Nữ kỹ sư phát triển loại máy bay thách thức các 'ông lớn' phương Tây
TRUNG QUỐC - Triệu Xuân Linh - nữ kỹ sư trưởng của dự án phát triển máy bay thân rộng C929 - đang dẫn dắt quá trình thiết kế, phát triển máy bay thân rộng nhằm cạnh tranh với hai 'ông lớn' ngành hàng không là Boeing và Airbus.
Tốt nghiệp từ một trường đại học trong nước, Triệu Xuân Linh bắt đầu sự nghiệp với vai trò thiết kế hệ thống phòng không. Giờ đây, bà là người đứng đầu dự án chế tạo máy bay thân rộng C929 - một mẫu máy bay nội địa Trung Quốc được kỳ vọng có thể sánh ngang với các dòng máy bay tầm xa hiện đại của phương Tây.
Theo Scmp, sau khi góp phần quan trọng vào các chương trình máy bay nội địa C909 và C919, Triệu Xuân Linh được bổ nhiệm làm kỹ sư trưởng dự án C929 từ năm 2023, khi Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) quyết tâm phá vỡ thế độc quyền của phương Tây trên thị trường máy bay thân rộng.
Triệu Xuân Linh tốt nghiệp Đại học Bách khoa Tây Bắc ở Tây An - một trường có mối liên hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc. Dù chịu nhiều hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ Mỹ, trường này vẫn đóng vai trò then chốt trong việc phát triển nhiều loại vũ khí tiên tiến, bao gồm cả máy bay chiến đấu hiện đại.

Triệu Xuân Linh giới thiệu các đặc điểm của buồng lái C929 bên trong mô hình mô phỏng tại một viện nghiên cứu của Comac ở Thượng Hải hôm 5/3. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tuy nhiên, sự nghiệp của Triệu Xuân Linh không bắt đầu trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Sau khi tốt nghiệp năm 1991, bà làm việc tại một viện nghiên cứu quang điện tử ở Lạc Dương, Hà Nam - đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc.
Suốt 18 năm tại đây, bà góp phần xây dựng viện thành một trung tâm nghiên cứu hàng đầu về công nghệ quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực điều khiển động cơ và hệ thống chỉ huy hàng không. Triệu Xuân Linh từng giữ chức Phó tổng công trình sư tại đây.
Viện nghiên cứu này là nơi sản xuất các cảm biến quang điện và hệ thống hiển thị dùng cho máy bay không người lái và máy bay quân sự, trong đó có cả màn hình hiển thị trước mắt phi công được sử dụng trên mẫu C919, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London.
Triệu Xuân Linh gia nhập Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc năm 2009 - chỉ một năm sau khi tập đoàn này được thành lập tại Thượng Hải nhằm hiện thực hóa tham vọng sản xuất máy bay của Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã, bà từng tham gia thiết kế, bay thử và chứng nhận trong nước của các mẫu C909 và C919. Cụ thể, bà phụ trách hệ thống điện tử hàng không và thiết kế bảng điều khiển buồng lái hoàn toàn mới cho C909, giúp tạo ra một không gian buồng lái tối và yên tĩnh, giúp phi công dễ tập trung và phản ứng nhanh khi có tình huống khẩn cấp.
Với C919 - dòng máy bay nhằm cạnh tranh trực tiếp với Boeing 737 và Airbus A320, Triệu Xuân Linh là người đứng đầu thiết kế hệ thống hiển thị và cảnh báo tổ lái, được đánh giá là hiện đại hơn cả các dòng máy bay bán chạy nhất của phương Tây.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, bà dẫn dắt một nhóm hơn 100 kỹ sư làm việc không ngừng nghỉ để so sánh hiệu suất của C919 với các tiêu chuẩn quốc tế, nhằm loại bỏ các lỗi thiết kế và sản xuất. C919 đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 5/2023.
Hiện là kỹ sư trưởng của dự án C929 - mẫu máy bay thân rộng đầu tiên của Trung Quốc, bà và đội ngũ của mình đã hoàn tất thiết kế tổng thể. C929 có sức chứa lên tới 440 hành khách và tầm bay 12.000 km - tương đương quãng đường từ Thượng Hải tới New York (Mỹ). Các nguyên mẫu đang được phát triển, và các nhà cung cấp trong nước dự kiến bắt đầu chuyển giao những linh kiện lớn đầu tiên, bao gồm cả phần thân giữa của máy bay, vào năm 2027.
“Một kỹ sư dày dạn kinh nghiệm như Triệu Xuân Linh được chọn làm người đứng đầu dự án C929 cho thấy Comac đang nỗ lực chuyển giao nguồn lực và nhân sự để đẩy nhanh tiến độ phát triển dòng máy bay thân rộng cạnh tranh với Boeing 787 Dreamliner. Những kinh nghiệm từ các mẫu máy bay nhỏ trước đó có thể được ứng dụng hiệu quả vào C929”, một nguồn tin thân cận với Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc cho biết.
Tại một buổi trò chuyện với sinh viên khối khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học (STEM) ở Đại học Giao thông Thượng Hải vào tháng 12, kỹ sư Triệu đã hé lộ những điểm nổi bật của C929: “Máy bay được thiết kế khí động học tối ưu, tiết kiệm nhiên liệu, hệ thống điều khiển bay điện tử hiện đại, có thể thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất, cùng với cabin thông minh mang lại trải nghiệm thoải mái hơn cho hành khách”.
“Nhưng tôi cũng luôn phải cân nhắc đến tính khả thi về mặt thương mại và lợi nhuận, bởi mục tiêu của chúng tôi là thương mại hóa thành công dòng máy bay này tại cả thị trường trong nước và quốc tế", bà nói.