Xây dựng khu vực biên giới vững mạnh
Biên giới quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng, là tuyến đầu, là 'phên dậu', là cửa ngõ của mỗi quốc gia; được xây dựng, quản lý và bảo vệ cả thời bình và thời chiến. Sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới có ý nghĩa vô cùng quan trọng, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Thừa Thiên Huế đã nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng khu vực biên giới tỉnh ngày càng vững mạnh.
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của Việt Nam, nằm về phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ, ở giữa hai đầu đất nước, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Quân khu 4.
Tỉnh có đường biên giới đất liền dài 80,683km tiếp giáp với Lào, đường bờ biển dài 128km tiếp giáp với Biển Đông. Khu vực biên giới của tỉnh có 5 huyện (Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới) và thành phố Huế, gồm 33 xã, phường, thị trấn biên giới (12 xã biên giới đất liền và 21 xã, phường, thị trấn biên giới giáp biển).
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy mọi nguồn lực, xây dựng Thừa Thiên Huế vững mạnh về mọi mặt, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực. Chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững; quân sự, quốc phòng được củng cố, tăng cường; an ninh, trật tự ổn định; công tác đối ngoại được đẩy mạnh, mở rộng; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn; kinh tế, văn hóa, xã hội có bước phát triển, đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Quá trình đó, những thử thách do địa hình biên giới hiểm trở, dân cư khu vực biên giới có trình độ nhận thức chưa cao nên vẫn còn những khó khăn trong công tác quản lý. Thiên tai, lũ lụt diễn ra thường xuyên, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh..., đã được Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, Nhân dân nỗ lực vượt qua.
Hằng năm hoặc khi tình hình, nhiệm vụ đặt ra, Tỉnh ủy ban hành chỉ thị, nghị quyết; UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch, chương trình lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, biên phòng, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của các lực lượng, trong đó có Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, làm cơ sở để BĐBP tỉnh cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, hoạt động của BĐBP tỉnh luôn giữ đúng định hướng; vừa tuân thủ, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chủ trương của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, vừa bám sát phương hướng, nhiệm vụ của địa phương; gắn kết chặt chẽ và thống nhất giữa nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ biên giới quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh vai trò nòng cốt của Bộ đội biên phòng
Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trọng tâm là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam..., những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng BĐBP tỉnh phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; thực hiện toàn diện các nội dung công tác biên phòng, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng đã quán triệt các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động của BĐBP tỉnh được thực hiện nghiêm túc. Việc cụ thể hóa, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của địa phương, trong đó có các kế hoạch chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của BĐBP tỉnh được thực hiện kịp thời, sát thực tiễn. Việc phân công, phân cấp phụ trách các mặt hoạt động của BĐBP tỉnh, công tác kiểm tra, đôn đốc được triển khai thường xuyên, có chiều sâu.
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Bên cạnh những thuận lợi, việc quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của tỉnh cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới của tỉnh còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” để chống phá. Các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền đạo trái pháp luật, xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy xuyên quốc gia với tính chất ngày càng nghiêm trọng, nguy hiểm. Tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ căng thẳng, đặt ra nhiều thách thức về quốc phòng, an ninh và công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên, duy nhất trên cả nước khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có tuyến biên giới đất liền. Trước những khó khăn nêu trên, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở, nhất là BĐBP tỉnh cần tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, nhạy bén, nắm, dự báo chính xác tình hình nội, ngoại biên, trên biển, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành và sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; trong đó BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Lực lượng BĐBP tỉnh phải được xây dựng có chất lượng tổng hợp cao, vững về chính trị, tư tưởng, giỏi về quân sự, am hiểu về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, thành thạo ngoại ngữ, tiếng các nước láng giềng, tiếng đồng bào dân tộc. Thường xuyên “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, bảo vệ dân, bảo vệ biên giới. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu", hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Với tất cả niềm tin tưởng và khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẵn sàng bước vào kỷ nguyên đổi mới, quyết tâm xây dựng quê hương đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xây dựng thành phố Huế xứng tầm là thành phố trực thuộc Trung ương, xây dựng khu vực biên giới tỉnh vững mạnh về mọi mặt, trở thành phòng tuyến vững chắc về quốc phòng, an ninh nơi “phên dậu” Tổ quốc.