Xây dựng LLVT tỉnh Hậu Giang vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu
Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai nhiều hoạt động thi đua sôi nổi; góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Văn Thân, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang xoay quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang cho biết, kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có ý nghĩa đặc biệt như thế nào đối với LLVT tỉnh?
Đại tá Phạm Văn Thân: Đây là dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, là dịp để LLVT tỉnh ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc; là nguồn cảm hứng, động lực to lớn để cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, quyết tâm rèn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Cần nhấn mạnh rằng, vùng đất Hậu Giang hôm nay có một phần là địa bàn đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt trong những năm kháng chiến; tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân ta lúc bấy giờ, tiếp tục là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cho thế hệ hôm nay.

Đại tá Phạm Văn Thân, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong bảo vệ thành quả cách mạng mà các thế hệ cha anh đã đổ xương máu để giành được. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá, việc ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang càng có ý nghĩa quan trọng, giúp bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ.
PV: Để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm trọng đại này, Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang đã triển khai những phong trào, hoạt động cụ thể nào, thưa đồng chí?
Đại tá Phạm Văn Thân: Thực hiện chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 9, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang, chúng tôi đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “50 ngày chiến thắng”, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, phát triển, hiệu quả”. Phong trào thi đua được triển khai rộng khắp từ cơ quan Bộ CHQS tỉnh, đến các đơn vị trực thuộc, Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn.
Cụ thể, chúng tôi tập trung vào 3 trọng tâm: Nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới; tăng cường công tác dân vận, thực hiện tốt phong trào “LLVT tỉnh chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, chương trình “xóa nhà tạm, nhà dột nát”… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tổ chức thành công các hội thi như: “Khỏe để bảo vệ Tổ quốc”, “Triển lãm sách chuyên đề chiến thắng 30-4”, “Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch, “Tiếng hát người quân nhân cách mạng”, tổ chức chiếu phim…
PV: Đối với công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các đồng chí đã có những biện pháp cụ thể như thế nào nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ?.
Đại tá Phạm Văn Thân: Quán triệt sâu sắc quan điểm “Huấn luyện sát thực tế chiến đấu, sát đối tượng tác chiến, sát địa bàn phòng thủ”, chúng tôi đã chuyển hướng mạnh sang “huấn luyện theo phương châm sát thực tế chiến đấu”, tăng cường các bài tập thực hành, thực hành tác chiến trong các môi trường khác nhau. Đặc biệt, chúng tôi tổ chức các cuộc luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thành phố và diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn với quy mô lớn, có sử dụng vũ khí trang bị tại các địa bàn trọng điểm.
Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ số vào huấn luyện thông qua các phần mềm mô phỏng, hệ thống đánh giá trực tuyến, giúp nâng cao hiệu quả và tính thực tiễn trong huấn luyện; thực hiện chương trình “Quân đội thông minh”, bước đầu đã xây dựng “Thư viện điện tử” với những giáo án điện tử, bài giảng, phục vụ công tác huấn luyện.

Đại tá Phạm Văn Thân, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang (ngoài cùng bên phải) kiểm tra công tác bảo đảm hậu cần cho chiến sĩ mới.
Chúng tôi cũng đổi mới phương pháp huấn luyện theo hướng tự học, tự rèn của cán bộ, chiến sĩ, kết hợp với tổ chức các đợt thi đua “Khoa học quân sự - Sáng kiến cải tiến” để nâng cao hiệu quả huấn luyện. Năm 2025, toàn tỉnh đã có hơn 20 sáng kiến, cải tiến trong huấn luyện, được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng huấn luyện các kỹ năng thích ứng với chiến tranh công nghệ cao, tác chiến không gian mạng và tác chiến điện tử.
PV: Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang đã kết hợp nhiệm vụ quân sự - quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội địa phương như thế nào, thưa đồng chí Chỉ huy trưởng?
Đại tá Phạm Văn Thân: Phát huy truyền thống “Quân với dân như cá với nước”, chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ kết hợp quân sự - quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Theo đó, chúng tôi đã tham mưu hiệu quả cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, tham mưu xây dựng và triển khai Đề án “Tăng cường kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025”, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tạo thế trận lòng dân vững chắc.
LLVT tỉnh luôn nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác sẵn sàng chiến đấu, xử trí các tình huống, không để bị động, bất ngờ; tham mưu thực hiện tốt công tác diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện và chiến đấu phòng thủ cấp xã hàng năm đạt theo chỉ tiêu nghị quyết.

LLVT tỉnh Hậu Giang tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh.
Ngoài ra, còn thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm về công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đảm bảo đúng luật và không ngừng nâng cao chất lượng. Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh chú trọng xây dựng lực lượng thường trực tinh nhuệ, lực lượng dự bị động viên sẵn sàng và lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh theo đúng quy định. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng theo kế hoạch.
Bộ CHQS tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; phối hợp với các đoàn thể tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho nhiều gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
PV: Đề nghị đồng chí Chỉ huy trưởng chia sẻ về quyết tâm, phương hướng của LLVT tỉnh Hậu Giang sau dịp kỷ niệm này?
Đại tá Phạm Văn Thân: Kế thừa và phát huy tinh thần chiến thắng 30-4, chúng tôi xác định phải tiếp tục phát huy tinh thần chiến thắng. Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng lực lượng thường trực tinh, gọn, mạnh; lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp; phấn đấu 100% cán bộ chỉ huy các cấp được đào tạo cơ bản và nâng cao về lý luận chính trị, quân sự, pháp luật; 95% đơn vị đạt tiêu chuẩn vững mạnh toàn diện”, “mẫu mực, tiêu biểu”; xây dựng dân quân tự vệ đạt 1,5% dân số.
Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”.
Tinh thần chiến thắng 30-4 sẽ mãi là nguồn sức mạnh to lớn, thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Hậu Giang nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
PV: Xin cảm ơn đồng chí đã dành thời gian cho cuộc trao đổi!
ĐỨC NGHĨA (thực hiện)