Xây dựng nông thôn mới: Mường Khương bứt phá từ tinh thần đoàn kết

Mường Khương là một huyện vùng cao biên giới khó khăn của tỉnh Lào Cai với 23 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90,38% tổng dân số. Nhờ sự chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, huyện đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, bền vững. Mường Khương đang dần thay da đổi thịt trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Tuyến đường thôn Sín Lùng Chải được mở mới. Ảnh: TL

Tuyến đường thôn Sín Lùng Chải được mở mới. Ảnh: TL

Hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo "xung lực" trong xây dựng nông thôn mới

Xây dựng huyện Mường Khương trở thành địa phương phát triển nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ huyện Mường Khương khóa XXIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) quyết liệt triển khai thực hiện.

Sau 5 năm, toàn huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc tổ chức chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với hạ tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là đối với địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, một trong những nét nổi bật của huyện Mường Khương trong xây dựng nông thôn mới là huyện đã sử dụng rất linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực để nâng cấp, mở mới các tuyến đường giao thông trên địa bàn. Kết quả là hệ thống giao thông nông thôn từng bước được cải tạo, nâng cấp; điện, đường, trường, trạm được đầu tư bài bản, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hạ tầng cơ sở từng bước được hoàn thiện...

Tính đến hết năm 2024, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Mường Khương đã cơ bản được hoàn thiện; 15/15 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn, bản có đường bê tông đi lại thuận lợi; 100% xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Theo người dân địa phương, hạ tầng giao thông trên địa bàn được đảm bảo đã giúp việc đi lại, giao thường hàng hóa của người dân trong khu vực thuận lợi. Việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp như chè, chuối, quýt... cũng được dễ dàng hơn. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của người dân được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt trên 36,4 triệu đồng/người/năm.

Những tuyến đường được nâng cấp, mở mới bước đầu đã phát huy hiệu quả, là động lực quan trọng để thúc đẩy công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp kéo gần khoảng cách giữa vùng cao Mường Khương với các huyện vùng thấp trong tỉnh.

Năm 2025, kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2025 của huyện Mường Khương là hơn 89 tỷ đồng/112 dự án, trong đó kinh phí chuyển nguồn là hơn 11 tỷ đồng và kinh phí giao năm 2025 là trên 77 tỷ đồng; phân bổ chi tiết hơn 89 tỷ đồng và đã giải ngân được hơn 31 tỷ đồng theo các chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Chính quyền và nhân dân chung sức, đồng lòng

Để tạo được sự chuyển biến trong nông thôn huyện Mường Khương, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Mường Khương cho biết, chính quyền huyện xác định: Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần kết hợp chặt chẽ giữa “ý Đảng, lòng dân” để huy động được sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị.

Nhờ sự thống nhất, một lòng giữa chính quyền và nhân dân, Mường Khương đã có nhiều bứt phá trên con đường xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TL

Nhờ sự thống nhất, một lòng giữa chính quyền và nhân dân, Mường Khương đã có nhiều bứt phá trên con đường xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TL

Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể, phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên, đồng thời phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong từng tiêu chí.

Đặc biệt, huyện đã chú trọng lồng ghép hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh và xã hội hóa để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới một cách sâu rộng sâu rộng, giúp người dân nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động tham gia đóng góp sức người, sức của vào các công trình thiết yếu.

Nhờ công tác tuyên vận, người dân huyện Mường Khương đã có sự thay đổi lớn về nhận thức. Người dân đồng thuận, đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới như hiến hơn 80.000m2 đất để làm các công trình công cộng, ủng hộ hàng tỷ đồng và hàng nghìn ngày công cho các công trình nông thôn mới.

Là một trong những hộ tiên phong chặt hàng trăm cây chè đang vào vụ thu hoạch để nhường đất mở rộng đường, ông Lý Chín Diu, thôn Sín Lùng Chải khẳng định ông cùng các gia đình trong thôn đều đồng thuận cùng chính quyền, sẵn sàng hiến đất để thi công đường giao thông. Bởi theo ông: "Có đường rộng thì làm gì cũng tiện, như việc bán chè búp thuận lợi hơn rất nhiều. Thu hoạch gỗ rừng sản xuất cũng nhanh hơn vì ô tô có thể vào tận nương... Nhiều hộ dân trong các thôn có thể dễ dàng mua vật liệu xây dựng nhà ở khang trang, giúp diện mạo nông thôn thêm bừng sáng".

Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao hàng đầu của tỉnh, hiện nay, người dân Mường Khương đã không ngừng nỗ lực tự thân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Với sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân, đời sống người dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, an ninh trật tự được đảm bảo.

Với khí thế mới, quyết tâm mới và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, huyện Mường Khương đang viết tiếp câu chuyện về xây dựng nông thôn mới giữa vùng cao Tây Bắc, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện trong tương lai của huyện nói chung cũng như của tỉnh Lào Cai nói riêng./.

PHÚ THÀNH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/xay-dung-nong-thon-moi-muong-khuong-but-pha-tu-tinh-than-doan-ket-39987.html
Zalo