Xây dựng dự thảo Thông tư quy định quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp lao động sản xuất, xây dựng kinh tế
Sáng 15-5, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị cho ý kiến vào dự thảo Thông tư quy định quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến 44 điểm cầu trong toàn quân.
Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm trụ sở Bộ Quốc phòng. Tham dự hội nghị có Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đại biểu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Căn cứ nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng tại Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30-7-2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2024 và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Cục Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 58/2021/TT-BQP hướng dẫn thực hiện quy định về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Thượng tướng Vũ Hải Sản chủ trì hội nghị.
Thông tư ban hành nhằm quy định cụ thể các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại khoản 4 Điều 85, khoản 3 Điều 86, khoản 4 Điều 87 và khoản 7 Điều 88 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP. Bảo đảm sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, điều hành các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Tạo sự thống nhất, minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng khi sử dụng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, không xảy ra sai phạm, lãng phí, tiêu cực, thất thoát...
Bộ Quốc phòng xác định quan điểm xây dựng thông tư để hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi sử dụng đất quốc phòng kết hợp với các hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để xây dựng phương án sử dụng đất; quản lý tài chính từ đất quốc phòng kết hợp lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...

Trung tướng Thái Đại Ngọc, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu ý kiến.
Dự thảo thông tư gồm 5 chương, 25 điều, giảm 1 chương so với Thông tư số 58/2021/TT-BQP. Dự thảo thông tư có nhiều nội dung quy định cụ thể, rõ ràng; trong đó đẩy mạnh phân cấp, phân định thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Đại biểu lãnh đạo Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật góp ý vào dự thảo thông tư.
Tại hội nghị, các đại biểu đã làm rõ sự cần thiết ban hành thông tư và đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, sát thực tiễn, đặc điểm, đặc thù của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các đại biểu khẳng định, việc ban hành thông tư là cần thiết và có đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tiễn. Thông tư góp phần kịp thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội lập, thẩm định, phê duyệt phương án; phân cấp rõ trách nhiệm các cơ quan trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế quy định tại luật và nghị định.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm trụ sở Bộ Quốc phòng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Vũ Hải Sản ghi nhận, biểu dương Cục Tài chính và các cơ quan liên quan đã chuẩn bị tốt, xây dựng dự thảo thông tư theo đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nội dung bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm và dễ triển khai.
Thượng tướng Vũ Hải Sản yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục nghiên cứu dự thảo thông tư và gửi ý kiến bằng văn bản về Cục Tài chính - cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo thông tư. Cục Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị, khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo và trình thủ trưởng Bộ Quốc phòng ký ban hành để triển khai thống nhất trong toàn quân, bảo đảm không còn khoảng trống pháp lý trong thực hiện cơ chế quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.