Xây dựng các cơ chế đặc thù cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Ngày 28/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị có liên quan về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật và giải thích, hướng dẫn, áp dụng, kiểm tra, rà soát, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Toàn cảnh cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp.

Theo báo cáo tại cuộc họp, Bộ Tư pháp dự kiến trình Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết này tại kỳ họp tháng 5/2025, theo Phương án này thì hồ sơ dự thảo Nghị quyết phải gửi cho Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thẩm tra trước ngày 10/4/2025. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2025, vì đây là dự thảo Nghị quyết quan trọng cần có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ để đảm bảo chất lượng VBQPPL trình Quốc hội và việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Về nội dung này, Bộ nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng dự thảo Nghị quyết này nên đề xuất trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng /2025.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế báo cáo tại cuộc họp.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế báo cáo tại cuộc họp.

Về nội dung chính sách, Bộ Tư pháp dự kiến gồm 03 chính sách: Chính sách về cơ chế tài chính đặc thù, tương xứng cho công tác xây dựng pháp luật, gồm: cơ chế khoán chi; việc thành lập và hoạt động của Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách và quy định về đầu tư mạo hiểm trong công tác xây dựng pháp luật. Chính sách đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia công tác xây dựng pháp luật; Chính sách xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ, kỹ thuật, cơ sở dữ liệu lớn (big data) phục vụ công tác xây dựng pháp luật.

Tại cuộc họp, ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế cho rằng tên gọi hiện tại của dự thảo Nghị quyết là phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, việc ban hành VBQPPL không chỉ dừng lại ở khâu soạn thảo mà còn liên quan đến thực tiễn áp dụng và điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp phát biểu tại cuộc họp.

Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp phát biểu tại cuộc họp.

Về phạm vi, ông An đề xuất mở rộng phạm vi chính sách về công tác xây dựng pháp luật, bao gồm cả pháp luật trong nước và quốc tế; bổ sung nội dung về xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng pháp luật. Luật Ban hành VBQPPL mới đã có những thay đổi quan trọng về hướng dẫn và giải thích pháp luật nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong thực thi. Trên thực tế, nhiều văn bản còn mâu thuẫn, chưa rõ ràng, gây khó khăn trong áp dụng. Vì vậy, cơ chế hướng dẫn và giải thích pháp luật cần được xem là một công cụ quan trọng để giải quyết vấn đề này.

Bà Nguyễn Hạnh Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội cũng đồng tình với việc mở rộng phạm vi chính sách về xây dựng pháp luật. Đồng thời đề nghị mở rộng phạm vi theo hướng khai thác dữ liệu từ Bộ Pháp điển, vốn đã được ra mắt nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao.

Bà Nguyễn Hạnh Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội phát biểu tại cuộc họp.

Bà Nguyễn Hạnh Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội phát biểu tại cuộc họp.

Bà Thu cũng cho rằng dự thảo giới hạn ở “một số chính sách đặc thù” là hợp lý, giúp tập trung những nội dung quan trọng; đồng thời đề xuất cách làm “cuốn chiếu”, giải quyết từng chính sách một để đảm bảo tiến độ.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú khẳng định việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật và giải thích, hướng dẫn, áp dụng, kiểm tra, rà soát, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật hiện nay.

Về tên gọi của Nghị quyết, Thứ trưởng nhất trí việc điều chỉnh thành “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật”. Đối với phạm vi điều chỉnh, Thứ trưởng cho rằng Nghị quyết này phải quy định các chính sách đặc thù cho hoạt động xây dựng pháp luật theo nghĩa rộng (bao gồm việc tham gia xây dựng điều ước quốc tế) và hoạt động tổ chức thi hành pháp luật theo hướng mở rộng nhất có thể.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú phát biểu kết luận cuộc họp.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú phát biểu kết luận cuộc họp.

“Công tác xây dựng pháp luật và một số hoạt động xây dựng pháp luật mà pháp chế đang làm ở Trung ương và địa phương đang rất vất vả, nên cần phải xử lý tối đa các vướng mắc này trong Nghị quyết. Nếu điều kiện kinh tế - xã hội chưa cho phép, chúng ta có thể tháo gỡ theo từng bước” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú nói.

Thứ trưởng cho biết, các đại biểu đều nhất trí với 03 chính sách lớn của dự thảo Nghị quyết. Trong đó lưu ý các chính sách cần tập trung xử lý được việc phân bổ, quản lý và sử dụng tài chính để thực hiện đúng Điều 70 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) năm 2025; Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách; mức chi cho công tác xây dựng pháp luật; vấn đề thu hút, trọng dụng và cơ chế bảo đảm cho nguồn nhân lực; việc xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đã gợi mở một số công việc cần thực hiện trong thời gian tiếp theo như: thành lập Tổ soạn thảo, Ban biên tập; xây dựng “khung”, cấu trúc của Nghị quyết và gửi xin ý kiến của các bộ, ngành; tổ chức buổi tham vấn với các ủy ban của Quốc hội…

Thứ trưởng mong rằng các bộ, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Thiên Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xay-dung-cac-co-che-dac-thu-cho-cong-tac-xay-dung-va-thi-hanh-phap-luat-post543843.html
Zalo