCL sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM hiện cũng trong tình trạng tương tự. Ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) cho biết, hầu hết các xã đạt chuẩn NTM của huyện đều đang bị rớt chuẩn. Nguyên nhân do xuất phát điểm của địa phương thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và các thành phần kinh tế rất hạn chế... Mặt khác, các tiêu chí NTM theo chuẩn mới là khá cao. Do đó, việc bổ sung, duy tu, nâng cấp, đầu tư, xây dựng, nâng chất các chỉ tiêu, duy trì kết quả đạt được rất khó.

Nhiều thách thức

Lãnh đạo nhiều tỉnh thành ĐBSCL cho biết, quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM cho thấy, một số tiêu chí khó đạt như: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa vì cần nhiều nguồn lực để đầu tư. Riêng tiêu chí về môi trường càng khó đạt hơn, một phần vì thiếu nguồn lực, mặt khác ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của một bộ phận lớn người dân còn thấp. Bên cạnh đó, có một số tiêu chí do trung ương quy định chưa phù hợp với thực tế địa phương, dẫn đến kết quả thực hiện không như ý.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Theo Bộ Tiêu chí quốc gia về xã NTM, xã đạt NTM phải có tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử ≥50%. Đối với vùng nông thôn như Đất Mũi Cà Mau, để đạt được tiêu chí này rất khó, bởi nông dân chiếm tỷ lệ cao, số lượng người dân có kiến thức về công nghệ để áp dụng và thực hiện sổ khám chữa bệnh điện tử rất ít”. Trước thực tế trên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương đã có kiến nghị trung ương để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, khu vực.

Theo ông Phan Hoàng Vũ, xây dựng NTM đã khó, duy trì các chỉ tiêu đạt được còn khó hơn. Dù vậy, tỉnh Cà Mau chủ trương không chạy theo thành tích trong thực hiện, cũng như xét công nhận các danh hiệu NTM. Đồng thời, kiên quyết thu hồi danh hiệu đối với địa phương đã hết thời hạn khắc phục nhưng vẫn rớt chuẩn. Mặt khác, tỉnh cũng đổi mới phương pháp đánh giá, xét công nhận NTM cấp xã, cấp huyện. Cấp xã tự đánh giá hàng năm, cấp huyện định kỳ đánh giá đối với cấp xã, cấp tỉnh định kỳ đánh giá đối với cấp huyện.

Nhà nghiên cứu văn hóa NHÂM HÙNG (TP Cần Thơ):

Tiêu chí nhà văn hóa chưa phù hợp

Khác với miền Bắc có kết cấu, phân bố dân cư tròn, miền Nam có kết cấu và phân bổ dân cư theo chiều dọc, tức người dân thường sống trải dài, men theo các sông, kênh, rạch. Do đó, việc xây dựng nhà văn hóa dù bất kỳ ở đâu thì cũng rất khó để người dân tập trung, tụ họp tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Do đó, hầu hết nhà văn hóa xã ở ĐBSCL thường vắng người, chủ yếu phục vụ mục đích hội họp, không phục vụ mục đích chính là giải trí. Bên cạnh đó, còn vì nhiều bất cập trong các quy định về tiêu chuẩn nhà văn hóa cơ sở, nội dung hoạt động nghèo nàn, lực lượng nhân sự không có, thiếu nguồn lực tài chính, phần lớn mang tính hình thức… nên nhà văn hóa xã chưa thể phát huy được hiệu quả.

TẤN THÁI - TÍN HUY - TUẤN QUANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xay-dung-nong-thon-moi-o-dbscl-kho-giu-tieu-chi-post753085.html
Zalo