Xây dựng một hệ thống chính sách toàn diện để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần gấp rút hoàn thiện một hệ thống chính sách bao quát, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất kinh doanh tuần hoàn.

Quang cảnh diễn đàn

Quang cảnh diễn đàn

Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn chưa đầy đủ

Phát biểu tại diễn đàn "Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới" ngày 25/9, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Những xu hướng này đang tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam.

Việt Nam đã thông qua một số chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về kinh tế tuần hoàn, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/5/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong thời gian tới Chính phủ sẽ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030.

Việt Nam có nhiều cơ hội để thực hiện kinh tế tuần hoàn, nhưng cũng còn nhiều nhiệm vụ cần giải quyết liên quan đến thiết kế, quy hoạch, phối hợp, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng như các vấn đề về xã hội và môi trường. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có nhiều chủ thể tham gia, trong đó không thể không nói đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, trung tâm giáo dục và đào tạo, trường đại học, người dân, cộng đồng xã hội...

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi mà Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa song còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Thành, nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, người tiêu dùng về kinh tế tuần hoàn chưa đầy đủ, thiếu nhận thức và hiểu biết về kinh tế tuần hoàn ở cấp quản lý, sản xuất và tiêu dùng. Trong khi đó, tư duy hệ thống trong hoạch định, điều hành chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả. Hệ thống pháp luật về kinh tế tuần hoàn còn phân tán. Cơ chế chính sách đặc thù, thử nghiệm cho phát triển kinh tế tuần hoàn chưa được ban hành.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hệ thống chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn chưa đủ hoàn thiện. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức, công nghệ và tài chính để chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Cần gắn kết kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội

TS. Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, để hiện thực hóa kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, cần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng đẩy mạnh truyền thông, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, pháp luật, nhân rộng các thói quen và thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn, xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn như tổ chức xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn cho ngành, lĩnh vực và các tỉnh. Hỗ trợ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đẩy mạnh liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, ban hành kế hoạch hành động và cơ chế thí điểm triển khai Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn.

"Việt Nam cần huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế tuần hoàn, bao gồm cả tài chính, nhân lực và vật lực. Việc đồng bộ hóa các chính sách tài khóa, thuế, phí và hỗ trợ tài chính là giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, cần đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng “xanh” như năng lượng tái tạo và công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tác động môi trường", TS Cấn Văn Lực chia sẻ.

TS Trần Thị Hồng Minh cho rằng, nên xây dựng cơ chế thử nghiệm cho kinh tế tuần hoàn, bắt đầu từ những ngành có tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và vật liệu xây dựng. Việc thử nghiệm các chính sách trong khu công nghiệp và khu kinh tế cũng có thể tạo ra động lực cho đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động.

Ngọc Hải

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xay-dung-mot-he-thong-chinh-sach-toan-dien-de-thuc-day-kinh-te-tuan-hoan-155986.html
Zalo