Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật
Ngày 09/4, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã chủ trì buổi làm việc với một số đơn vị về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cùng tham dự buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội chưa được quy định tại pháp luật hiện hành nên các quy định có khác biệt, các cơ chế, chính sách đặc thù để vượt trội so với quy định của pháp luật hiện hành. Các quy định mang tính đặc thù, vượt trội đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, có khả năng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách từ thực tiễn và thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế báo cáo tại buổi làm việc.
Dự thảo Nghị quyết gồm 05 chương với 14 Điều, gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích thuật ngữ; cơ chế tài chính đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; chính sách đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; chính sách xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ, kỹ thuật, cơ sở dữ liệu lớn phục vụ công tác xây dựng pháp luật.
Phát biểu gợi mở buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải có tư duy đột phá. Nếu không thay đổi tư duy, không mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách mới thì sẽ rất khó có bước tiến thực chất trong cải cách thể chế.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại buổi làm việc.
Theo Bộ trưởng, các cơ chế, chính sách được nêu trong dự thảo Nghị quyết là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng của pháp luật. Thế nhưng hiện nay, chúng ta vẫn đang làm theo cách: cứ khi nào xây dựng pháp luật thì mới bắt đầu nghiên cứu, phân tích, đánh giá chính sách. Mà đôi khi, việc hình thành chính sách lại xuất phát từ suy nghĩ chủ quan của các bộ, ngành, cơ quan chủ trì soạn thảo. Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu chính sách từ sớm, từ xa, để sẵn sàng khi có điều kiện thì sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.
Vì vậy, về cơ chế tài chính đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách, pháp luật do ngân sách nhà nước bố trí vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước, được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, được huy động từ nguồn xã hội hóa. Quỹ sẽ được quản lý bằng cơ chế chính sách minh bạch, công khai, nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi.
Bộ trưởng cũng cho rằng cần nâng tầm Viện Nghiên cứu Chiến lược và Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp thành một viện nghiên cứu hàng đầu khu vực. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về tên gọi dự thảo Nghị quyết, phạm vi chính sách, kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật từ 0,5% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu hoàn thiện thể chế phát triển.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, cho ý kiến cụ thể về các vấn đề như: quy định mức chi từ ngân sách nhà nước cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật tối thiểu 0,5% trong tổng chi ngân sách nhà nước là chưa phù hợp, có thể sẽ phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện và phân bổ ngân sách; có chế độ đãi ngộ tương xứng với vị trí việc làm xây dựng pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng pháp luật…