Xây dựng đường hai tầng đầu tiên vượt sông Đồng Nai
Lần đầu tiên TPHCM nghiên cứu áp dụng mô hình cầu - đường hai tầng trên tuyến kết nối khu Nam thành phố với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), hướng tới sân bay quốc tế Long Thành. Giải pháp này kỳ vọng tăng năng lực giao thông, giảm chi phí giải phóng mặt bằng.
Trong buổi làm việc gần đây, lãnh đạo TPHCM và tỉnh Đồng Nai đã thống nhất kế hoạch triển khai loạt dự án hạ tầng kết nối hai địa phương. Theo đó, ba cây cầu chiến lược sẽ được đầu tư gồm cầu Cát Lái (thay thế phà hiện hữu), cầu Phú Mỹ 2 và cầu Đồng Nai 2.
Trong đó, cầu Phú Mỹ 2 là cầu đường hai tầng, nhằm giải quyết những thách thức về mặt bằng ở khu vực đông dân cư, nhiều nhà cao tầng như tuyến Hoàng Quốc Việt (quận 7).

Phối cảnh đường hai tầng đang được nghiên cứu. Ảnh: Sở Xây dựng TPHCM
Ông Vương Quang Hưng, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ – Sở Xây dựng TPHCM, cho biết việc áp dụng cầu đường hai tầng sẽ giúp tiết kiệm chi phí giải tỏa, hạn chế ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư hiện hữu và tăng đáng kể khả năng lưu thông. “Đây là giải pháp mới với TPHCM nhưng đã chứng minh hiệu quả ở nhiều đô thị lớn trên thế giới”, ông Hưng nói.
Tuyến cầu - đường Phú Mỹ 2 là một phần trong trục giao thông chiến lược, có chiều dài khoảng 16,7 km, với 8 làn xe (gồm 6 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp). Hướng tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), đi qua Hoàng Quốc Việt – Đào Trí, vượt sông Đồng Nai và kết nối với hệ thống đường Liên Cảng – 25C tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), hướng thẳng về sân bay quốc tế Long Thành.
Tổng mức đầu tư sơ bộ cho dự án này gần 21.500 tỷ đồng. TPHCM sẽ đóng vai trò chủ trì, phối hợp với tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan để hoàn thiện quy hoạch, hồ sơ kỹ thuật, đề xuất chủ trương đầu tư trong cuối năm 2025, khởi công dự kiến năm 2027.
Ngoài tuyến chính, các phương án kết nối như nút giao khác mức tại Nguyễn Hữu Thọ – Hoàng Quốc Việt cũng được đề xuất, đảm bảo không làm xáo trộn các đồ án quy hoạch hiện hữu.
TPHCM đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn về hạ tầng giao thông, đặc biệt tại các khu vực phát triển nhanh như phía Nam và Đông thành phố. Việc nghiên cứu triển khai cầu đường hai tầng được xem là bước đi đột phá, mở ra hướng mới trong phát triển hạ tầng tốc độ cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn quỹ đất hạn chế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia hạ tầng, việc thực hiện cầu - đường hai tầng sẽ có chi phí đầu tư cao và yêu cầu công nghệ phức tạp. So với cầu truyền thống, cầu hai tầng có kết cấu chịu lực phức tạp hơn, đòi hỏi kỹ thuật thi công tiên tiến và đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm. Việc thi công tại các vị trí vượt sông, qua khu dân cư đông đúc cũng làm tăng chi phí đáng kể.
Ngoài ra, hành lang pháp lý về cầu hai tầng tại nước ta còn chưa rõ ràng, dễ khiến kéo dài việc thẩm định, phê duyệt thiết kế và tổ chức đấu thầu. Công trình nếu không đồng bộ với quy hoạch đô thị, hệ thống kỹ thuật đi kèm cũng sẽ phát sinh nhiều bất cập sau khi đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, công tác vận hành – bảo trì cầu hai tầng cũng phức tạp hơn bình thường, do nhiều tầng, nhiều điểm giao cắt.
Trong bối cảnh TPHCM ngày càng khan hiếm quỹ đất, mô hình cầu hai tầng là một giải pháp đáng cân nhắc. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả lâu dài, các chuyên gia cho rằng cần có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ về địa hình, quy hoạch, pháp lý, vốn và công nghệ - đồng thời, tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để tránh rủi ro phát sinh trong quá trình triển khai.