Xây dựng mô hình tổ chức tòa án phù hợp, đáp ứng yêu cầu sắp xếp bộ máy hiệu lực, hiệu quả

Thảo luận tại tổ, các đại biểu đề nghị cần xây dựng mô hình tổ chức tòa án phù hợp, đáp ứng yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu lực, hiệu quả.

Chiều 12/5, thảo luận tại Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai, Quảng Bình) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các ĐBQH cơ bản tán thành với nội dung dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp về dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cần rà soát, bảo đảm tính đồng bộ giữa Luật này với các Luật được trình tại kỳ họp lần này.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19. Ảnh: Khánh Duy

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19. Ảnh: Khánh Duy

Một số ý kiến đề nghị, cần rà soát nội dung dự thảo các Luật lần này với các luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Góp ý về dự thảo Luật, ĐBQH Cầm Hà Chung (Phú Thọ) nêu vấn đề, đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phá sản, tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Điều 8 của Luật Phá sản hiện hành: Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của tòa phá sản trực thuộc tòa án nhân dân khu vực đó.

ĐBQH Cầm Hà Chung (Phú Thọ) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Cầm Hà Chung (Phú Thọ) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị, không nên thành lập tòa chuyên trách phá sản, trong trường hợp có thành lập, thì quy định như thảo Luật cũng chưa bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Tổ chức tòa án nhân dân.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 11 dự thảo Luật sửa đổi Điều 60 của Luật Tổ chức tòa án nhân dân hiện hành quy định: thành lập các tòa chuyên trách gồm tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ tại một số tòa án nhân dân khu vực.

Như vậy, không phải tất cả các tòa án khu vực đều có tòa án phá sản để giải quyết vụ việc trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của tòa phá sản trực thuộc tòa án nhân dân khu vực đó. Đại biểu đề nghị, cần làm rõ thẩm quyền xét xử đối với tòa khu vực không có tòa phá sản.

Đại biểu cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần giải thích rõ cụm từ “hợp tác xã đăng ký doanh nghiệp”, vì trong Luật Hợp tác xã hiện hành không có cụm từ chỉ dẫn này.

Về thẩm quyền tòa án chuyên trách, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định thành lập tòa án chuyên trách của tòa án sơ thẩm khu vực.

ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tòa án nhân dân, đại biểu cho rằng, cần xây dựng mô hình tổ chức tòa án phù hợp, đáp ứng yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu lực, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, nên mạnh dạn xem xét phương án phù hợp trong bối cảnh mới. Theo đó, có phương án đề xuất giao Ủy ban thẩm phán của UBND tỉnh giám đốc thẩm cả những bản án của tòa án cấp tỉnh. Điều này sẽ bảo đảm giảm bớt một phần số lượng rất lớn đơn không đẩy lên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, sẽ phát sinh vấn đề quyết định giám đốc thẩm này sẽ bị giám đốc thẩm lần nữa, từ đó sẽ gây chồng chéo. Do đó, đại biểu lưu ý, cần xem xét kỹ lưỡng nội dung này.

Liên quan đến thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) tán thành với ý kiến của đại biểu Nguyễn Công Long.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Theo đại biểu, đối với những bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải chuyển lên Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ bị dồn việc rất nhiều. Cần cân nhắc thêm có nên giao cho Ủy ban thẩm phán cấp tỉnh giám đốc thẩm ngay cả bản án mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã xét xử hay không?

Đại biểu cho biết, trong dự thảo Luật, tất cả các vụ án dân sự, kinh tế, hành chính, phá sản, thì việc xét xử sơ thẩm đều giao cho Tòa án nhân dân khu vực, đây là điểm đổi mới so với Luật hiện hành.

Theo quy định hiện hành, có một số nội dung liên quan đến lĩnh vực dân sự do Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm; hay trong án hành chính, Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm tất cả các khiếu kiện của các cơ quan hành chính cùng cấp, thậm chí các khiếu kiện với Chủ tịch UBND và UBND huyện cũng do Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý giải quyết.

Tới đây, các thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ chuyển cho Tòa án nhân dân cấp khu vực xem xét, giải quyết. Với việc cơ cấu lại mô hình tổ chức tòa án ba cấp, việc giao thẩm quyền này cho Tòa án nhân dân khu vực xét xử sơ thẩm cũng cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị, cần quy định rõ theo hướng tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hành chính, nâng cao chất lượng của thẩm phán xét xử, thẩm phán công tác tại các tòa án sơ thẩm khu vực. Đây không chỉ liên quan đến năng lực chuyên môn mà còn cả bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán ở tòa án khu vực.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xay-dung-mo-hinh-to-chuc-toa-an-phu-hop-dap-ung-yeu-cau-sap-xep-bo-may-hieu-luc-hieu-qua-10372212.html
Zalo