Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính
Chiều 21-2, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính (TTTC) tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, mục đích xây dựng nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm và chỉ đạo của Đảng về phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Nghị quyết của Quốc hội quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, khung chính sách phát triển TTTC và giao Chính phủ hướng dẫn nội dung chi tiết, xử lý các vấn đề cụ thể.
Các chính sách áp dụng cho TTTC phải có tính đột phá, đảm bảo phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam; bắt kịp xu hướng phát triển quốc tế, theo chuẩn mực, thông lệ tiên tiến của thế giới, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, hài hòa với cam kết quốc tế; bảo đảm sự đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững; cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, có tính cạnh tranh cao, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn và năng lực nội tại, trong đó ưu tiên lợi ích quốc gia là trên hết, đặc biệt là vị thế, uy tín và an ninh tài chính quốc gia.
Về nguyên tắc, chính sách thành lập và hoạt động của TTTC, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng và hình thành môi trường sống văn minh, chất lượng cao tại TTTC.
Kết luận cuộc họp, khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của TTTC tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, nghị quyết được xây dựng nhằm hình thành cơ sở pháp lý giải quyết 3 vấn đề lớn, đó là: tạo lập các quy định về tổ chức bộ máy; quy định về chính sách cho TTTC (nhất là quy định về xuất nhập cảnh, lao động, chính sách tiền tệ, thuế); xây dựng quy định của Nhà nước về quản lý các trung tâm (cụ thể là trách nhiệm quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng là như thế nào và trách nhiệm của các thành phố có các TTTC là như thế nào).
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, xây dựng dự thảo nghị quyết này là xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội nhưng phải có kiểm soát; phải làm rõ được nội hàm của từng nhóm chính sách dự kiến xây dựng; phải có đánh giá cụ thể những tác động của chính sách trong đối với nền kinh tế.
Về thời gian trình Quốc hội, việc xây dựng và trình dự thảo nghị quyết được thực hiện theo quy trình tại 1 kỳ họp, dự kiến Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 5-2025. Đối với 2 thành phố thụ hưởng là TPHCM và Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu cần tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng cho sự vận hành của các các TTTC.
Trên tinh thần tiếp tục tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế cũng như những ý kiến đóng góp tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ KH-ĐT tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội theo đúng yêu cầu về thời gian đặt ra.