Xây dựng, lựa chọn đội ngũ cán bộ: Việc hệ trọng của Đảng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (Kỳ 4): Không chủ quan, nóng vội, đốt cháy giai đoạn khi giới thiệu, lựa chọn nhân sự

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, đối với cán bộ giữ vị trí, trọng trách càng cao thì càng phải lựa chọn thận trọng, chặt chẽ. Phải tuyệt đối tránh chủ quan, nóng vội, đốt cháy giai đoạn trong giới thiệu, lựa chọn nhân sự.

Cán bộ đặt cái tôi lên trên sẽ dễ mắc sai lầm

- Phóng viên: Năm 2024 là năm rất quan trọng trong xem xét, quy hoạch, lựa chọn nhân sự cho khóa tới. Song thực tế, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành quyết liệt trong 3 nhiệm kỳ gần đây đã có tác động rất lớn đến việc lựa chọn nhân sự khóa mới, thưa ông?

- Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Thứ nhất, phải khẳng định trong mỗi kỳ Đại hội Đảng, công tác nhân sự là một nội dung quan trọng vì không những quyết định đến kết quả thực hiện Nghị quyết của Đại hội mà còn liên quan đến vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, quốc gia, dân tộc. Thứ hai, Nghị quyết của Đại hội XIII khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Từ khẳng định đó có thể nhận định, đội ngũ cán bộ của chúng ta 30 năm qua đã có sự phát triển vượt bậc về mặt số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Đảng, của đất nước.

Đề cao trách nhiệm, phát huy dân chủ, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tham mưu, lựa chọn nhân sự

Đề cao trách nhiệm, phát huy dân chủ, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tham mưu, lựa chọn nhân sự

Đảng ta luôn luôn chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Đội ngũ cán bộ của chúng ta đã trưởng thành về mọi mặt, không chỉ về phẩm chất chính trị, năng lực mà cả về chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ vẫn là những hạn chế, bất cập, ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng. Nhận thức được mối nguy hại của tham nhũng, tiêu cực với công tác cán bộ, Đảng ta qua nhiều kỳ Đại hội, đặc biệt là từ Đại hội XIII, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, không có vùng cấm, kể cả ở cấp cao nhất. Đây là tiền đề quan trọng làm trong sạch đội ngũ cán bộ, góp phần sàng lọc nhân sự được lựa chọn cho Đại hội XIV, để những người được chọn thực sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác.

- Hiện nay chúng ta có một quy trình làm nhân sự được đánh giá là chặt chẽ, nhiều khâu, nhiều bước. Tuy nhiên, nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta vẫn để lọt những cán bộ không đủ đức, đủ tài vào cấp ủy, dẫn đến hậu quả là nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?

- Theo dõi quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, chúng ta thấy chỉ riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cấp đã thi hành kỷ luật 141 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó, có 31 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, 24 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC), đến nay, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 89 tổ chức đảng và 126 đảng viên, trong đó có 25 cán bộ diện Trung ương quản lý. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị đã xử lý kỷ luật 80 tổ chức đảng, 190 đảng viên. Theo thống kê của Ban Nội chính Trung ương, từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay đã có 32 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác, trong đó có 7 ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư và 10 Ủy viên Trung ương. Đây là những con số hết sức đau xót.

Thực tế, quy trình trong công tác cán bộ được làm bài bản, thận trọng, nhiều khâu, nhiều bước, nhưng vì sao vẫn xảy ra tình trạng cán bộ vi phạm, bị xử lý ở các mức độ khác nhau, kể cả cán bộ cấp cao? Tôi cho rằng, về mặt khách quan, đánh giá cán bộ là một công việc khó. Đại hội XII của Đảng chỉ ra: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”.

Thực tế, chúng ta chỉ có thể đánh giá một con người thông qua những hành vi biểu hiện ra bên ngoài của người đó chứ không thể biết được trong đầu họ suy nghĩ gì. Nếu bản thân người trong cuộc không tự bộc lộ điểm yếu của mình, thì người bên ngoài khó có thể chỉ ra chính xác được những mặt yếu đó. Hơn nữa, nếu người đó có chức, có quyền, cấp dưới lại càng khó thẳng thắn nêu ra. Đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh đã diễn ra từ lâu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Có người bảo tôi: “Bác ở Trung ương nói dễ hơn, chúng cháu ở địa phương nói xong thì tuần sau có khi ra khỏi bộ phận đấy”.

Về mặt chủ quan, có những cán bộ khi đã vào Trung ương, do môi trường, điều kiện công tác phát sinh những vấn đề mới mà không đấu tranh được với bản thân dẫn đến vi phạm. Những vi phạm xảy ra là do bản thân cán bộ thiếu bản lĩnh chính trị, không tu dưỡng, rèn luyện nên bị thoái hóa, biến chất, khi có quyền lực trong tay bị tha hóa bởi quyền lực.

Thế hệ chúng tôi hầu như không có chuyện “chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp”... nhưng hiện nay thì tình trạng này cần phải lưu tâm. Tiền tài, danh vọng có sức hấp dẫn ghê gớm. Đồng tiền có ma lực làm cho cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, không kể ở cấp nào. Đó là mặt trái của kinh tế thị trường. Mặc dù, chúng ta đã xác định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng khi phát triển kinh tế nhiều thành phần thì thu nhập khác nhau. Từ thu nhập khác nhau dẫn đến mức sống khác nhau. Mức sống khác nhau thì suy nghĩ không giống nhau. Khi cán bộ đặt cái tôi lên trên sẽ dễ mắc sai lầm, khuyết điểm.

Quy trình không phải là chìa khóa vạn năng

- Vậy làm thế nào để nhận ra sự khéo léo che đậy, tránh hiện tượng “thấy đỏ tưởng chín” ở một bộ phận cán bộ trong khi triển khai quy trình nhân sự, thưa ông?

- Quy trình không phải là chìa khóa vạn năng. Sinh thời, Bác Hồ từng dạy: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”. Thực tế, ngay từ Đại hội VI, Đảng ta đã đưa ra chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Đại hội VII, VIII, IX, X tiếp nối chủ trương đó. Nghĩa là, một thời gian rất dài, chúng ta đề cập đến nhưng kết quả không cao mà chỉ từ Đại hội XI, XII đến nay mới triển khai thực sự mạnh mẽ. Thành công của Đại hội XI, XII và XIII chính là ở chỗ chúng ta đã vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ khi Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và thể hiện quyết tâm cao độ thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gần đây đã đạt được hiệu quả đáng ghi nhận. Công tác nhân sự cũng vậy, để không vấp phải tình trạng “nhìn gà hóa cuốc”, “thấy đỏ tưởng chín” thì ngay từ cấp cơ sở, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các khâu, các bước.

Thực tế, nhiều cán bộ cấp cao vi phạm ở những vụ việc từ cách đây 5 năm, 7 năm, thậm chí hơn 10 năm trước. Rõ ràng, để có thể “trèo cao, chui sâu” vào được vị trí lãnh đạo cấp chiến lược, những cá nhân này đã khéo léo che đậy “bộ mặt thật” của mình. Đây là vấn đề liên quan đến công tác đánh giá cán bộ, quản lý cán bộ của tất cả các cấp nhưng bắt đầu từ cấp cơ sở. Với thực tế nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao vi phạm phải xử lý, nếu chúng ta kịp thời ngăn chặn, giám sát quyền lực chặt chẽ từ thời kỳ họ còn ở địa phương thì có thể đã không bị mất nhiều cán bộ như vừa qua.

Nhiều địa phương đã đưa nội dung Quy định số 144-QĐ/TW vào tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm

Nhiều địa phương đã đưa nội dung Quy định số 144-QĐ/TW vào tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm

- Thưa ông, bên cạnh quy trình quy hoạch đào tạo, bổ nhiệm qua nhiều bước; việc đánh giá, xếp loại cán bộ, Đảng viên là một khâu rất quan trọng của công tác cán bộ. Hàng năm, các vị trí cán bộ lãnh đạo còn phải kê khai tài sản. Tuy nhiên, qua những vụ việc tham nhũng, tiêu cực vừa qua, có ý kiến cho rằng, những công cụ kiểm soát này còn mang nặng tính hình thức?

- Cùng với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tôi cho rằng thời gian gần đây việc đánh giá, xếp loại cán bộ đã có chuyển biến, nhưng nhìn chung vẫn chưa thể hiện thực chất vấn đề. Trong tất cả những vụ án tham nhũng vừa qua, đặc biệt là những vụ án trọng điểm do Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo đưa ra xét xử, những cán bộ vi phạm trước đó đều là những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng ta phải thẳng thắn với nhau rằng, việc thờ ơ về mục đích, ý nghĩa của công tác kiểm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên cuối năm còn diễn ra ở nhiều nơi.

Vẫn còn tình trạng né tránh, nể nang, ngại va chạm, một số nơi kiểm điểm tập thể chưa gắn với trách nhiệm cá nhân. Thực tế cho thấy, chỉ có đánh giá đúng phẩm chất, năng lực thì việc tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động... cán bộ mới có được sự chính xác, khách quan. Ngược lại, nếu đánh giá, xếp loại cán bộ, phản ánh chưa thực chất, chủ quan, thiên lệch sẽ vô cùng nguy hiểm, dẫn đến việc bố trí, sử dụng không đúng người, nhất là khi bố trí sai cán bộ chủ chốt, người đứng đầu.

Giám sát quyền lực phải được thực hiện đến nơi đến chốn

- Từ những bất cập ông vừa nêu, xin ông cho biết, để lựa chọn được người đủ đức, đủ tài cho nhiệm kỳ tới, các cấp ủy Đảng cần lưu ý điều gì?

- Chưa khi nào công tác lựa chọn nhân sự cho đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương lại được nhân dân quan tâm như hiện nay. Rút kinh nghiệm từ những bất cập đã nêu, tôi cho rằng có mấy điểm sau:

Thứ nhất, công tác giám sát quyền lực phải được thực hiện đến nơi đến chốn, không chỉ là từ các cơ quan của Đảng, cơ quan của Nhà nước mà cần có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Rất nhiều vụ án lớn cũng từ nhân dân phát hiện, vì muốn biết quan chức có bao nhiêu xe, bao nhiêu nhà, đất, tài sản bất minh, có giàu nhanh bất thường hay không thì nào cần đâu xa, hỏi dân là biết tường tận. Điển hình là vụ án của Trịnh Xuân Thanh (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) bắt đầu lộ diện vào tháng 6-2016 khi nhân dân phát hiện, phản ánh việc Trịnh Xuân Thanh sử dụng chiếc xe ô tô nhãn hiệu Lexus trị giá khoảng 5 tỷ đồng mang biển kiểm soát màu xanh 95A-0699 chạy thản nhiên trên đường phố miền Tây gây xôn xao dư luận.

Những ý kiến, phản ánh của nhân dân, cử tri, người dân nơi công tác, cư trú, cũng như từ các tổ chức chính trị - xã hội luôn thực sự chuẩn xác, đáng tin cậy trong lựa chọn nhân sự cho đại hội các cấp. Chẳng hạn, trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, MTTQ Việt Nam có trách nhiệm hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đối với những trường hợp lấy ý kiến nơi địa bàn dân cư, nếu phát hiện trường hợp không đủ tiêu chuẩn, cơ quan MTTQ có thể đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, bên cạnh lấy ý kiến nhân dân, người được tín nhiệm lựa chọn làm Chủ tịch MTTQ các cấp cũng phải có bản lĩnh dám làm, dám chịu trách nhiệm. Hiện nay, Chủ tịch MTTQ được cơ cấu trong Thường vụ. Vì các đồng chí đó đều trong cấp ủy và dưới sự chỉ đạo của Bí thư nên không ít trường hợp sợ uy quyền của người đứng đầu. Vừa qua, khá nhiều người đứng đầu cấp ủy địa phương đã bị xử lý kỷ luật dẫn tới cả tập thể Ban Thường vụ bị kỷ luật theo, chúng ta cần nghiêm túc rút ra những bài học để không tiếp tục đi vào “vết xe đổ” như thế.

Thứ hai, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Những sai phạm của các cán bộ giai đoạn vừa rồi, nếu để ý kỹ, chúng ta thấy trong các thông báo của Ủy ban Kiểm tra các cấp thường có câu: “Không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ…”. Đại hội XIII cũng đã khẳng định, quy chế dân chủ đã không được quan tâm đúng mức. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không được cấp ủy một số nơi thực hiện nghiêm túc. Vì thế, sau mỗi nhiệm kỳ đại hội Đảng, nhất là khóa XIII vừa rồi, chúng ta một lần nữa cần rút ra những kinh nghiệm xương máu, chuẩn bị chu toàn hơn, cặn kẽ hơn, hiệu quả hơn cho quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Tựu trung lại, muốn lựa chọn được cán bộ đủ đức, đủ tài, trước hết những người làm công tác tham mưu cho đại hội về vấn đề nhân sự phải thực sự là những người khách quan, công tâm, bám sát và giữ vững nguyên tắc, quy trình; đề cao trách nhiệm, phát huy dân chủ, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tham mưu, lựa chọn nhân sự; phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về chất lượng tham mưu, giới thiệu.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu. Cán bộ giữ vị trí, trọng trách càng cao thì càng phải lựa chọn thận trọng, chặt chẽ đặc biệt là những trường hợp vào Trung ương. Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác dân vận, mặt trận, tôi thấy khi lựa chọn người đứng đầu cần mất nhiều công sức, phải tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc bước thẩm tra, xác minh; rà soát kỹ càng hiệu quả thực tế công việc mà ứng viên đưa ra để bầu từng được phân công đảm nhiệm trước đó… tránh chủ quan, nóng vội, đốt cháy giai đoạn trong giới thiệu, lựa chọn nhân sự.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Quy định 144-QĐ/TW: Tiêu chí để lựa chọn nhân sự cấp ủy khóa mới

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” diễn ra trung tuần tháng 11-2024 nêu ra 7 nhóm giải pháp để khắc phục những khó khăn, thách thức, thúc đẩy tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Trung tướng, PGS. TS Nguyễn Văn Bạo - Giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Theo PGS. TS Nguyễn Văn Bạo, cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đáp ứng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo Quy định số 144 - QĐ/TW, ngày 9-5-2024, của Bộ Chính trị, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết.

Theo đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Có ý chí, quyết tâm cao, sẵn sàng dấn thân, hy sinh lợi ích cá nhân; Dám đi đầu, đổi mới, loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu; khơi thông “điểm nghẽn”, giải quyết vướng mắc, ách tắc trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ… Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các trường hợp là nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, có năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trên từng lĩnh vực, địa bàn…

Ngay sau khi được ban hành, Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới được nhiều địa phương xem là kim chỉ nam để tổ chức Đảng các cấp chuẩn bị nhân sự; là cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ để đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới. Đây phải là những cán bộ vừa có đức, vừa có tài để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị thời gian tới. Quy định số 144-QĐ/TW được ban hành không chỉ là chuẩn mực để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa” không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để hoàn thiện bản thân mà còn là những tiêu chuẩn để sàng lọc, sử dụng cán bộ của Đảng; đồng thời để tổ chức, nhân dân có thể giám sát, đánh giá cán bộ, đảng viên... Nhiều địa phương đã đưa nội dung Quy định số 144-QĐ/TW vào tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm.

Phương Mai

(Còn tiếp)

Phạm Phương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xay-dung-lua-chon-doi-ngu-can-bo-viec-he-trong-cua-dang-trong-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-ky-4-khong-chu-quan-nong-voi-dot-chay-giai-doan-khi-gioi-thieu-lua-chon-nhan-su-post597044.antd
Zalo