Đề xuất xét tuyển sớm đại học: Chỉ tiêu không vượt 20% mỗi ngành

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo sửa đổi Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, trong đó có nhiều nội dung mới thu hút sự quan tâm, đặc biệt là quy định về chỉ tiêu xét tuyển sớm.

Theo dự thảo, các cơ sở đào tạo được phép tổ chức xét tuyển sớm để thu hút những thí sinh có thành tích học tập xuất sắc. Tuy nhiên, chỉ tiêu cho phương thức này không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu của từng ngành hoặc nhóm ngành. Đồng thời, điểm chuẩn trúng tuyển theo hình thức xét tuyển sớm (sau khi quy đổi) phải tương đương hoặc cao hơn điểm chuẩn xét tuyển chung.

Chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu của từng ngành hoặc nhóm ngành. (Ảnh minh họa)

Chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu của từng ngành hoặc nhóm ngành. (Ảnh minh họa)

Các trường cũng phải công khai danh sách thí sinh đạt điều kiện trúng tuyển sớm và đảm bảo số lượng này không vượt mức chỉ tiêu đã công bố trước đó. Đặc biệt, việc yêu cầu thí sinh cam kết nhập học sớm hơn thời gian quy định chung dưới bất kỳ hình thức nào đều không được phép. Danh sách trúng tuyển chỉ được đưa lên hệ thống chung để xử lý nguyện vọng cùng các phương thức xét tuyển khác theo lịch trình của Bộ.

Đa dạng hóa phương thức tuyển sinh

Dự thảo cho phép các trường tự quyết định phương thức tuyển sinh, bao gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Một số ngành, chương trình có thể áp dụng nhiều phương thức song song, nhưng phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá và cách thức xét tuyển. Các tiêu chí này cần phù hợp với yêu cầu kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học.

Điểm xét tuyển của các phương thức phải được quy đổi về cùng một thang điểm thống nhất cho từng ngành hoặc nhóm ngành. Điều này giúp đảm bảo tính công bằng và đồng bộ trong việc đánh giá thí sinh.

Nâng chuẩn đầu vào ngành Giáo dục và Y tế

Dự thảo còn điều chỉnh tiêu chí đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên và lĩnh vực sức khỏe. Thí sinh xét tuyển vào các ngành này phải đạt học lực tốt trong cả ba năm THPT hoặc điểm xét tốt nghiệp tối thiểu 8.

Riêng với các ngành đặc thù như Giáo dục thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, và một số ngành y tế như Điều dưỡng, Y học dự phòng, Kỹ thuật xét nghiệm y học…, yêu cầu thấp hơn: học lực khá trong ba năm THPT hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 6,5 trở lên.

Điểm đáng chú ý là điều kiện này cao hơn quy định hiện hành, vốn chỉ yêu cầu học lực giỏi hoặc khá ở lớp 12. Với các ngành xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ công bố mức điểm sàn cụ thể hàng năm.

Dự thảo Thông tư nhấn mạnh tính minh bạch, công khai trong mọi quy trình xét tuyển, từ việc xác định chỉ tiêu, tiêu chí, đến công bố kết quả. Các quy định mới không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh mà còn giúp các trường thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/de-xuat-xet-tuyen-som-dai-hoc-chi-tieu-khong-vuot-20-moi-nganh-post1694903.tpo
Zalo