Xây dựng môi trường mạng an toàn cho công dân số tương lai
Trong thời đại công nghệ số, chung tay xây dựng môi trường mạng an toàn cho thế hệ công dân số tương lai không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà là mối quan tâm của thế giới.
Ngày nay, trẻ em dùng thiết bị có kết nối mạng internet để phục vụ việc học tập, tìm hiểu thông tin, giải trí… rất phổ biến. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do thường xuyên đối mặt với nhiều nguy cơ khi chưa được trang bị đủ kỹ năng để nhận diện và phòng, tránh rủi ro trên không gian mạng. Trong thời đại công nghệ số, chung tay xây dựng môi trường mạng an toàn cho thế hệ công dân số tương lai không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà là mối quan tâm của thế giới.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Hiện nay, trẻ em Việt phần lớn đều tiếp cận với mạng internet và các thiết bị kỹ thuật số có kết nối mạng internet từ rất sớm. Điều này mở ra cơ hội để trẻ em học tập, tiếp cận những thông tin hữu ích. Tuy nhiên, cùng với đó cũng xuất hiện những vấn đề khó xử lý, kiểm soát như: Đảm bảo an toàn thông tin, quyền riêng tư, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho biết, kết quả khảo sát mức độ tham gia của trẻ em trên môi trường mạng cho thấy, 83% trẻ em có sử dụng điện thoại, trong đó, điện thoại thông minh chiếm 76%. Khoảng 81% trẻ em được khảo sát có sử dụng mạng xã hội; 97% trẻ em sử dụng điện thoại từ 1 giờ/ngày, trong đó 27% sử dụng điện thoại mức 5 giờ/ngày. Chia sẻ về mục đích sử dụng điện thoại kết nối mạng, có đến 86% trẻ em cho biết dùng để giải trí (xem phim, ảnh, nghe nhạc, chơi game…). Khoảng 75,3% trẻ dùng mạng để học tập, 66,5 % để tìm kiếm thông tin, 53,7% dùng để kết bạn.
Bà Trần Vân Anh khẳng định, môi trường mạng có vai trò quan trọng nhưng tiềm tàng nhiều rủi ro đối với trẻ em. Ngày nay, sử dụng điện thoại, mạng xã hội là việc khó tránh, khó hạn chế và kiểm soát nên nhà trường, gia đình cũng như các nhà quản lý cần có những giải pháp để “lọc”, “phòng ngừa” các vấn đề tiêu cực, hạn chế những rủi ro hoặc nguy cơ trên mạng. Để bảo vệ các em khi sử dụng mạng xã hội, việc cần làm là: Bố mẹ, gia đình cần kiểm soát trẻ sử dụng mạng xã hội; thành lập các nhóm để chia sẻ kinh nghiệm, ứng phó rủi ro trên mạng xã hội; cung cấp các địa chỉ hỗ trợ trẻ khi trẻ gặp vấn đề trên mạng xã hội; tập huấn kỹ năng an toàn tren mạng xã hội.
Hiện các kênh thông tin chủ yếu để trẻ em tìm hiểu kiến thức cho bản thân gồm: Tự học tài liệu; thông tin trên mạng xã hội; chia sẻ tại trường học; được các tổ chức hướng dẫn; thông tin từ gia đình (bố mẹ, các anh chị em); qua trao đổi với bạn bè. Theo khảo sát, những nội dung và kỹ năng học sinh đã được học để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng gồm: Các nguy cơ và rủi ro từ mạng xã hội (74,5%); phòng ngừa xâm hại tình dục qua mạng xã hội (73%); cách bảo vệ thông tin riêng tư trên mạng xã hội (72,9%); cách phòng ngừa và bảo vệ bản thân trên mạng xã hội (71,2%); Phòng ngừa bắt nạt qua mạng xã hội (63,4%).
Theo ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), trẻ em khi tiếp xúc không gian mạng có thể gặp phải các nguy cơ: tiếp xúc với các thông tin độc hại, phát tán thông tin riêng tư, nghiện mạng xã hội, game, internet, bị bắt nạt trực tuyến và nguy cơ bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hành vi: quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, đóng tiền hoặc thậm chí ép tham gia những hành động phi pháp.
Ông Nguyễn Đức Tuân nhấn mạnh, hiện nay rủi ro đối với trẻ em trên internet là rất lớn. Trong tương lai, sẽ có nhiều hành vi khác phát sinh khi môi trường internet có sự tham gia của trẻ nhiều hơn. Xã hội, đặc biệt là gia đình và nhà trường cần quan tâm, chú ý tới các em khi sử dụng mạng internet.
Xây “rào chắn” bảo vệ trẻ em
Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng Phòng Kiểm định An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố không gian mạng (VN-CERT) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần triển khai đồng loạt 5 nhóm giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng gồm: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng số; triển khai các biện pháp kỹ thuật ứng dụng công nghệ; hoàn thiện cơ cấy tổ chức, nâng cao năng lực pháp luật với những trường hợp phạm tội với trẻ em; tăng cường hợp tác quốc tế.
Trong số những giải pháp này, bà Đinh Thị Như Hoa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về rủi ro trực tuyến cho trẻ em. Bên cạnh đó, cần trang bị cho trẻ em kỹ năng, giáo dục trách nhiệm khi trẻ tham gia sử dụng internet. Khi vô tình là nạn nhân, trẻ em cần biết cách tự tìm kiếm sự giúp đỡ.
Theo đó, định hướng để triển khai công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em hướng tới các đối tượng trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em. Đáng nói, với mỗi nhóm đối tượng này, nội dung tuyên truyền cần phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ và được cập nhật thường xuyên; hình thức, cách thức phổ biến linh hoạt, sinh động, gắn với thực tế.
Cần đẩy mạnh hoạt động thúc đẩy các doanh nghiệp Việt phát triển sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Các sản phẩm dịch vụ, trò chơi… hấp dẫn với nội dung tốt và phù hợp sẽ cuốn hút trẻ em, khuyến khích trẻ dùng sản phẩm có nội dung tốt, bỏ qua các ứng dụng, trò chơi thiếu lành mạnh. Đồng thời, cần triển khai hệ thống hỗ trợ, ngăn chặn đánh giá dữ liệu độc hại với trẻ em. Do sức đề kháng của trẻ em còn yếu, việc tạo ra môi trường, không gian mạng an toàn góp phần xây dựng rào chắn để bảo vệ trẻ em, bà Đinh Thị Như Hoa nêu quan điểm.
Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) Nguyễn Thành Hưng cho biết, thời gian qua, Hiệp hội đã khuyến khích các đơn vị hội viên đầu tư nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em nhằm xây dựng hệ sinh thái các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam. Để góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em và hỗ trợ phát triển thị trường trong lĩnh vực này, Hiệp hội xây dựng Bộ tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng.
Cụ thể, Bộ tiêu chuẩn TCCS 03 - “Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” và các tài liệu liên quan là tài liệu đánh giá chất lượng các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Những sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn giúp người dùng, các bậc phụ huynh yên tâm lựa chọn sản phẩm, dịch vụ cho con em sử dụng.
Bộ tiêu chuẩn là tiền đề thúc đẩy sự hợp tác của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp cũng như đông đảo người dùng cùng chung tay bảo vệ trẻ em trước những nguy hiểm trên không gian mạng; Qua đó, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng công nghệ đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí an toàn của trẻ em trên môi trường mạng theo tinh thần được nêu trong Quyết định 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”.