Khơi thông điểm nghẽn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo động lực để Hải Phòng phát triển
Việc ban hành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng là hết sức cần thiết để khơi thông các điểm 'nghẽn', tạo đột phá, có sức lan tỏa lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng và đóng góp lớn hơn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước. Đây là nhận định của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến với nội dung này tại Phiên họp thứ 44.
Thí điểm các dự án kinh tế xanh
Nhiều ý kiến tại phiên họp nhất trí cho rằng, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng nếu được thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới đây và có hiệu lực ngay sẽ giúp Hải Phòng triển khai nhanh và phát triển mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, do dự thảo Nghị quyết được xem xét trong bối cảnh đang triển khai chủ trương sáp nhập các tỉnh, nên một số ý kiến đề nghị cần quan tâm đến vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, trong Tờ trình của Chính phủ chưa đề cập đến việc khi Hải Phòng triển khai sáp nhập, mở rộng diện tích, thì việc áp dụng Nghị quyết này sẽ như thế nào? Vì vậy, Chính phủ cần sớm xin ý kiến của Bộ Chính trị như đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng mở rộng phạm vi phân cấp, phân quyền theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và tinh thần được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiều lần là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ kiến tạo và giám sát. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa, nhất là trước đó dự thảo Nghị quyết được xây dựng trong bối cảnh chưa có chỉ đạo sáp nhập đơn vị hành chính và chỉ đạo phân cấp, phân quyền. Đáng lưu ý, việc xây dựng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng nếu chỉ dựa vào Nghị quyết số 45-NQ/TW và Kết luận số 96-KL/TW thì chưa mới bằng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII. Do vậy, cần tiếp tục cập nhật các quyết sách của Bộ Chính trị.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Liên quan đến các nhóm chính sách, cụ thể là cơ chế tài chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, phải ưu đãi hơn mức quy định hiện hành. Theo Nghị quyết số 35/2021/QH15, Hải Phòng được giữ không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn để đầu tư hạ tầng. Dự thảo Nghị quyết đề xuất nâng lên mức 80 - 85%. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là mức đề xuất hợp lý.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Hải Phòng cần đi đầu trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; tiếp tục thể chế hóa, đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, các luật về khoa học, công nghệ vào phát triển Hải Phòng.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, dự thảo Nghị quyết cần nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính sẽ quyết định tới sự phát triển của Hải Phòng trong thời gian tới; đồng thời cần chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, quy định đánh giá tác động môi trường chặt chẽ hơn cho các dự án lấn biển, khu công nghiệp, đô thị hóa; thí điểm các dự án kinh tế xanh, như nuôi trồng thủy sản bền vững, du lịch sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Lưu ý, việc “xây dựng dự thảo Nghị quyết cần bám sát quá trình sửa đổi các luật có liên quan, những nội dung đã tương đồng thì không cần quy định trong dự thảo Nghị quyết”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng dẫn chứng, tại Điều 5, dự thảo Nghị quyết quy định, Hải Phòng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp… Tuy nhiên, đây cũng là quy định trong dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).
Tương tự với chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tại Điều 7 của dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát với Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội đã có quy định về cơ chế ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho các nhà khoa học, chuyên gia và dự thảo Luật Khoa học, công nghệ (sửa đổi) cũng xem xét sửa đổi chính sách liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bảo đảm rõ ràng, minh bạch khi áp dụng
Thời gian qua việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án chậm chủ yếu do vướng mắc về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần tạo cơ chế cho Hải Phòng. Và trong thu hồi đất xen kẹt, cần làm rõ tiêu chí của đất xen kẹt như thế nào, tránh tình trạng lợi dụng chính sách.
Với khoản 4, Điều 6, dự thảo Nghị quyết, có ý kiến đề nghị làm rõ thu hồi đất để hình thành trung tâm logistics thì áp dụng theo quy định nào của Luật Đất đai? Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Chính phủ nghiên cứu thêm Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng có quy định, thu hồi đất để xây dựng các hạng mục công trình hình thành trung tâm logistics được thực hiện theo quy định tại Điều 79, Luật Đất đai.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kết luận số 96-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, có các cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển vượt trội, đột phá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tạo động lực phát triển TP. Hải Phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, “không đưa vào Nghị quyết những chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các chính sách đã và sẽ có trong các luật khác, đặc biệt rà soát kỹ các quy định về thu hồi đất để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp”.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực hiện chủ trương của Đảng, tới đây Hải Phòng sẽ thay đổi, mở rộng địa giới hành chính, do đó, để bảo đảm tính khả thi, toàn diện và ổn định của Nghị quyết cần nghiên cứu để bao quát địa giới hành chính mới sau khi sắp xếp, không chỉ để phát huy tiềm năng, thế mạnh, đặc điểm địa lý, kinh tế, văn hóa của Hải Phòng hiện nay, mà phải tính cho Hải Phòng khi mở rộng. Đồng thời, cần lưu ý đến những tác động của việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo các chủ trương, chỉ thị, kết luận của trung ương, rà soát các chính sách cho phù hợp, khả thi, đặc biệt là việc không tổ chức cấp huyện, sắp xếp cấp xã.
“Chính phủ rà soát, đánh giá tác động đầy đủ của các chính sách, đặc biệt là các chính sách mới, từng chính sách cần có nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện thực hiện, bảo đảm rõ ràng, minh bạch khi áp dụng, gắn với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân, hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.