Xây dựng công trình tại bãi sông, bãi nổi theo quy mô khu đất nông nghiệp

Theo dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội, để được xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải có tổng diện tích đất nông nghiệp từ 300m2 trở lên và tùy vào quy mô khu đất sản xuất nông nghiệp sẽ được xây dựng công trình phục vụ tương ứng.

Luật Thủ đô 2024

Bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Phạm Hùng

Bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Phạm Hùng

Lấy ý kiến Nhân dân về sử dụng, khai thác đất tại bãi sông, bãi nổi

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Thủ đô 2024).

Theo đó, Nghị quyết này quy định về hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình quản lý, sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn TP; các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai, nông nghiệp, đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai, xây dựng và các cơ quan, đơn vị cá nhân khác có liên quan.

Việc sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm phải phù hợp với Quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, Quy hoạch đê điều, Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch khác có liên quan; tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ đê điều, không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường, nguồn nước; tuân thủ quy định pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Đồng thời, phải phù hợp với đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, môi trường, khí tượng thủy văn; phải có phương án chủ động đảm bảo an toàn vào mùa mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn trước thiên tai, lũ lụt; được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định của pháp luật về đất đai; được sử dụng một phần diện tích để xây dựng, lắp dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không làm thay đổi loại đất, làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính đất nông nghiệp và hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường.

Công trình xây dựng, lắp dựng trên đất nông nghiệp ở bãi sông, bãi nổi chỉ mang tính tạm thời, sử dụng các loại vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, dễ dàng tháo dỡ, di chuyển; vị trí công trình phải nằm ngoài phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi, ngoài chỉ giới hành lang thoát lũ, không thuộc khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, không thường xuyên chịu ảnh hưởng ngập, lụt do lũ trên sông. Tuyệt đối không sử dụng công trình xây dựng trên đất nông nghiệp vào mục đích để ở, không tôn cao bãi sông.

Việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm có xây dựng, lắp dựng công trình phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Luật Thủ đô.

Ưu tiên cây trồng chịu úng, cây bản địa, phù hợp thổ nhưỡng

Theo dự thảo Nghị quyết, sản xuất nông nghiệp trên bãi sông, bãi nổi phải ưu tiên các loại cây trồng chịu úng tốt, cây bản địa và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của khu vực. Các loại cây trồng được khuyến khích bao gồm: cây hoa, hoa màu ngắn ngày, cây dược liệu và cây rau quả. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định tại Điều 218 Luật Đất đai; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp: lán, trại để phục vụ cho người lao động; công trình sơ chế, bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ, dụng cụ và các công trình phụ trợ khác có tính chất tương tự.

Để được xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải có tổng diện tích đất nông nghiệp từ 300m2 trở lên. Trong đó, vị trí xây dựng công trình nằm ngoài phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi, ngoài chỉ giới hành lang thoát lũ của tuyến sông có đê; cách bờ sông một khoảng cách nhất định; không thuộc khu vực bãi sông đang sạt lở hoặc có nguy sơ sạt lở. Người xây dựng phải cam kết không san lấp, tôn cao bãi sông hiện có; tự phá dỡ công trình, không được bồi thường khi hết thời gian tồn tại hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi, thực hiện các dự án.

Với quy mô khu đất sản xuất nông nghiệp có diện tích khác nhau thì sẽ được xây dựng công trình có diện tích khách nhau. Cụ thể, công trình tối đa 15m2 với khu đất có quy mô từ 300-500m2; tối đa 25m2 với khu đất có quy mô từ 500-1.000m2; tối đa 50m2 với khu đất có quy mô từ 1.000-5.000m2; tối đa 75m2 với khu đất có quy mô từ 5.000m2 – 10.000m2; tối đa 100m2 với khu đất có quy mô từ 10.000m2 trở lên.

Công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ được xây dựng, lắp dựng 1 tầng (chiều cao không quá 4,0m), không có tầng hầm; kết cấu công trình bán kiên cố, dễ tháo dỡ, mái lợp vật liệu nhẹ.

Công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp dạng nhà lưới, nhà kính, nhà màng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tháo lắp dễ dàng; không xây dựng tường bao, tường rào, lợp mái, không san lấp, tôn cao bãi sông hiện trạng thì có thể sử dụng đến 100% diện tích khu đất.

Từ vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông thôn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, cũng như đánh giá được các tiềm năng và lợi thế của TP, những quy định về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong Luật Thủ đô 2024 đã tạo được hành lang pháp lý vững chãi, tạo động lực mới để Hà Nội hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn mới.

Các quy định về hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có để khi được TP ban hành sẽ là tiền đề để phát huy được tiềm năng của trên 30.000ha đất đai màu mỡ vùng bãi. Đây là cơ sở quan trọng để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm,... phát triển đúng hướng, bảo đảm nguyên tắc: xây dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đã phải phù hợp với quy hoạch phỏng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan...

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, những chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô 2024 là động lực để hoàn thiện quy hoạch phân khu sông Hồng, tạo điều kiện triển khai trục trung tâm phát triển Thủ đô, hài hòa không gian xanh sinh thái, văn hóa, lịch sử, dịch vụ du lịch, thể thao giải trí, đô thị hiện đại xứng tầm là biểu tượng mới trong phát triển Thủ đô.

"Để khu vực hai bên sông Hồng là trục trung tâm, TP không chỉ quan tâm đến không gian giữa 2 đê tả hữu sông mà còn cần được nghiên cứu gắn kết với không gian trung chuyển tiếp giáp để tạo lập "diện mạo" đô thị hiện đại" - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Thu Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xay-dung-cong-trinh-tai-bai-song-bai-noi-theo-quy-mo-khu-dat-nong-nghiep-417165.html
Zalo