Ứng dụng phần mềm thống kê sinh vật gây hại trên cây điều
Bình Phước là thủ phủ điều của Việt Nam với diện tích canh tác 149.647 ha, chiếm 30% diện tích cây lâu năm và gần 50% tổng diện tích trồng điều cả nước; trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng điều khoảng 50.000 ha. Năng suất điều bình quân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024 đạt 12,7 tạ/ha, với sản lượng gần 200.000 tấn.
Cơ cấu giống điều ở Bình Phước cũng đa dạng, phong phú. Cụ thể, toàn tỉnh có 36.000/149.647 ha (chiếm 24%) trồng các giống cho năng suất cao như: PN1, AB 0508, AB 29 và 6 giống địa phương bao gồm BP18, BP27, BP43, BP68, BP89, BP102. 76% diện tích còn lại trồng các giống địa phương, được trồng lâu năm, năng suất thấp.
Cũng trong giai đoạn 2020-2024, toàn tỉnh có 3.996 ha điều được tái canh, khoảng 8.000 ha điều trồng xen canh các cây trồng khác và chăn nuôi dưới tán.
Thực hiện liên kết trong sản xuất có 52/274 hợp tác xã với tổng diện tích 7.633 ha. Có 10 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều theo chuỗi giá trị cùng 38 đơn vị (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại) tham gia với diện tích 4.500 ha. Diện tích được chứng nhận hữu cơ Mỹ/hữu cơ châu Âu (EU) khoảng 3.500 ha. Có 63 sản phẩm chế biến đạt chứng nhận OCOP 3 đến 5 sao. 1.430 doanh nghiệp sản xuất, chế biến hạt điều, trong đó có 430 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu vừa và nhỏ, công suất 500.000 tấn/năm. Đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động và hơn 70.000 lao động mùa vụ. Còn lại gần 1.000 cơ sở chế biến rất nhỏ. Năm 2024, sản lượng xuất khẩu điều trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 260.000 tấn, kim ngạch đạt khoảng 1.432 triệu USD.

Nhiều nông hộ trồng xen canh các loại cây như ca cao, cà phê… trong vườn điều mang lại hiệu quả kinh tế cao
Thực hiện ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số ngành điều, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường triển khai nhân rộng các giống điều mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Ngành điều đã áp dụng một số công nghệ như: Đã ứng dụng phần mềm thống kê tình hình sinh vật gây hại PPDMS2.0 (do Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp) để ghi nhật ký điện tử, truy xuất nguồn phát sinh dịch hại trên cây điều. Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý thực hiện. Bên cạnh đó, ngành điều còn sử dụng thiết bị bay không người lái Drone để phun thuốc bảo vệ thực vật và dinh dưỡng cho cây điều, đồng thời áp dụng giải pháp tưới cho cây điều trong thời kỳ ra hoa đậu trái mang lại hiệu quả cao, thu nhập ổn định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn đã trang bị công nghệ chế biến với dây chuyền hiện đại, tự động hóa các khâu như: Phân loại hạt điều, tách vỏ, bóc vỏ lụa, hấp, sấy... Đồng thời sử dụng tem điện tử tích hợp với hệ thống phần mềm VNPT-Check để quản lý mã tem. Hệ thống có thể theo dõi, cảnh báo khi sản phẩm bị quét nhiều lần hoặc có dấu hiệu giả mạo, qua đó giúp quản lý lô hàng trong quá trình phân phối ra thị trường.
Sở Khoa học và Công nghệ đang thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đối với nhiệm vụ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” tại Trung Quốc (được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục tại Quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27-7-2021, được triển khai thực hiện từ năm 2022 đến nay). Các nền tảng thương mại điện tử 4G, 5G được phủ sóng trên 80% tại các vùng trồng điều do các tập đoàn viễn thông cung cấp. Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước có 91 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với 375 sản phẩm tham gia chào bán sản phẩm.
Cùng với những kết quả đạt được thì công tác chuyển đổi số ngành điều hiện nay còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do: Đến nay, tỉnh chưa có mã số vùng trồng và cơ sơ dữ liệu số đối với ngành điều. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều phần lớn ở dạng nhỏ và siêu nhỏ nên việc đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại còn nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, năng lực quản trị yếu dẫn đến công tác chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, vùng điều trồng chưa theo quy hoạch mà vẫn mang tính tự phát. Số hộ trồng điều là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ dân trí hạn chế và ít thâm canh, do vậy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn...