Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan: TP.HCM trân trọng, lắng nghe kiều bào hiến kế trong kỷ nguyên mới
TP.HCM đang bước vào những ngày lịch sử, khi toàn TP cùng cả nước hân hoan chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
50 năm qua, nhiều kiều bào đã trở về và mang theo khát vọng được cống hiến, chung tay xây dựng TP.HCM phát triển hơn nữa trong kỷ nguyên mới.
Trong dịp đặc biệt này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vai trò của kiều bào, đồng thời kêu gọi sự chung tay của đồng bào xa xứ trong hành trình phát triển mới của TP.
Hành trình 50 năm của kiều bào với TP.HCM
. Phóng viên: 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước là một hành trình đầy thăng trầm với nhiều đổi thay của TP.HCM. Trong chặng đường đó, kiều bào có vai trò, đóng góp như thế nào, thưa ông?
+ Ông Võ Văn Hoan: Ngay sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, TP.HCM bước vào giai đoạn mới với rất nhiều khó khăn. Lúc bấy giờ, dù đất nước còn bị bao vây cấm vận nhưng kiều bào đã vượt qua nhiều rào cản để quay về, mang theo kiến thức, kinh nghiệm giúp TP.HCM chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường sau năm 1986. Họ đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các chính sách, cơ chế cởi mở, tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp.
Ngoài ra, với tấm lòng luôn hướng về quê hương, kiều bào cũng tìm nhiều cách thức để gửi về quê hương những món quà, bưu kiện, vật phẩm thiết yếu, đặc biệt là ngoại tệ - đặt nền móng đầu tiên cho dòng kiều hối. Không chỉ hỗ trợ người thân, họ còn góp phần làm “ấm” nền kinh tế TP.HCM trong giai đoạn hậu chiến đầy khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan (phải) trò chuyện cùng kiều bào nhân dịp chương trình Xuân quê hương 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đến cuối thập niên 1990, khi Việt Nam chính thức gia nhập các tổ chức quốc tế và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, kiều bào tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình hội nhập của đất nước. Kiều bào chính là những cầu nối quan trọng, những đại sứ ngoại giao nhân dân kết nối đưa các doanh nghiệp, các đối tác quốc tế đến với TP.HCM.
Lượng kiều hối là một trong những đóng góp rõ rệt trong giai đoạn này. Kiều hối gửi về TP.HCM mỗi năm chiếm 40%-50% tổng lượng kiều hối cả nước, góp phần tích cực vào việc cải thiện đời sống người dân, thẩm thấu vào nền kinh tế thông qua tiêu dùng, đầu tư, sản xuất, kinh doanh…
Bước vào giai đoạn hội nhập, đặc biệt là sau Đại hội Đảng lần thứ XII và XIII, Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới. Lúc này, kiều bào là cầu nối khơi thông dòng chảy chuyển giao khoa học công nghệ và chất xám.
Trong bối cảnh TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế và đổi mới sáng tạo, kiều bào, với khả năng tiếp cận các công nghệ tiên tiến và hiểu biết về thị trường quốc tế, đóng vai trò không nhỏ. Kiều bào đã tham gia vào các dự án công nghệ cao, đầu tư vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, công nghiệp 4.0…

Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe kiều bào góp ý về Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030”. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, dự án khoa học và công trình lớn của TP.HCM cũng có dấu ấn đóng góp của kiều bào. Một trong những dự án nổi bật là Khu công nghệ cao TP.HCM, nơi có sự tham gia của nhiều kiều bào trong vai trò các nhà đầu tư và chuyên gia tư vấn công nghệ, tạo ra môi trường sáng tạo và thuận lợi cho các dự án đầu tư quốc tế.
Nhiều doanh nhân kiều bào cũng đã quay về TP.HCM lập nghiệp, thành lập công ty, xây dựng nhà máy phát triển sản xuất, kinh doanh và giải quyết lao động cho địa phương và đóng góp vào làm cầu nối đưa hàng hóa của TP sang các thị trường có đông người Việt sinh sống.
Một trong những nguồn lực mà kiều bào đóng góp không mệt mỏi là chất xám, tri thức thông qua các hoạt động như tham gia hiến kế về chính sách, cơ chế, giải pháp để TP.HCM cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp nước ngoài. TP luôn lắng nghe và coi trọng ý kiến từ kiều bào, đặc biệt là những chuyên gia, nhà khoa học kiều bào trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách như góp ý cho đồ án quy hoạch chung TP, chiến lược xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, Nghị quyết 98…
Cơ hội cho kiều bào trong kỷ nguyên vươn mình
. TP đã và sẽ làm gì để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào tiếp tục quay về cống hiến, thưa ông?
+ Trước tiên phải khẳng định rằng chính quyền TP.HCM luôn đặc biệt coi trọng tiếng nói và sự đóng góp của cộng đồng kiều bào.
Trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách lớn, đặc biệt là khi chuẩn bị và triển khai Nghị quyết 98, TP.HCM đã chủ động tổ chức hàng loạt hội thảo, tọa đàm mời các chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia góp ý. TP cũng chủ động theo dõi, tiếp nhận ý kiến của kiều bào thông qua các tọa đàm, hội thảo do các cơ quan báo chí, trường ĐH… tổ chức. Đồng thời, tiên phong ứng dụng công nghệ để lắng nghe kiều bào qua các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội. Cụ thể, TP đã triển khai phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội” để người dân, trong đó có cả kiều bào, phản ánh, góp ý, kiến nghị đến chính quyền một cách thuận tiện và minh bạch.

Các kiều bào gặp nhau nhân dịp đầu năm mới 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI
Tất cả góp ý, hiến kế từ kiều bào luôn được chính quyền TP.HCM tiếp cận với tinh thần cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, có phản hồi và quyết liệt triển khai. Qua đó, TP cũng đã ghi nhận và có nhiều hình thức biểu dương, khen thưởng, vinh danh những đóng góp quý báu của cộng đồng kiều bào ta ở các nước đối với TP.
Nhiều năm qua, TP cũng đã triển khai hàng loạt chính sách để thu hút kiều bào quay về đầu tư và cống hiến. Trước hết là cải cách hành chính sâu rộng, nhằm rút gọn thủ tục, giảm phiền hà, nâng cao chất lượng dịch vụ công và tăng tính minh bạch.
Song song đó là đẩy mạnh thu hút FDI và đầu tư kiều bào vào các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất, tiêu biểu như Khu công nghệ cao TP.HCM, Khu đô thị sáng tạo phía đông (TP Thủ Đức). Đáng chú ý, việc triển khai Nghị quyết 98 đã mở ra không gian phát triển mới với các cơ chế đặc thù, cho phép TP chủ động trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn như hạ tầng, chuyển đổi số, giáo dục, y tế và đô thị thông minh.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trò chuyện với kiều bào "nhí" tham gia chương trình Xuân Quê hương 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI
Hiểu được tầm quan trọng của nguồn lực kiều hối với sự phát triển, mới đây TP.HCM cũng đã ban hành Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030”. Qua đó, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hơn, phát huy tối đa hiệu quả nguồn kiều hối, góp phần củng cố, đồng bộ với các chính sách huy động nguồn lực phát triển TP.
. Trong bối cảnh TP.HCM cùng cả nước thực hiện quyết liệt Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông đánh giá như thế nào về cơ hội của kiều bào trong lĩnh vực này?
+ TP.HCM xác định bản thân có trách nhiệm tiên phong trong triển khai thực hiện Nghị quyết 57. Tôi cho rằng đây chính là thời điểm “vàng” để cộng đồng kiều bào tham gia mạnh mẽ vào sự chuyển mình của TP. Bởi kiều bào có những lợi thế như năng lực chuyên môn cao, mối quan hệ với bạn bè quốc tế và am hiểu về các công nghệ mới. Do đó, nếu được tạo điều kiện đúng mức, kiều bào hoàn toàn có thể đóng vai trò dẫn dắt trong việc đưa các công nghệ tiên tiến, mô hình đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn… vào Việt Nam - bắt đầu từ TP.HCM.

Kiều bào tham quan địa đạo Củ Chi nhân dịp đầu xuân 2025. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Kiều bào thích thú khi tham quan địa đạo Củ Chi. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
TP.HCM sẽ triển khai hàng loạt hành động cụ thể để đón làn sóng đầu tư, chất xám và công nghệ từ kiều bào, gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết 57. Điển hình như kiến nghị Trung ương cho phép thí điểm các cơ chế đặc thù để thu hút chuyên gia, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài, phù hợp với định hướng “có chính sách đặc biệt về nhân tài” trong Nghị quyết 57. Đây không chỉ là những chính sách hỗ trợ về tài chính cho trí thức kiều bào, mà còn tạo môi trường làm việc, cơ hội phát triển và sự ghi nhận xứng đáng.
Tiếp tục thúc đẩy thương mại hóa các công trình nghiên cứu - đây là điểm mới được nhấn mạnh trong Nghị quyết 57 và cũng là ưu tiên của TP. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng các gói tài chính, chính sách ưu đãi và tư vấn pháp lý để kiều bào có thể dễ dàng đầu tư, hợp tác hoặc thành lập doanh nghiệp tại TP.HCM. Phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ Việt Nam gắn với nhanh chóng tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới.
. Trong thời khắc ý nghĩa này, ông muốn nhắn nhủ điều gì tới bà con kiều bào đang dõi theo từng bước phát triển của TP.HCM?
+ Trong thời khắc hết sức đặc biệt khi TP.HCM cùng cả nước long trọng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi xin được gửi đến cộng đồng kiều bào lời tri ân chân thành.
Bản thân tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ, trò chuyện với bà con kiều bào ở khắp nơi trên thế giới, từ các trí thức, nhà nghiên cứu, doanh nhân đến những người lao động xa quê… Mỗi cuộc gặp đều để lại trong tôi sự xúc động và trân trọng sâu sắc.
Tôi biết rằng cuộc sống ở nước ngoài, dù ở bất kỳ vị trí nào, lĩnh vực nào, cũng đều có những khó khăn riêng. Nhưng điều khiến tôi vô cùng cảm phục là dù trong hoàn cảnh nào, bà con kiều bào vẫn luôn giữ gìn bản sắc dân tộc, vẫn hướng về quê hương, về TP.HCM bằng cả tấm lòng.
TP rất biết ơn những đóng góp thầm lặng và bền bỉ của kiều bào, từ việc gửi gắm những đồng kiều hối hỗ trợ gia đình, đầu tư vào quê hương, cho đến việc hiến kế, chia sẻ tri thức, công nghệ, và làm cầu nối giữa TP.HCM với bạn bè quốc tế. Những điều đó không chỉ góp phần giúp TP phát triển, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó không biên giới của người Việt Nam.
Tôi mong rằng, sự kiện 50 năm thống nhất đất nước sẽ là dịp để mỗi người Việt Nam, dù đang sống trong nước hay ở nước ngoài, cùng nhìn lại chặng đường phát triển đáng tự hào của đất nước, của TP.HCM và tiếp tục vun đắp cho tương lai chung. TP luôn rộng mở cánh cửa, sẵn sàng lắng nghe và đồng hành cùng bà con kiều bào trong mọi hành trình đóng góp cho quê hương.
Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của kiều bào trong chặng đường phát triển mới đầy khát vọng và cơ hội của TP.HCM.
. Xin cảm ơn ông.
Hôm nay, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM”
Vào lúc 8 giờ hôm nay (22-4), báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tổ chức Tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM” nhằm lắng nghe góp ý của kiều bào giúp TP.HCM bước vào kỷ nguyên mới.
Suốt hành trình phát triển của đất nước, kiều bào ta là một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam và đã có những đóng góp tích cực, thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM. Tại TP.HCM đang có khoảng 500 chuyên gia, trí thức người Việt Nam từ nhiều quốc gia trở về hợp tác, làm việc dài hạn. Hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư đang hoạt động với tổng số vốn vượt 45.000 tỉ đồng.
Từ năm 2012 đến 2024, kiều hối chuyển về TP.HCM qua các kênh chính thức đạt hơn 77 tỉ USD. Riêng năm 2024, con số này là 10,03 tỉ USD (tương đương khoảng 260.000 tỉ đồng). Thực tế cho thấy cộng đồng kiều bào không chỉ đóng góp về tài chính, đầu tư, chuyên môn… mà còn là nguồn lực quý giá với nhiều sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển bền vững của TP.HCM.
TP.HCM - với vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước, đang bước vào giai đoạn phát triển mới, cũng đang hướng đến phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng xanh, bền vững, nhằm trở thành trung tâm tài chính, khoa học và đổi mới sáng tạo hàng đầu trong khu vực.
Đáng chú ý, theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước, cùng với kỳ vọng của nhân dân, TP.HCM đang mở rộng không gian phát triển, kết nối với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong tiến trình này, vai trò và đóng góp, hiến kế của kiều bào sẽ càng trở nên thiết yếu.
Từ nhu cầu thực tiễn đó, Tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sẽ là dịp để lắng nghe những hiến kế mang tính chiến lược và hành động từ các chuyên gia kiều bào. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong dịp này, báo Pháp Luật TP.HCM sẽ ra mắt chuyên mục mới “Pháp lý cho kiều bào” nhằm giúp giải đáp các thắc mắc pháp luật của kiều bào đối với các vấn đề về kinh doanh, hành chính, tư pháp, hộ tịch, dân sự, hình sự…
Tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM” sẽ được tổ chức tại trụ sở báo Pháp Luật TP.HCM, số 34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM.
HUỲNH THƠ
Những gửi gắm, đặt hàng của TP.HCM
Chúng ta đang đứng trước một giai đoạn rất đặc biệt - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong hành trình này, TP.HCM xác định không thể đi một mình mà rất cần sự chung tay của tất cả nguồn lực, đặc biệt là cộng đồng kiều bào. Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng chính quyền TP.HCM luôn cởi mở và hết sức trân trọng những ý kiến đóng góp từ kiều bào. Một trong những lĩnh vực mà chúng tôi rất mong nhận được sự hiến kế của kiều bào là việc sắp xếp bộ máy TP.HCM theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, sáp nhập tỉnh.
Cụ thể, chúng tôi rất cần những ý tưởng sáng tạo, những phân tích chuyên sâu từ kiều bào, những người có kinh nghiệm, am hiểu về các mô hình quản lý, tổ chức, đặc biệt là từ góc nhìn quốc tế để góp ý cho TP.HCM. Những đóng góp đó sẽ góp phần tạo ra một bộ máy chính quyền TP mạnh mẽ, linh hoạt và có khả năng ứng phó tốt hơn với những thách thức của kỷ nguyên mới.
Bên cạnh đó, việc thu hút doanh nghiệp kiều bào lớn, đặc biệt là những “đại bàng” trong lĩnh vực đầu tư và công nghệ, những chuyên gia kiều bào là “tổng công trình sư” có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực là mục tiêu quan trọng của TP. Tôi mong rằng kiều bào có thể đóng vai trò như những cầu nối chiến lược, giúp TP.HCM kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, mang lại các cơ hội đầu tư quốc tế.
TP.HCM cam kết luôn đồng hành cùng kiều bào trong mọi bước đi phát triển. Chính quyền TP luôn cởi mở, sẵn sàng tiếp thu mọi đóng góp, giúp xây dựng các cơ chế, chính sách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào có thể phát huy tối đa tiềm năng, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của TP và đất nước.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM VÕ VĂN HOAN
Ông JOHNATHAN HẠNH NGUYỄN, kiều bào Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương:
Đặt hàng kiều bào về ngoại giao nhân dân
Là một công dân Việt Nam thì dù ở trong nước hay nước ngoài, chỉ cần chạy trong người dòng máu Việt thì luôn sẵn sàng chung tay giúp sức khi đất nước cần. Như đợt bão Yagi, rất nhiều kiều bào đã gọi cho tôi hỏi có thể chuyển tiền về giúp đất nước, bà con ở vùng bão như thế nào… Đó là tấm lòng vô cùng trân quý của kiều bào.
Tôi nghĩ rằng trong hàng triệu kiều bào, có nhiều người cũng trăn trở và rất muốn làm gì đó cho đất nước nhưng họ chưa có cơ hội, chưa có điều kiện để đóng góp.
Nhìn nhận lại mới thấy rằng ngoài việc hỗ trợ kiều hối, thành lập công ty sản xuất, tạo ra công ăn việc làm… thì kiều bào còn một vai trò rất đặc biệt, đó là ngoại giao nhân dân. Tôi tin rằng nhiều kiều bào khác cũng có những mối quan hệ sâu rộng với các nước sở tại và họ sẵn sàng hành động khi đất nước cần.
Vì vậy, tôi mong đất nước mình sẽ giao nhiệm vụ, đặt hàng những nội dung cụ thể với kiều bào qua các cơ quan ngoại giao. Từ đó tạo điều kiện, cơ hội nhiều hơn cho kiều bào đóng góp vào sự phát triển của quê hương.
Bà TRẦN TUỆ TRI, kiều bào Singapore, đồng sáng lập Vietnam Brand Purpose:
Kiều bào cùng TP.HCM cất cánh
Tôi vẫn nhớ về TP.HCM những năm 1980, lúc ấy chưa có những tòa nhà cao tầng chọc trời, siêu thị lớn… nhưng giờ đây TP.HCM đã có những bước phát triển nhảy vọt và đang dần thu hẹp khoảng cách với những TP quốc tế lớn trong khu vực.
Đó là vì TP.HCM luôn giữ vai trò tiên phong, đột phá của cả nước. Trong suốt chặng đường phát triển, TP.HCM đã dám liên tục thử nghiệm nhiều mô hình mới. Đây cũng là nơi mà mọi người luôn cảm nhận được sự chào đón và rộng mở để dám được thử nghiệm những cái mới. Tôi tin dấu mốc 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thời khắc vàng để TP.HCM cất cánh.
Bên cạnh đó, tôi tin Nghị quyết 57 cũng là cơ hội giúp TP.HCM bay cao hơn. Từ nghị quyết này, TP có thể đặt hàng kiều bào giúp kết nối với các trường ĐH, các công ty hàng đầu trên thế giới về khoa học công nghệ để xây dựng trung tâm R&D hoặc các trung tâm khởi nghiệp về công nghệ.
Sau đó, cần tiếp tục có chính sách cụ thể hơn để tạo điều kiện, cơ hội cho các nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp chọn là TP là nơi nghiên cứu phát triển về khoa học công nghệ. TP.HCM cũng nên có chiến lược thu hút trí thức và đào tạo nhân lực trong nước để đáp ứng về công tác nhân sự cho các nhà đầu tư.
PGS-TS BÙI QUỐC BẢO, kiều bào Pháp, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng:
Kiều bào với vai trò “đồng kiến tạo giải pháp” phát triển TP.HCM
Kiều bào - đặc biệt là đội ngũ trí thức, chuyên gia đang làm việc tại các trung tâm khoa học công nghệ lớn trên thế giới - có rất nhiều cơ hội để đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của TP.HCM.
Hiện TP.HCM và các bộ, ngành đang chủ động kết nối với mạng lưới trí thức Việt toàn cầu, lắng nghe ý kiến của chuyên gia và sẵn sàng tạo cơ chế “đặt hàng” nghiên cứu, tư vấn chính sách. Đặc biệt, cơ hội này còn đến từ việc TP.HCM có sự chuyển biến trong tư duy chính sách, tạo điều kiện để kiều bào không chỉ truyền đạt tri thức mà còn “đồng kiến tạo giải pháp”, cùng TP.HCM bước vào những vùng đất mới về khoa học công nghệ mà thế giới đang cạnh tranh mạnh mẽ.
Có ba hành trang then chốt mà TP.HCM cần chuẩn bị để tiến vào kỷ nguyên mới. Đó là hành trang về tư duy mở, dám đổi mới và chấp nhận cái khác biệt. Hành trang về con người với đội ngũ nhân lực chất lượng cao và một thế hệ trẻ có khát vọng vươn lên. Hành trang về thể chế với một hệ sinh thái chính sách năng động, minh bạch. TP.HCM nên đi đầu trong việc thử nghiệm các mô hình quản trị đô thị hiện đại, các chính sách “sandbox” cho khoa học công nghệ và mạnh dạn đề xuất cơ chế đặc thù để có thể hành động nhanh hơn.
Ông LÊ HỒNG QUÂN, kiều bào Angola, Phó Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam - quốc tế (VIENC):
Có chính sách giữ chân nhân lực tinh hoa
Lợi thế phát triển khoa học công nghệ của TP.HCM chủ yếu đến từ con người. Do đó, cần có các cơ chế đặc thù để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế có trình độ cao đến Việt Nam sinh sống, làm việc. Nhiều quốc gia đã chủ động săn tìm những nhân tài công nghệ, trí tuệ nhân tạo, họ có chính sách đặc biệt để giữ chân nhân lực tinh hoa, TP.HCM cũng cần làm như vậy.
Ngoài ra, TP.HCM cần tiếp tục nâng tỉ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ và đào tạo lực lượng trẻ với kỹ năng ngoại ngữ và công nghệ thông tin vững vàng. Chúng ta cần phổ cập một thế hệ trẻ có kiến thức nền tảng về AI, giống như kiểu “bình dân học AI” để các bạn trẻ không bị đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu.