Điểm tựa phục hồi sau thiên tai
Sau những thiệt hại nặng nề bởi bão số 3 (bão Yagi) và các trận lũ lụt, sạt lở liên tiếp thì công tác cứu trợ rất quan trọng, nhưng đó chỉ là trong ngắn hạn.
Ước tính sơ bộ của chính phủ cho thấy thiệt hại từ bão số 3 có thể lên tới 50.000 tỷ đồng, khiến GDP năm 2024 có thể mất 0,15% so với dự báo tăng trưởng trước đó cho là 6,8-7%. Những tổn thất này không chỉ ảnh hưởng tới đời sống người dân, sức khỏe doanh nghiệp, mà còn để lại tác động tiêu cực lâu dài đối với nền kinh tế địa phương và cả nước. Để ứng phó với những thách thức đó, bên cạnh câu chuyện “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “lá lành đùm lá rách”… mà các đoàn thể, cá nhân thực hiện, chính phủ đã triển khai kịp thời các chính sách kinh tế nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương và người dân cả về trước mắt và lâu dài nhằm phục hồi và tái thiết sau thiên tai.
Một trong những bước đi đầu tiên và kịp thời nhất của chính phủ là cung cấp hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các hộ dân bị thiệt hại nặng nề bởi bão số 3 và các trận lũ lụt, sạt lở đất. Chính phủ đã nhanh chóng trích ngân sách để phân bổ cho các địa phương, đồng thời chỉ đạo các bộ, ban ngành phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đảm bảo việc hỗ trợ diễn ra nhanh chóng và đúng đối tượng. Ở Trung ương, Bộ Tài chính đã trình chính phủ hỗ trợ khẩn cấp tỉnh Lào Cai 150 tỷ đồng, tỉnh Yên Bái 30 tỷ đồng… để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ổn định đời sống người dân. Dưới cơ sở, tùy theo nguồn lực, chính quyền địa phương cũng đưa ra những biện pháp hỗ trợ thiết thực như Thanh Hóa, Lạng Sơn đã chỉ đạo hỗ trợ học phí cho học sinh tại vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ… Những biện pháp chính sách này không chỉ giúp người dân nhanh chóng khắc phục khó khăn trước mắt, mà còn đảm bảo họ có được nguồn lực bước đầu để tái thiết cuộc sống.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bị thiệt hại cũng được hỗ trợ kịp thời thông qua các gói tín dụng ưu đãi và miễn, giảm thuế, phí. Trong Hội nghị với các ngân hàng thương mại cổ phần vào ngày 21/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các ngân hàng tiếp tục chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng… Thực tế cho thấy tới nay đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới với tổng giá trị lên tới 405.000 tỷ đồng cùng mức giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2% cho cả khoản vay cũ và mới đối với khách hàng tùy theo mức độ bị thiệt hại bởi bão lũ. Thậm chí, có ngân hàng như SHB, TPBank hỗ trợ bình quân 50% lãi suất phải trả từ đầu tháng 9 đến cuối năm 2024. Sự chỉ đạo kịp thời của chính phủ cùng với sự đồng hành của các ngân hàng thương mại chắc chắn sẽ giúp nhiều doanh nghiệp nhanh chóng ổn định lại sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên phải thấy rằng sau bão lũ có những hộ nông dân bị mất hết tài sản và có những doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Họ không còn gì để trả nợ, cho nên, việc khoanh, giảm hay giãn nợ cũng khó đem lại hiệu quả. Do vậy, cần phải có quyết sách mạnh tay như xóa nợ cho đối tượng “trắng tay” sau bão lũ thông qua ban hành một nghị quyết về đối tượng được xóa nợ và hướng dẫn cụ thể thủ tục, hồ sơ xóa nợ. Việc xác định đối tượng “trắng tay” không khó vì khi vay vốn, họ đã có tài sản thế chấp ở ngân hàng, việc kiểm tra tài sản đó có còn hay không sau bão lũ là hoàn toàn khả thi. Điều quan trọng là cần mạnh dạn giúp họ trút bỏ gánh nặng cả về tinh thần lẫn vật chất sau bão lũ, để họ có cơ hội và lực đẩy làm lại từ đầu.
Xem video Ngân hàng Nhà nước dự thảo cho vay đặc biệt, lãi suất 0%. Nguồn: Vnews/TTXVN
Bão lũ cũng cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao vai trò kết nối xuyên vùng miền của các hiệp hội, ngành hàng. Miền Bắc đang gặp khó khăn lớn sau bão lũ thì cần đẩy mạnh sản xuất ở miền Nam hay miền Trung thông qua chuyển giao đơn hàng hoặc thuê sản xuất với giá ưu đãi. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp ở miền Bắc không mất đơn hàng, mà còn tránh gây thiệt hại dây chuyền và tạo tác động tích cực tới nền kinh tế.
Bão lũ đi qua để lại hậu quả nặng nề, nhưng giữa muôn trùng khó khăn ấy, một trong những nét đẹp văn hóa nổi bật của dân tộc Việt Nam lại được thể hiện rõ hơn bao giờ hết, đó là tinh thần đoàn kết tương trợ, tương thân tương ái. Giữa muôn trùng khó khăn ấy, chúng ta cũng thấy rõ sự đồng lòng của chính phủ với nhân dân thể hiện qua việc chính phủ đưa ra Nghị quyết số 143/NQ-CP hay quyết định của Bộ Tổng tham mưu không tổ chức diễn binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.... Đó là những điểm tựa để chúng ta vượt qua thách thức và chúng ta tin rằng những điểm tựa ấy sẽ được tăng cường, củng cố, trở thành “cơ chế ứng phó chủ động” sẵn sàng cho mọi biến cố từ thiên nhiên.