Xây dựng luật cần thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực
Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Ngày 27/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ tiếp tục cho ý kiến về 4 nội dung quan trọng phục vụ Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV chuẩn bị khai mạc đầu tháng 5/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật (Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công); việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Cuộc họp cũng cho ý kiến về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam và một số nội dung liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).
Trước đó, để chuẩn bị các nội dung trình cấp có thẩm quyền, Thường trực Chính phủ, Chính phủ cũng nhiều lần thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật; dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy, cách tiếp cận, phương pháp luận để giải quyết vấn đề trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu phát triển; tuân thủ, chấp hành nghiêm các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, quán triệt sâu sắc và kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; rà soát, cắt giảm thủ tục rườm rà cùng thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, Thủ tướng nêu rõ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, năng cao năng lực thực thi và thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường quyền tự chủ với các doanh nghiệp.
Về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng cho rằng cần thiết kế cơ chế, chính sách vượt trội, thông thoáng, cạnh tranh hơn các trung tâm đang có, đồng thời có các công cụ để kiểm soát khi cần thiết, bảo đảm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".