Xây dựng nông thôn mới gắn liền với chuyển đổi số và phát triển bền vững

Để triển khai thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, cùng với sự đồng thuận, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân. Toàn tỉnh đã hoàn thành nhiều công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân như: giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế…

Hòa Bình có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Ảnh: hoabinh.gov.vn

Phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ và bền vững

Vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị bỏ phiếu xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Theo đó, 100% số phiếu đã đồng ý công nhận 3 xã Nà Phòn, Kim Lập, Lạc Sỹ đạt chuẩn NTM; 2 xã Thịnh Minh và xã Nam Thượng đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã Nhuận Trạch và Hòa Bình đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Như vậy, đến nay, tỉnh Hòa Bình có 83/129 xã đạt chuẩn NTM; 32 xã NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 75 khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu.

Cơ sở hạ tầng nông thôn thay đổi toàn diện diện mạo nông thôn. Đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững. Các xã NTM thay đổi một cách toàn diện nhanh chóng, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa các phường, xã, thành phố.

Đến nay, kinh tế phát triển tích cực, cơ cấu giá trị sản xuất của tỉnh chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản, tăng nhanh ngành thương mại, dịch vụ và công nghiệp, xây dựng. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, liên kết sản xuất hàng hóa, từng bước ứng dụng công nghệ cao và đảm bảo an toàn thực phẩm; xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đặc biệt, người nông dân đã bước đầu hình thành tư duy sản xuất hàng hóa. Thu nhập của người dân được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, chất lượng an sinh xã hội được nâng lên rõ rệt.

Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ theo quy mô lên phường và ngày càng hoàn thiện; giao thông, thủy lợi đáp ứng yêu cầu đi lại thuận tiện và thuận lợi cho sản xuất; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa các xã, các xóm được đầu tư xây dựng khang trang; chợ nông thôn được xây mới và chuyển đổi mô hình quản lý, sửa sang đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Đặc biệt, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 được áp dụng gắn liền với xây dựng NTM mang lại hiệu quả cao. Đến nay, toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: 2 sản phẩm OCOP tiềm năng hạng 5 sao; 32 sản phẩm OCOP hạng 4 sao và 124 sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Các sản phẩm đều là thế mạnh của địa phương, được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như: Cam Cao Phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, Cá sông Đà, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ, nhóm dược liệu như cao cà gai leo, cao xạ đen, du lịch cộng đồng, thổ cẩm dân tộc...

Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng phát triển du lịch nông thôn, thí điểm 1 mô hình du lịch cộng đồng tại xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc giai đoạn 2021-2025 đã đạt kết quả nổi bật. Đến nay, toàn tỉnh có 5 sản phẩm dịch vụ du lịch và bán hàng đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên thuộc nhóm cao nhất cả nước.

Thúc đẩy chuyển đổi số và thay đổi tư duy

Trên cơ sở kết quả đã đạt được sau 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thời gian tới, tỉnh Hòa Bình quyết tâm duy trì, giữ vững và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, từng bước xây dựng các xã trở thành xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Đối với các xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu tiếp tục nâng cao các tiêu chí NTM, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh được giữ vững; Nhân dân được thụ hưởng đời sống vật chất và văn hóa tinh thần ngày càng cao hơn.

Hướng tới NTM thông minh, tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực áp dụng chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Tỉnh đã triển khai thực hiện các dịch vụ công, ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM: Cung cấp dịch vụ y tế, sổ khám chữa bệnh điện tử; phần mềm cơ sở dữ liệu; lắp đặt wifi miễn phí, internet cộng đồng, camera an ninh… Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực được người dân đầu tư hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tăng nhanh về quy mô, chất lượng cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững.

Toàn tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch chung gắn với quản lý tốt quy hoạch phát triển các phân khu chức năng, đô thị; đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước.

Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến tới xây dựng NTM thông minh; nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM; nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy của cán bộ các cấp về NTM; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn... Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, qua đó đã nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM, tạo sự đồng thuận và huy động được đông đảo các lực lượng tham gia./.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/xay-dung-nong-thon-moi-gan-lien-voi-chuyen-doi-so-va-phat-trien-ben-vung-37760.html
Zalo