Xây dựng môi trường thuận lợi để trí thức cống hiến và phát triển

Hiện nay, nhiều ý tưởng, sáng kiến từ đội ngũ trí thức và doanh nghiệp vẫn chưa có 'kênh pháp lý' để triển khai vào thực tiễn, do thiếu những cơ chế linh hoạt, thí điểm.

Tiến sĩ Sinh học Nguyễn Hữu Tiền tại phòng làm việc của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN

Tiến sĩ Sinh học Nguyễn Hữu Tiền tại phòng làm việc của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN

Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định những đột phá chiến lược, giữ vai trò then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần phải tháo gỡ rào cản thể chế, xây dựng cơ chế vận hành linh hoạt, tạo điều kiện thực chất để đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tham gia sâu hơn vào quá trình hoạch định và triển khai chính sách, góp phần đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển đất nước.

Tháo gỡ thể chế, phát huy vai trò dẫn dắt

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), ông Đặng Huy Đông đánh giá, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị không chỉ khẳng định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phát triển đất nước mà còn mở ra thời cơ bứt phá cho các lĩnh vực này. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu lớn, điều kiện tiên quyết là phải tháo gỡ những rào cản thể chế hiện hữu.

Ông Đặng Huy Đông cho biết, hiện nay, nhiều ý tưởng, sáng kiến từ đội ngũ trí thức và doanh nghiệp vẫn chưa có “kênh pháp lý” để triển khai vào thực tiễn, do thiếu những cơ chế linh hoạt, thí điểm. Vì vậy, cần mạnh dạn áp dụng mô hình thử nghiệm chính sách (sandbox), một công cụ đã được nhiều nước sử dụng thành công để thí điểm các mô hình mới trong môi trường pháp lý kiểm soát, từ đó từng bước hoàn thiện khung pháp lý phù hợp. Bên cạnh đó, việc triển khai các chương trình cụ thể như số hóa dữ liệu, phát triển hạ tầng số, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ cũng là những bước đi thiết thực gắn kết chính sách với thực tiễn phát triển.

Ông Đặng Huy Đông đề xuất cần xây dựng bộ tiêu chí cụ thể nhằm xác định vị trí của trí thức trong từng mắt xích đổi mới sáng tạo. Khi hành lang pháp lý được thông thoáng và cơ chế vận hành tốt, đội ngũ trí thức mới có thể đóng góp hiệu quả, sáng tạo, góp phần chuyển hóa khoa học công nghệ thành động lực phát triển đất nước. Số lượng sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng thành công và thương mại hóa sẽ là thước đo cụ thể cho hiệu quả thực hiện Nghị quyết.

Chia sẻ quan điểm này, Tiến sỹ Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, hiện lực lượng trí thức có chuyên môn sâu, kể cả những người đã nghỉ hưu, tham gia vào các nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ chế pháp lý rõ ràng, quy trình phân công nhiệm vụ chưa minh bạch và nguồn lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo Tiến sỹ Phạm Ngọc Sơn, rào cản lớn nhất hiện nay cho tình trạng trí thức chưa "mặn mà" với việc tham gia hoạt động tư vấn, phản biện, giảng dạy, nghiên cứu khoa học là chế độ đãi ngộ còn chưa tương xứng. Ông kiến nghị cần có chính sách tài chính ổn định, tăng mức thù lao cho các chuyên gia và hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức khoa học duy trì hoạt động thường xuyên. Đồng thời, xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ nghiên cứu, phản biện xã hội ngay từ khâu lập kế hoạch, thực hiện đến đánh giá kết quả, gắn lý luận với thực tiễn.

Điều chỉnh mô hình tổ chức theo hướng linh hoạt, hiện đại

Theo Tiến sỹ Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, để đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thực sự phát huy vai trò trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, cần điều chỉnh mô hình tổ chức theo hướng hiện đại, linh hoạt và sát thực tiễn.

Theo Tiến sỹ Phạm Văn Tân, mô hình tổ chức hiện nay đã có những đóng góp nhất định, nếu không được đổi mới theo hướng mở rộng đối tác, tăng cường tính tự chủ thì khó đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Tiến sỹ Phạm Văn Tân đề xuất giải pháp phát triển mô hình tổ chức dựa trên hai trụ cột, đó là vừa duy trì bộ máy thực hiện nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao với cơ chế ổn định về biên chế và tài chính vừa thúc đẩy các tổ chức khoa học tự chủ, hoạt động theo cơ chế thị trường, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp và xã hội.

Một trong những đề xuất trọng tâm là thành lập các tổ chức tư vấn độc lập, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo cơ chế tự chủ, huy động nguồn lực xã hội và hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường. Những tổ chức này không chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn, phản biện khoa học, dự báo xu thế phát triển mà còn tạo thêm nguồn lực tài chính để củng cố hệ thống khoa học công nghệ quốc gia.

Lý Thanh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/xay-dung-moi-truong-thuan-loi-de-tri-thuc-cong-hien-va-phat-trien-20250506123731802.htm
Zalo