Kinh tế toàn cầu biến động, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực
4 tháng năm 2025, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt gần 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ. Con số này cho thấy, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động.
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến hết tháng 4/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong số này, vốn đăng ký mới đạt hơn 5,59 tỷ USD, giảm 23,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 6,4 tỷ USD, tăng gấp gần 3,9 lần cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 1,83 tỷ USD, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ.
Nhận xét về con số này, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực trong bối cảnh có nhiều biến động của kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, việc vốn đầu tư điều chỉnh và vốn đầu tư góp vốn mua cổ phần tăng nhanh, tương ứng tăng gấp gần 3,9 lần và gần 2,1 lần so với cùng kỳ đã bù đắp mức giảm của vốn đầu tư mới, đưa tổng vốn đầu tư của cả nước trong 4 tháng đầu năm tiếp tục tăng mạnh (tăng 39,9%).

Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, tính theo tháng, trong 4 tháng đầu năm 2025
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, số lượng dự án đầu tư mới (1.204 dự án, tăng 14,1% so với cùng kỳ), số lượt dự án điều chỉnh vốn (540 lượt dự án, tăng 44,4%) và số lượng các giao dịch góp vốn, mua cổ phần (1.106 giao dịch, tăng 8,3%) đều tăng so với cùng kỳ đã cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư trong nước tiếp tục được củng cố. Họ không chỉ đến đầu tư mới mà còn mở rộng quy mô hoạt động hiện hữu.
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh điều này. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã nhắc đến việc nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, EU tiếp tục đầu tư mới và mở rộng đầu tư, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Trong đó các doanh nghiệp lớn của Mỹ và EU muốn đầu tư vào Việt Nam, gần đây, trong cuộc gặp với Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, Tập đoàn Qualcomm đã bày tỏ mong muốn phát triển một trung tâm R&D tại Việt Nam.
“Điều này cho thấy vị trí quan trọng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh các nhà đầu tư Mỹ, EU, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư từ châu Á, như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong số các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong những tháng đầu năm. Nhưng đồng thời, cũng có dấu hiệu khởi sắc từ một số thị trường nhỏ hơn, thể hiện tính đa dạng hóa dòng vốn đầu tư.

Tập đoàn Qualcomm của Mỹ trong cuộc gặp với Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ mong muốn được đầu tư trung tâm R&D tại Việt Nam. (Ảnh VGP)
Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, đã có 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,2 tỷ USD, chiếm hơn 23,5% tổng vốn đầu tư, tăng 10% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 20,4% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 3,3 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông…
Ở góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 8,9 tỷ USD, chiếm gần 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 35,1% so với cùng kỳ.
Tiếp theo, là ngành kinh doanh bất động sản, với tổng vốn đầu tư gần 2,83 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 61,9% so với cùng kỳ. Sau đó, lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ; dịch vụ lưu trú và ăn uống với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 611 triệu USD và hơn 352 triệu USD.
Xét về địa bàn đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định, các địa phương có năng lực thu hút tốt tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt cả về số lượng và quy mô dự án.
Cụ thể, trong 4 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 52 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,69 tỷ USD, chiếm 19,5% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp gần 2,7 lần cùng kỳ. Đồng Nai đứng thứ hai với hơn 1,52 tỷ USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 2,3 lần cùng kỳ.
Đứng vị trí thứ ba là TP.HCM, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,48 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 77,7% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam…
Không chỉ vốn đăng ký, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân cũng tích cực. Trong 4 tháng đầu năm 2025, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ.