Xây dựng cộng đồng khỏe mạnh - Bài 2: Những bước đi đầu tiên tiệm cận quốc tế

Thành phố Hồ Chí Minh được biết đến là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và đang hướng đến mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe ASEAN.

Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng thuốc phóng xạ tự điều chế để ghi hình PET/CT cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng thuốc phóng xạ tự điều chế để ghi hình PET/CT cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Những kỹ thuật cao về ngoại khoa, nội khoa tiên tiến trên thế giới hầu hết đã được ứng dụng tại các cơ sở y tế của Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó, ngày càng nhiều người dân lựa chọn ở lại Việt Nam thay vì ra nước ngoài điều trị, từng bước trở thành “điểm đến” thu hút người nước ngoài tìm đến Việt Nam khám bệnh, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn.

Không ngừng phát triển kỹ thuật chuyên sâu

Ngày 4/1/2024, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp cùng Bệnh viện Từ Dũ thực hiện thông tim can thiệp thành công cho một thai nhi đang nằm trong bụng mẹ bị dị tật tim bẩm sinh. Đó là trường hợp bào thai 32 tuần bị bất thường bẩm sinh, không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải, có nguy cơ tử vong trong bụng mẹ. Trong vòng 40 phút, các bác sĩ can thiệp thông tim thành công. Đây là ca thông tim can thiệp bào thai đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bình Dân triển khai thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi bằng robot - đỉnh cao phẫu thuật nội soi của y tế hiện đại. Hiện, Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện thành công hàng ngàn ca phẫu thuật bằng robot điều trị các bệnh lý đường tiết niệu, tiêu hóa, gan mật tụy, lồng ngực… Đây là con số mà nhà sản xuất robot phẫu thuật tại Hoa Kỳ và bác sĩ phẫu thuật tại các hội nghị khoa học quốc tế đánh giá cao.

Sự thành công của phẫu thuật robot tại Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Chợ Rẫy là minh chứng điển hình cho việc dù đi sau thế giới nhưng Việt Nam đã đạt tiệm cận đến đỉnh cao của phẫu thuật ngoại khoa. So với các nước trong khu vực, phẫu thuật robot của Việt Nam đã nhỉnh hơn một bước về số lượng lẫn chất lượng chuyên môn.

Trong xu thế trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu sử dụng AI để lập kế hoạch xạ trị cho người bệnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ trị đầu cổ, Bệnh viện Ung bướu Thành phố cho biết, việc lập kế hoạch xạ trị vùng đầu cổ luôn là thách thức bởi vùng này có nhiều cấu trúc quan trọng và nguy cấp nhất, việc tạo ra các kế hoạch điều trị có chất lượng đòi hỏi kỹ năng cao. Trước đây, các bác sĩ phải mất từ 5-10 ngày để lập kế hoạch xạ trị thì nay với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, quy trình này được rút ngắn còn từ 1-3 ngày. Nhờ sự hỗ trợ của AI, việc xác định mô đích và mô lành được rút ngắn xuống còn 2-4 phút, việc tính liều xạ cũng giảm còn 2-4 phút. Đây được xem là công cụ đắc lực hiệu quả trong xạ trị ung thư đầu cổ.

Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ hầu hết các kỹ thuật ghép tạng và ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở y tế có khả năng ghép tạng, mang lại cơ hội sống cho người bệnh. Ngoài các đơn vị đã thực hiện ghép tạng từ hàng chục năm trước như, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhân dân 115 thì mới đây, các bệnh viện khác trên địa bàn gồm Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng bắt đầu các ca ghép tạng. Đặc biệt, các bệnh viện trên địa bàn còn tiên phong sử dụng kỹ thuật chia lá gan người hiến tạng thành 2 mảnh để ghép được cho 2 người nhằm tận dụng hiệu quả nhất món quà quý giá của người hiến.

Định hướng trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN

Người bệnh suy thận được lọc máu trong tòa nhà mới xây của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Người bệnh suy thận được lọc máu trong tòa nhà mới xây của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Những năm gần đây, nhờ áp dụng các kỹ thuật chuyên khoa sâu cùng cải thiện chất lượng dịch vụ, tỷ lệ người Việt Nam ra nước ngoài điều trị bệnh bắt đầu giảm hẳn. Nhiều người sau khi cân nhắc quyết định lựa chọn ở lại Việt Nam để chữa bệnh.

Như trường hợp của gia đình chị Bùi Mỹ Ý (ngụ thành phố Cần Thơ) đã đưa con gái 3 tuổi đến Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh ghép gan thay vì ra nước ngoài như kế hoạch ban đầu. Chị chia sẻ: “Chúng tôi đã định sẽ sang Singapore để ghép gan cho con nhưng sau khi tìm hiểu kỹ thấy các bác sĩ hiện có chuyên môn rất tốt nên quyết định ở lại ghép gan trong nước”.

Ở chiều ngược lại, ngày càng có nhiều người bệnh quyết định đến Việt Nam chữa bệnh bởi danh tiếng tay nghề bác sĩ Việt đã vang xa. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng những năm gần đây, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến từ các quốc gia khác, nhiều nhất là khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Philippines, Indonesia… thậm chí, có những người bệnh đến từ các quốc gia châu Âu.

Sau khi cân nhắc giữa các quốc gia trong khu vực, ông Sol Facun Asuncion (59 tuổi, đến từ Philippines) đã lựa chọn Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh để phẫu thuật khối ung thư tâm vị thực quản. Trước đó, bệnh nhân thực hiện hóa trị tại Philippines và được các bác sĩ đầu ngành nước này giới thiệu đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân bị một khối u ở vùng tâm vị thực quản, vị trí khó nhất đối với phẫu thuật viên khi phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật nội soi, cắt bỏ hoàn toàn khối u kết hợp nạo hạch triệt để. 12 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân được xuất viện trở về Philippines trong niềm vui mừng của cả gia đình.

Không chỉ thu hút người bệnh, ngày càng có nhiều bác sĩ tìm đến các cơ sở y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Những bác sĩ nước ngoài theo học tại các bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đến từ các quốc gia Đông Nam Á mà có cả Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, Đức, Pháp…

Ban đầu, các bác sĩ nước ngoài sang Việt Nam học tập chỉ được thực hiện một cách tự phát, theo nhu cầu cá nhân nhưng lâu dần việc đào tạo của các bệnh viện Việt Nam cũng được giới y khoa thế giới công nhận.

Một trong những thế mạnh của Việt Nam được nhiều bác sĩ nước ngoài đến học tập là kỹ thuật phẫu thuật nội soi. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, nếu như những năm đầu thập niên 1990, Việt Nam còn phải mời các chuyên gia từ Singapore sang tập huấn mổ nội soi thì nay các bác sĩ Việt hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật và trở thành "lò" đào tạo cho các bác sĩ đến từ nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Trung tâm Huấn luyện Phẫu thuật nội soi của Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã huấn luyện cho hàng ngàn bác sĩ về phẫu thuật nội soi, đặc biệt đã có hơn 800 bác sĩ từ 11 quốc gia đến học tập. Nhiều chuyên gia của Việt Nam cũng được các nước bạn mời sang để huấn luyện phẫu thuật cho bác sĩ nước ngoài.

Lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nói chung và thu hút bệnh nhân quốc tế nói riêng thời gian tới. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao theo mô hình viện - trường; xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở. Thành phố đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, phát triển du lịch y tế; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; phát triển kỹ thuật chuyên sâu, cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người bệnh.

Bài cuối: Củng cố y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe toàn diện

Đinh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/xay-dung-cong-dong-khoe-manh-bai-2-nhung-buoc-di-dau-tien-tiem-can-quoc-te-20250424102621457.htm
Zalo