Xây dựng đô thị thông minh trong kỷ nguyên số

Trong kỷ nguyên số, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ của các đô thị toàn cầu. Mô hình đô thị thông minh (ĐTTM) không chỉ giúp giải quyết các vấn đề đô thị hóa, ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng mà còn hướng tới phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, ĐTTM đang được triển khai mạnh mẽ ở các thành phố lớn.

Tại Việt Nam, ĐTTM đang được triển khai mạnh mẽ ở các thành phố lớn.

Các thành phố tiêu biểu trong xây dựng ĐTTM

ĐTTM không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề đô thị hóa, môi trường và năng lượng. Mô hình này ứng dụng công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa các hoạt động đô thị, từ giao thông, quản lý năng lượng đến dịch vụ công, với mục tiêu nâng cao chất lượng sống, giảm chi phí và sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Năm 2018, Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 được phê duyệt. Từ đó đến nay, ĐTTM tại Việt Nam có nhiều bước tiến với gần 50 tỉnh thành triển khai đề án. Việc triển khai các hạ tầng quan trọng như 5G, cáp quang và các trung tâm điều hành IOC đã giúp các ĐTTM tại Việt Nam có nền tảng vững chắc để phát triển. Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, đến cuối năm 2023, cả nước có 902 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,7%, ngang tầm với các quốc gia phát triển ở châu Á.

Trong quá trình xây dựng ĐTTM, nhiều địa phương đã đạt thành tựu đáng chú ý. Chẳng hạn, TP Cần Thơ đã triển khai hệ thống giám sát chất lượng môi trường thông minh, sử dụng cảm biến IoT, giúp thu thập và xử lý dữ liệu môi trường chính xác và nhanh chóng. Đà Lạt đã ứng dụng công nghệ điều khiển thông minh cho hệ thống chiếu sáng công cộng, tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả quản lý.

TT - Huế là ví dụ điển hình về thành công trong ứng dụng công nghệ thông minh. Ứng dụng Hue-S của Huế đã thu hút hơn 70% người dân địa phương sử dụng, giúp người dân tham gia trực tiếp vào quản lý đô thị. Hệ thống này còn cho phép xử lý các kiến nghị của người dân qua Cổng thông tin điều hành đô thị, giúp nâng cao hiệu quả quản lý. TP Đà Nẵng và Bình Dương cũng nổi bật với những giải pháp công nghệ "Made in Vietnam" và sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp trong xây dựng hệ sinh thái ĐTTM.

Hà Nội với ứng dụng "iHanoi" đã tạo ra cầu nối hiệu quả giữa chính quyền và người dân, giúp ghi nhận và xử lý hơn 21.000 kiến nghị. Thủ đô tiên phong trong xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe thông minh, kết nối hơn 5,4 triệu hồ sơ sức khỏe vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Các dịch vụ công trực tuyến như: Vé giao thông điện tử và bệnh viện thông minh đã góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Hà Nội với ứng dụng "iHanoi" đã tạo ra một cầu nối hiệu quả giữa chính quyền và người dân, giúp ghi nhận và xử lý hơn 21.000 kiến nghị.

Hà Nội với ứng dụng "iHanoi" đã tạo ra một cầu nối hiệu quả giữa chính quyền và người dân, giúp ghi nhận và xử lý hơn 21.000 kiến nghị.

Thách thức trong phát triển ĐTTM

Theo ông Trần Ngọc Linh - chuyên gia Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), mặc dù có bước tiến mạnh mẽ, nhưng quá trình xây dựng ĐTTM tại Việt Nam gặp một số thách thức lớn. Công tác quy hoạch và quản lý ĐTTM hiện thiếu sự thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt trong việc xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng. Việc chuẩn hóa cơ sở dữ liệu từ CAD sang GIS vẫn chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai các giải pháp công nghệ.

Bên cạnh đó, ĐTTM tại Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào các dịch vụ chính quyền điện tử, trong khi các lĩnh vực quan trọng như giao thông thông minh, y tế thông minh và giáo dục thông minh chưa được chú trọng đúng mức. Điều này hạn chế sự phát triển toàn diện của các ĐTTM.

Một vấn đề nữa là cơ chế huy động nguồn lực cho ĐTTM còn thiếu, trong khi sự kết nối giữa doanh nghiệp và khu vực tư nhân chưa hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng huy động nguồn lực xã hội thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng các dự án ĐTTM.

Giải pháp thúc đẩy phát triển ĐTTM

Để phát triển ĐTTM, đại diện Cục Phát triển đô thị đề xuất một số giải pháp quan trọng. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về ĐTTM bền vững trong cộng đồng. Quy hoạch đô thị phải thông minh, kết hợp hài hòa với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và phù hợp. Đồng thời, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng pháp lý, cùng với các quy định chi tiết, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tháo gỡ rào cản trong quá trình triển khai.

Ngoài ra, việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chung, kết nối các Bộ, ngành và địa phương là giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa công tác quản lý đô thị. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các dự án công nghệ cao, tạo động lực phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên môn sẽ là yếu tố then chốt, giúp triển khai ĐTTM một cách hiệu quả và đồng bộ. Cuối cùng, sự tham gia tích cực của cộng đồng trong quá trình xây dựng và giám sát ĐTTM là vô cùng cần thiết, giúp đảm bảo rằng các nhu cầu và vấn đề của người dân được lắng nghe và giải quyết kịp thời.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn số 6862/BXD-PTĐT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn áp dụng Bộ tiêu chí Đô thị Thông minh bền vững phiên bản 1.0. Bộ tiêu chí này được xây dựng nhằm hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng và phát triển ĐTTM bao gồm: 17 nhóm tiêu chí với tổng cộng 60 tiêu chí cụ thể, được phân chia thành 4 cấp độ trưởng thành từ cơ bản đến bền vững. Các tiêu chí này bao gồm các lĩnh vực quan trọng như: Quy hoạch đô thị, giao thông, năng lượng, môi trường, an ninh và các vấn đề xã hội.

Để được đánh giá ở một cấp độ trưởng thành, đô thị cần hoàn thành tối thiểu 75% số tiêu chí của cấp độ đó. Quy trình đánh giá này tạo ra một hệ thống rõ ràng và minh bạch, giúp các địa phương tự đánh giá và cải thiện các yếu tố ĐTTM. Hơn nữa, Bộ tiêu chí sẽ được áp dụng thử nghiệm đến hết năm 2026, trong suốt quá trình thử nghiệm, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và đơn vị liên quan để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhằm đảm bảo quá trình triển khai diễn ra thuận lợi và hiệu quả.

Phát triển ĐTTM không chỉ là giải pháp giúp Việt Nam đối phó với các vấn đề đô thị hóa mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Các yếu tố pháp lý, hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là những yếu tố cốt lõi giúp Việt Nam phát triển những thành phố thông minh, hiện đại trong tương lai.

Diệu Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/xay-dung-do-thi-thong-minh-trong-ky-nguyen-so-392044.html
Zalo