Xây dựng hệ thống đô thị xứng tầm cả 'chất và lượng'

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh), Đồng Nai đặt mục tiêu xây dựng hệ thống đô thị xứng tầm cả 'chất và lượng' để giữ vai trò tiên phong trong tích tụ và phát triển kinh tế - xã hội.

Đô thị Biên Hòa là đô thị loại I và là đô thị trung tâm của tỉnh. Ảnh: P.Tùng

Đô thị Biên Hòa là đô thị loại I và là đô thị trung tâm của tỉnh. Ảnh: P.Tùng

Trong đó, 2 không gian phát triển đô thị mới được tỉnh định hình là khu vực ven sông Đồng Nai và đô thị Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành.

Đến năm 2030, Đồng Nai có 19 đô thị

Theo Sở Xây dựng, tính đến năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt hơn 45%. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành và phát triển được 11 đô thị.

Thời gian tới, Đồng Nai được đánh giá có rất nhiều tiềm năng để tạo ra sự bứt phá phát triển. Đồng Nai có vị trí địa lý hết sức thuận lợi cộng với các cơ hội mới là độ mở của nền kinh tế khi Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Cùng với đó là hiệu ứng lan tỏa gắn liền với sự cải thiện về hạ tầng kết nối, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông quốc gia như Sân bay Long Thành mang lại cơ hội rất lớn cho tỉnh kết nối với các khu vực kinh tế năng động. Trong quá trình đó, việc phát triển hệ thống đô thị của tỉnh cũng được đánh giá có nhiều thuận lợi.

Theo phương án phát triển hệ thống đô thị trong Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2030-2050, Đồng Nai sẽ có 26 đô thị.

Xuất phát từ những tiềm năng đó, trong Quy hoạch tỉnh, bên cạnh 11 đô thị đã hình thành, Đồng Nai đặt mục tiêu phát triển, hình thành thêm 8 đô thị mới. Cụ thể, theo phương án phát triển hệ thống đô thị trong Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có 19 đô thị gồm: Biên Hòa (đô thị loại I); Long Khánh, Nhơn Trạch (đô thị loại II); Long Thành (đô thị loại III); Trảng Bom, Dầu Giây, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh An, Long Giao, Gia Ray (đô thị loại IV); Hưng Lộc, Gia Kiệm, Quang Trung, Gia Tân 1, La Ngà, Phú Túc, Thạnh Phú, Sông Ray (đô thị loại V). Trong số này, 8 đô thị mới hình thành sẽ được nâng cấp từ các xã thuộc 4 huyện trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo phương án phát triển hệ thống đô thị trong Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, trong số 19 đô thị trên địa bàn, Đồng Nai sẽ có 4 thành phố. Theo đó, bên cạnh 2 thành phố Biên Hòa và Long Khánh, tỉnh sẽ có thêm 2 thành phố mới là Nhơn Trạch và Long Thành.

Trong đó, thành phố Nhơn Trạch sẽ là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh. Hỗ trợ các chức năng giáo dục - đào tạo, y tế, thương mại, dịch vụ hỗn hợp cho vùng Đông Nam Bộ và vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Nhơn Trạch sẽ là đô thị công nghiệp cảng, đô thị vệ tinh của trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng về giao thông vận tải, an ninh quốc phòng của vùng Đông Nam Bộ và vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với Long Thành, đây sẽ là thành phố cửa khẩu hàng không quốc tế, cực phát triển trọng điểm phía Đông của vùng Đông Nam Bộ. Với Sân bay Long Thành, đô thị Long Thành là trung tâm tổng hợp, trung tâm công nghiệp sạch, công nghiệp đa ngành, đổi mới sáng tạo, dịch vụ công nghiệp và logistics, trung tâm giải trí, du lịch cảnh quan sinh thái của vùng và cũng là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ quốc gia.

Nâng chất các đô thị

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, trong phát triển đô thị, mục tiêu của tỉnh là các đô thị phải đảm bảo chất lượng phù hợp với quy định hiện hành, đảm bảo mật độ cây xanh, công trình và hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, hệ thống đô thị phải đóng vai trò tiên phong trong tích tụ và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Cùng với đó, hệ thống đô thị phải cung cấp dịch vụ, hạ tầng và chất lượng sống, năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, không chỉ cho bản thân các đô thị mà cho cả vùng lân cận.

Một góc đô thị Biên Hòa - đô thị trung tâm của tỉnh.

Một góc đô thị Biên Hòa - đô thị trung tâm của tỉnh.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Tấn Lộc cho hay, thực tiễn phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Điều này được bộc lộ từ khâu quy hoạch phát triển đô thị đến quản lý; kết cấu hạ tầng đô thị cũng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, công tác quản lý quy hoạch tại các đô thị còn hạn chế.

“Việc quản lý quy hoạch, chọn mũi đột phá, kết hợp chỉnh trang khu nội thành hiện hữu với phát triển các đô thị mới theo các trung tâm chưa chặt chẽ, hợp lý. Nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị được xây dựng lên nhưng không thu hút được dân cư đến sinh sống và làm việc, do việc đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội, tiện ích xã hội còn yếu kém” - Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Tấn Lộc nói.

Chính vì vậy, mới đây, Sở Xây dựng đã trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức lập Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2030. Trong đó, phạm vi lập điều chỉnh sẽ thực hiện trên toàn tỉnh với 11 đô thị. Giai đoạn phát triển đến năm 2030 cho 19 đô thị và định hướng giai đoạn sau năm 2030 cho 26 đô thị.

Để phát triển hệ thống đô thị đảm bảo cả “chất và lượng”, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, các đơn vị liên quan cần phải nỗ lực để thực hiện quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh. Bởi thời gian qua, dù có quy hoạch phát triển đô thị nhưng Đồng Nai lại chậm hiện thực hóa các quy hoạch này.

“Muốn biến quy hoạch đô thị trở thành đô thị hóa nhanh phải mở đường, phát triển khu dân cư mới. Phải có hạ tầng đô thị đi theo thì tốc độ đô thị hóa mới nhanh được. Nếu chỉ có quy hoạch mà chậm mở đường, chậm đầu tư hạ tầng, chậm đầu tư đô thị mới thì không thể nhanh được” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/xay-dung-he-thong-do-thi-xung-tam-ca-chat-va-luong-6107b0e/
Zalo