Xây dựng đất nước phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng

Sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam gặt hái nhiều thành tựu vượt bậc, với nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong thế giới đầy biến động như hiện nay, chỉ có xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả thì mới có thể khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt cơ hội, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Hát múa chào mừng năm mới 2025, mừng đất nước đổi mới tại Mũi Điện, TX Đông Hòa. Ảnh: NGỌC THẮNG

Hát múa chào mừng năm mới 2025, mừng đất nước đổi mới tại Mũi Điện, TX Đông Hòa. Ảnh: NGỌC THẮNG

Quan điểm nhất quán trong quá trình đổi mới

Nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế (HNQT) toàn diện, sâu rộng là nền kinh tế có khả năng thích ứng cao với những biến động của tình hình quốc tế và ít bị tổn thương trước những biến động đó. Trong bất cứ tình huống nào, đất nước cũng duy trì được các hoạt động bình thường của KT-XH và giữ vững QP-AN.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và HNQT toàn diện, sâu rộng là quan điểm nhất quán, thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ trương xây dựng đất nước của Đảng trong điều kiện mới. Quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta luôn nhất quán, vận dụng sáng tạo, phù hợp chủ trương: giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Dựa vào nguồn lực trong nước, đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài, xây dựng nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới.

Đại hội lần thứ XI của Đảng khẳng định quan hệ giữa độc lập, tự chủ và HNQT là một trong những mối quan hệ lớn, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”. Giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập nhằm tạo dựng sức mạnh dân tộc, trong đó nội lực là quyết định; tranh thủ yếu tố ngoại lực và thời đại có vai trò quan trọng. Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 1/4/2013, của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế: hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế.

Đại hội XII của Đảng (năm 2016) xác định: “Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế... kết hợp hiệu quả ngoại lực và nội lực, gắn hội nhập kinh tế quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 5/11/2016, của Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chủ trương: tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế, mở rộng thị trường, thu hút vốn, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) cũng khẳng định: “chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”, “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế”. Đồng thời, Đại hội XIII cũng chỉ rõ: “Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia”.

Như vậy, Đại hội XIII của Đảng xác định, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một nội dung cốt lõi bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước trong bối cảnh thế giới có những bước phát triển đột phá, biến động và thay đổi khó lường của quan hệ quốc tế, của quá trình toàn cầu hóa, tác động của quá trình biến đổi khí hậu.

Thu được những thành tựu to lớn

Tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam muốn bảo đảm tính độc lập, tự chủ thì phải chủ động cải cách trong nước để đối phó với tác động không mong muốn từ bên ngoài, có thể ảnh hưởng đến tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một nội dung trong những nội dung cốt lõi của hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Trong đó, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều này vừa thể hiện cách tiếp cận mới phù hợp với quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, vừa thể hiện tư duy mới trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh HNQT toàn diện, sâu rộng; phù hợp với yêu cầu bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế; tích cực xây dựng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam cũng đã đàm phán, ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương thế hệ mới. Việc tham gia ký kết và đàm phán tham gia các FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao năng suất lao động xã hội.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam đã tham gia bốn chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, đó là chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng (dầu mỏ, khí, than đá); chuỗi giá trị hàng dệt may, da giày và chuỗi giá trị hàng điện, điện tử. Một số sản phẩm của Việt Nam bước đầu khẳng định thương hiệu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, năng lực chống chịu được nâng cao hơn - thể hiện rõ tính độc lập, tự chủ ngày càng nâng lên trong quá trình HNQT; được thể hiện rõ qua việc khôi phục và phát triển KT-XH dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.

Sau giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%. Giai đoạn 1996-2000, tốc độ tăng GDP đạt khoảng 7%. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, Việt Nam từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, biểu hiện ở việc tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt mức 6,8%, đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 đến 7% của kế hoạch 5 năm 2016-2020. Mặc dù năm 2020-2021, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng lần lượt là 2,91 và 2,58%, là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới trong giai đoạn này. Năm 2024, tăng trưởng GDP hơn 7,09%. Quy mô nền kinh tế ngày càng được cải thiện. Sau gần 40 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng từ khoảng 8 tỉ USD (năm 1986) lên 476,3 tỉ USD trong năm 2024.

Nhìn lại chặng đường 95 năm từ khi có Đảng lãnh đạo, Nhân dân ta từ kiếp nô lệ đứng lên làm chủ đất nước, đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thu non sông về một mối; vượt qua muôn vàn khó khăn của thời kỳ bị chủ nghĩa đế quốc bao vây cấm vận, để bước vào thời kỳ đổi mới vào năm 1986. Từ đống tro tàn của chiến tranh và tàn phá của thiên tai, dưới sự chèo lái tài tình của Đảng quang vinh, đất nước ta đã vượt qua muôn vàn thách thức, giờ đây đất nước ta đang đứng trước cơ hội phát triển, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

PGS.TS HOÀNG MINH THẢO

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/325528/xay-dung-dat-nuoc-phat-trien-va-hoi-nhap-quoc-te-sau-rong.html
Zalo